Nhà tù tốn kém nhất thế giới

Tiêu tốn hơn 900.000 USD (gần 19 tỷ đồng) cho một tù nhân mỗi năm, nhà tù Guantanamo được mệnh danh là tù đắt đỏ nhất thế giới.

Lầu Năm Góc ước tính họ phải chi 150 triệu USD mỗi năm để duy trì hoạt động của nhà tù và hệ thống tòa án quân sự tại căn cứ hải quân Mỹ ở Cuba, được lập nên cách đây 11 năm để giam giữ nghi can khủng bố nước ngoài. Với 166 tù nhân đang bị giam ở đây, chi phí hàng năm cho mỗi nghi can lên tới 903.614 USD.

Theo các nhà phân tích, những nhà tù an ninh tốn kém nhất ở Mỹ cũng chỉ chi tối đa 60.000 – 70.000 USD cho mỗi tù nhân. Chi phí trung bình của các nhà tù liên bang là 30.000 USD/tù nhân.

Chi phí quá cao là một trong những lý do ông Obama đưa ra trong nỗ lực đóng cửa nhà tù tai tiếng. Ông Obama nói rằng nhà tù được lập nên dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush là vết hoen ố đối với danh tiếng của Mỹ, bị các chính phủ nước ngoài và nhiều tổ chức nhân quyền thường xuyên chỉ trích.

Việc chỉ trích chi phí quá tốn kém có thể là vũ khí lợi hại của ông Obama trong bối cảnh tranh cãi cắt giảm chi tiêu công giữa Tổng thống và Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Chính phủ Mỹ đang trải qua đợt cắt giảm chi tiêu tự động từ tháng 3.

Nhà tù tốn kém nhất thế giới - 1

Một tù nhân không rõ danh tính đang đọc báo tại nhà tù Guantanamo. (Nguồn: Reuters)

Số tiền cho một tù nhân ở Guantanamo cao hơn chi phí 74.000 USD cho các chuyến công tác trong nước của Nhà Trắng trong 12 tuần.

Chi phí cho mỗi tù nhân ở Guantanamo tương đương với khoản tiền cần để duy trì sân bay Arkansas suốt 45 tháng.

Khoản tiền 900.000 USD cũng tương đương với khoản tiền đủ cho gần 7 bang cung cấp bữa ăn miễn phí cho người già nghèo khổ.

Chi phí quá lớn để duy trì hệ thống nhà tù Guantanamo là do vị trí nhà tù nằm ở Cuba. Vì Mỹ và Cuba không có quan hệ ngoại giao, nên tất cả trang thiết bị dùng cho nhà tù đều phải chở từ bên ngoài vào qua đường biển.

Khi tổ chức tòa án quân sự, tất cả luật sư, thẩm phán, người quan sát và báo chí đều phải bay tới đây bằng máy bay quân sự. Lương thực, vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa khác đều phải chờ từ bên ngoài vào.

Cho dù chi phí cao và Đảng Cộng hòa luôn đòi hỏi chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, Ủy ban Quân lực Hạ viện nói rằng mức chi phí như vậy cũng đáng, vì “hiện tại chưa có lựa chọn nào thay thế”.

Chưa hoàn thành lời hứa đóng cửa nhà tù 11 tuổi từ chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên và những ngày đầu lãnh đạo đất nước năm 2009, ông Obama gần đây nhắc lại cam kết này.

Áp lực đóng cửa nhà tù tai tiếng ngày càng tăng khi 100 tù nhân thực hiện biểu tình tuyệt thực từ tháng 2 năm nay, trong đó 100 tù nhân chống đối bằng cách nhịn ăn, khiến quản lý nhà tù phải dùng cách ép tù nhân ăn để giữ tính mạng cho họ.

Khoảng 245 tù nhân đang bị giam tại Guantanamo khi ông Obama nhậm chức năm 2009, và đến nay đã giảm xuống còn 166. Việc thả những tù nhân còn lại gặp nhiều khó khăn vì Quốc hội Mỹ quy định cấm đưa tù nhân vào lãnh thổ Mỹ. Năm nay chưa có tù nhân nào được rời khỏi Guantanamo.

Trong số những tù nhân này, 9 người đã bị kết tội, 24 người có thể bị hành hình, 47 người được coi là quá nguy hiểm nếu được thả nhưng sẽ không bị hành hình, và 86 người đã được xóa tội để chuyển đi hoặc thả.

Ông Obama trách Quốc hội can thiệp vào kế hoạch đóng cửa Guantanamo. Từ năm 2011, Quốc hội Mỹ bắt đầu cấm việc đưa tù nhân vào Mỹ, rằng Bộ Quốc phòng phải xác nhận nhiều yếu tố, như quốc gia nhận lại tù nhân không tài trợ cho khủng bố và phải có biện pháp để bảo đảm những cá nhân đó không đe dọa Mỹ.

Ông Wells Dixon, luật sư tại Trung tâm quyền hiến pháp, một tổ chức ở New York đại diện cho khá nhiều tù nhân Guantanamo, nói rằng Tổng thống Obama có thể yêu cầu Lầu Năm Góc thực hiện xác nhận. Nhưng điều này có thể khiến Tổng thống phải mạo hiểm, nếu tù nhân Guantanamo sau này có hành động tấn công hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters, AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN