Người thọ 100 tuổi: “Hãy cười thật nhiều!”

Ăn uống đơn giản, thể dục đều đặn và quan trọng là giữ cái tâm lương thiện, không đua chen, phiền não là bí quyết sống thọ của nhiều bậc cao niên.

Về làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hỏi thăm nhà cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á thì ai cũng biết. Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến một căn nhà 3 gian nằm cuối con đường nhỏ trong thôn. Buổi chiều yên ả, trước sân nhà, lũ trẻ nô đùa, cụ bà Vũ Thị Hai (100 tuổi) đang quét sân còn cụ ông Cao Viễn (106 tuổi) thì nấu cơm tối dưới bếp.

Sống lâu nhờ lao động

Nghe chúng tôi hỏi thăm sao con cháu đâu không nấu cơm cho 2 cụ ăn, bà Hai cười móm mém: “Con cháu đều ở riêng cả, hiện căn nhà này chỉ mình tôi với ông ấy ở với nhau. Mình còn có sức khỏe thì tự chăm sóc bản thân, không nên làm phiền con cháu làm gì”. Đang chăm chút nêm nếm nồi cá biển, ông Viễn tiếp lời: “Vợ chồng muốn ăn cái gì thì gửi các cháu mua đồ về rồi mình tự nấu lấy, mình ở riêng nên tự túc cho khỏe. Lúc trẻ, chuyện bếp núc là của bà ấy, giờ già rồi bà ấy nấu toàn nêm mặn, không ngon như trước nên tôi toàn giành nấu ăn”.

Người thọ 100 tuổi: “Hãy cười thật nhiều!” - 1

Hơn 100 tuổi nhưng vợ chồng cụ Viễn vẫn còn khỏe mạnh, có thể tự chăm sóc cho mình - Ảnh: ĐỨC NGỌC

Lũ trẻ thấy người lạ xúm lại hóng chuyện. Cụ Viễn cho biết đó là cháu của con trai cụ ở nhà bên cạnh, sang chơi.  “Hằng ngày, ngoài việc quét dọn nhà cửa, lúc nào rảnh thì vợ chồng tôi lại trông con cho các cháu. Có chúng nó chạy ra chạy vào mới vui”.

Tuổi cao nên cụ Viễn hơi nặng tai. Đưa giấy viết cho chúng tôi, cụ bảo ghi câu hỏi vào giấy, cụ đọc rồi sẽ trả lời. Ngồi trò chuyện trước hiên nhà, trời nhá nhem tối nhưng cụ Viễn vẫn dễ dàng đọc các câu chữ. Cụ khoe: “Tai tôi lảng nhưng mắt còn sáng lắm, đọc sách, báo bình thường, không cần đeo kính”.

Nghe hỏi về bí quyết để trường thọ, cụ Viễn cười rung rung chòm râu trắng. “Có bí quyết chi mô. Chỉ cần ngày nào cũng lao động thì sống lâu thôi”. Xuất thân nông dân, tính hay lam hay làm, từ trẻ tới già, chưa ngày nào vợ chồng cụ Viễn nghỉ ngơi. “Hồi xưa thì lo cho con, giờ con cái lớn rồi thì tự lo cho mình. Lao động giúp cơ thể dẻo dai. Ngoài ra, sống phải biết yêu thương, bao dung, đừng lo nghĩ, chấp nhặt nhiều thì sẽ không bệnh tật gì” - bà Hai nói thêm.

Giới trẻ cũng khó bì

Bí quyết trường thọ của đôi vợ chồng cao tuổi nhất châu Á không có gì lạ nếu muốn nói là quá bình thường. Tuy nhiên, có vẻ như bí quyết này đúng trong mọi trường hợp. Về ngôi làng mệnh danh là làng trường thọ của Việt Nam ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hỏi thăm những vị cao niên ở đây thì thấy quả đúng cách duy nhất để chống lại bệnh tật chính là lao động và giữ cho tâm hồn thư thả.

Ông Nguyễn Văn Thứng (66 tuổi) - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới - cho biết ở xã có hàng trăm người thọ từ 80 tuổi trở lên.

Người thọ 100 tuổi: “Hãy cười thật nhiều!” - 2

Cụ Phan Văn Tiếp đang đưa võng ru đứa chắt ngủ - Ảnh: THANH VÂN

Theo chân ông Thứng, chúng tôi đến nhà cụ Phan Văn Tiếp (84 tuổi). Đang đưa võng ru đứa chắt ngủ trưa, thấy khách tới, cụ Tiếp hăm hở ra đón: “Mấy bữa nay tui bị lên máu nên mấy đứa nhỏ không cho đi đâu, chân cẳng bứt rứt quá”. Hỏi ra mới biết dù tuổi cao nhưng cụ Tiếp chưa bao giờ chịu ngồi yên. “Làm riết quen rồi giờ ở không không được. Tui với mấy ông bạn già hay đi lùng khắp các núi Dài, núi Tượng, núi Cấm (An Giang), Mo So (Kiên Giang) bằng xe máy để tìm thảo dược quý về giúp cho bệnh nhân nghèo. Một chuyến đi có khi mất tới 3-4 ngày nhưng không mệt mà ở nhà vài ba bữa lại thấy khó chịu trong người” - cụ Tiếp than thở.

Nói chuyện với cụ Tiếp, chúng tôi được biết ở địa phương còn có cụ Nguyễn Văn Dững đã 88 tuổi mà còn khỏe phây phây. Dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng những việc công ích trong xã như đắp đường, sửa cầu ông đều xăng xái làm hết. “Tui có thói quen là mỗi buổi sáng phải đi bộ ít nhất 2 cây số. Tụi tui tuy già rồi chứ nói về sức khỏe thì vẫn còn gân lắm đó nghen. Chưa chắc gì thanh niên trai tráng có thể đi bộ bằng tui đâu” - cụ Dững khoe.

Người thọ 100 tuổi: “Hãy cười thật nhiều!”

Đến An Giang, nói đến đạo sĩ Ba Lưới (ông Nguyễn Văn Y) không ai không biết. Tuổi đã ngoài 100 nhưng hằng ngày ông vẫn lên xuống núi Cấm để tìm thuốc nam và làm công tác xã hội.

Nói về bí quyết sống lâu, sống khỏe, cụ Lưới cho biết trước hết phải giữ cho mình một tinh thần lạc quan trong bất cứ hoàn cảnh nào. Kế đến là sống lương thiện và dĩ nhiên là không thể thiếu khoản siêng năng vận động, ăn uống điều độ.

“Các cháu hãy cười thật nhiều, quên đi tuổi tác, bệnh tật. Phải sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh, không nên đứng núi này trông núi nọ mà sinh ra phiền muộn. Đó chính là bí quyết giúp ta giữ gìn sức khỏe và kéo dài tuổi thọ” - cụ Ba Lưới khuyên nhủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Vân - Đức Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN