Ngày mai, thời gian có thêm một giây

Ngày mai (30/6), các chuyên gia thời gian trên khắp thế giới sẽ làm một việc kỳ lạ nhất trong nghề nghiệp của mình là kìm lại thời gian để đưa thêm một giây vào trong ngày.

Việc đưa thêm 1 giây vào ngày mai nhằm bù đắp sự chênh lệch giữa thời gian dưới Trái đất với giờ Mặt trời. Phút cuối cùng của ngày 30/6/2012 sẽ có 61 giây, để các chuyên gia về thời gian bổ sung thêm một "giây nhuận", bù lại những chuyển động lắc lư của Trái đất.

Trái đất mất 86.400 giây để hoàn thành một vòng quay 360 độ quanh trục xoay. Tuy nhiên, tư thế nghiêng của quả đất lại bị lực hút của Mặt trăng, Mặt trời và thủy triều lớn trên các đại dương tác động, làm kìm giữ vòng quay thời gian bằng một giây.

Kết quả là thời gian Trái đất chậm hơn so với Thời gian Nguyên tử Quốc tế (TAI) – sử dụng dao động của các nguyên tử để đo thời gian với độ chính xác vài nghìn tỷ phần giây.

Ngày mai, thời gian có thêm một giây - 1

Ngày mai (30/6), các đồng hồ trên thế giới sẽ có thêm 1 giây

Nhằm tránh cho giờ Mặt trời và TAI chênh lệch nhau quá nhiều, con người đã sử dụng Giờ phối hợp quốc tế (UTC) để điều chỉnh thời gian nên chúng ta mới có một ngày dài tới 86.401 giây.

Công việc điều chỉnh được bắt đầu từ năm 1972. Trước đó, thời gian được đo bằng vị trí giữa Mặt trời hoặc các ngôi sao so với Trái đất, thể hiện bằng Giờ trung bình Greenwich (GMT) hoặc tiền thân là giờ UT1.

Lần chỉnh sửa vào ngày mai (30/6) sẽ là lần can thiệp thứ 25 nhằm bổ sung thêm một “giây nhuận” vào UTC.

Ông Noel Dimarcq, Giám đốc hệ thống tham chiếu thời gian vũ trụ SYRTE tại Đài quan sát Paris cho biết: "Ngày nay, thời gian được xây dựng, xác định và tính toán bằng các đồng hồ nguyên tử - có tính ổn định hơn nhiều so với giờ thiên văn. Việc điều chỉnh giúp mọi người trên Trái đất có cùng thời gian chính xác".

TAI được duy trì bằng hàng trăm đồng hồ nguyên tử trên thế giới, tính toán những dao động trong nguyên tử của phân tử hóa học caesium, phân chia một giây thành 10 tỷ phần nhỏ hơn. Với độ chính xác cao như trên, phải tới 300 triệu năm, đồng hồ nguyên tử mới chậm 1 giây.

Tại mỗi thời điểm, sự chênh lệch giữa TAI và UT1 trở nên quá lớn, do đó, Dịch vụ hệ thống tham chiếu và vòng quay trái đất quốc tế (IERS) đã phải đưa thêm một “giây nhuận”, cũng như thông báo trước vài tháng.

Giây bổ sung thường được đưa thêm vào UTC (hay còn gọi là giờ Zulu) vào lúc nửa đêm, của ngày 31/12 hoặc ngày 30/6.

Thời điểm đưa thêm một “giây nhuận” diễn ra không theo quy tắc bởi nó chịu tác động của trục quay Trái đất. Ba lần điều chỉnh gần đây nhất diễn ra vào năm 2008, 2005 và 1998.

Đặc biệt, vào năm 1972, con người đã phải bổ sung thời gian 2 lần, và sau đó là 7 năm, mỗi năm thêm một giây.

Đa số 7 tỷ người dân trên Trái đất sẽ không cảm thấy bất cứ sự thay đổi nào trong cuộc sống vào ngày mai (30/6), ngoại trừ một số người nhạy cảm sẽ nhận thấy một giây kéo dài lâu hơn. Nhưng với giới khoa học, hiện tượng này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Từ trước tới nay, “giây nhuận” đã trở thành đề tài tranh cãi giữa các nước thành viên thuộc Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), do một số nước thành viên đề nghị chuyển sang sử dụng giờ nguyên tử.

Mỗi khi thời gian được cho thêm một giây, các máy tính trên thế giới cần phải được điều chỉnh bằng tay, một thao tác được cho là tăng nguy cơ bị lỗi.

Còn các hệ thống chính xác cao như vệ tinh và một số mạng lưới dữ liệu sẽ phải tính đến “giây nhuận” nếu không sẽ gây ra “thảm họa tính toán”. Do đó, các vụ phóng tên lửa không bao giờ được thực hiện vào ngày có “giây nhuận”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thu (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN