Ngân hàng không sợ “bút ma thuật”
“Bút ma thuật” làm chữ trên giấy có thể biến mất khiến nhiều người lo lắng vì khả năng rủi ro trong kinh doanh cao. Tuy nhiên, các ngân hàng rất tự tin về khả năng “giữ tiền” của mình ngay cả khi “bút ma thuật” nhan nhản ngoài thị trường.
Gần đây, trên thị trường xuất hiện một loại bút màu đen bề ngoài nhìn như bút dạ hay bút mực. Tuy nhiên, không giống các loại bút thông thường, bút này có tính năng đặc biệt là “xóa dấu vết”. Bút viết lên giấy trắng với các chữ và dòng chữ rõ ràng. Một lúc sau, thậm chí vài ngày sau, mực biến mất không dấu vết. Khả năng kỳ lạ này khiến bút được đặt tên là “bút ma thuật” hay “bút phù thủy”.
Theo lời chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu – người có nhiều năm sống tại Mỹ, “bút ma thuật” đã xuất hiện tại Mỹ vài năm trước. Người Mỹ chỉ coi “bút ma thuật” là một loại đồ chơi dùng để giải trí thông thường. Tuy nhiên, hiện nay “bút ma thuật” xuất hiện tại Việt Nam khiến nhiều người, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh như “ngồi trên đống lửa”.
Lo lắng của nhiều người không phải là không có cơ sở khi chữ ký trong các hợp đồng tài chính có thể biến mất bất cứ lúc nào; hay những “dấu vết” vay nợ có thể biến mất khiến khổ chủ trắng tay.
Không hốt hoảng như nhiều doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ hay cá nhân có giao dịch mua bán, vay nợ thông thường, các ngân hàng không quá lo lắng về sự xuất hiện của bút này.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Phạm Quang Dũng cho biết đã được nghe thông tin về loại bút này vài ngày trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Dũng, rủi ro mà “bút ma thuật” có thể đem đến hệ thống ngân hàng này không cao.
Các ngân hàng không sợ "bút tàng hình" (ảnh minh họa)
Thậm chí, vị này cho biết, ngay cả khi khách hàng đã dùng “bút ma thuật” ký các giấy tờ vay vốn, ngân hàng cũng không giải ngân ngay. Hoạt động cho vay bao gồm rất nhiều bước kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Quá trình cho vay không chỉ có hợp đồng giữa ngân hàng và khách hàng mà còn liên quan đến bên thứ 3 là bên bảo lãnh. Ngoài ra, có thể liên quan đến các cơ quan chức năng, có đóng dấu xác minh…
“Rủi ro ấy không lớn nếu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ quy trình cho vay”, ông Dũng nói. “Chúng tôi tin tưởng hoàn toàn có thể quản lý để giảm thiểu những rủi ro như vậy”.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, Vietcombank sẽ nghiên cứu, cân nhắc biện pháp phòng ngừa “bút ma thuật”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Tổng giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, tuy hệ thống Agribank rất lớn nhưng chưa từng có trường hợp nào mắc phải từ “bút ma thuật. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đã có văn bản cảnh báo đến từng bộ phận và các đơn vị trực thuộc.
“Bút ma thuật có thể chỉ xảy ra với việc cho vay tín dụng đen”, ông Hùng nói.
Mặc dù nhận định hiện tượng “bút ma thuật” không đáng ngại nhưng ngân hàng TMCP Đại dương Việt Nam (Oceanbank) cũng đã có phương án đề phòng trên toàn hệ thống thông qua email nội bộ của ngân hàng này.
Theo đó, ông Nguyễn Trí Hiếu – thành viên HĐQT ngân hàng Oceanbank cho biết, khi khách hàng đến giao dịch, nhân viên ngân hàng này sẽ đưa bút cho khách ký. Nếu khách hàng sử dụng bút riêng thì người giao dịch phải kiểm tra.
“Loại bút đó có đặc thù riêng, mực cũng không thể bình thường được nên cũng không khó phát hiện nếu đặc biệt quan tâm”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, lãnh đạo ngân hàng TMCP phát triển Nhà TP HCM (HDbank) cho biết, mặc dù đã biết thông tin về “bút ma thuật’ nhưng vẫn chưa có động thái cảnh báo trên hệ thống.
Theo một số chuyên gia về hóa học, để phát hiện sớm “bút ma thuật” chỉ cần vắt nước chanh hoặc nước quất chua lên chỗ có mực. Nếu mực không mất màu thì là mực thường. Ngược lại, mực tàng hình nhất định sẽ mất màu. Nếu muốn khôi phục chữ đã mất ở văn bản dùng “bút ma thuật”, chỉ cần bôi nước vôi trong lên, các chữ tàng hình lập tức tái hiện như cũ, thậm chí có thể còn nét hơn. |