Mỹ nới cấm vận: Mua - bán vũ khí chỉ là chuyện nhỏ?
Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí là cơ hội tốt để Việt Nam lựa chọn mua vũ khí nhưng chuyện mua bán vũ khí chưa phải là điều quan trọng nhất.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Việt Trường – Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Thưa ông, Mỹ vừa tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Ông có suy nghĩ về sự việc này?
Ông Lê Việt Trường |
Đây là sự kiện có ý nghĩa về mặt chính trị, đối ngoại là chính chứ ngay cả khi Mỹ giữ lệnh cấm vận như trước, Việt Nam vẫn bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mình. Việt Nam vẫn giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc bằng chính sức lực của mình và nhiều nguồn khác. Thêm vào đó, về vũ khí, đâu phải chỉ có mình Mỹ có.
Trong quan hệ với Mỹ, trước đây một thời hai bên đã đụng độ, nhưng chúng ta đã khép lại quá khứ, nhìn về tương lai bằng việc bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ.
Do vậy, sự kiện Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam là một trong những động thái giúp bình thường hóa mối quan hệ giữa 2 nước, giúp cho mối quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ trở nên toàn diện, trọn vẹn hơn.
Việt Nam có nên nhân cơ hội này mua sắm thêm nhiều loại vũ khí tối tân từ Mỹ?
Việc mua sắm vũ khí là do Nhà nước mà trực tiếp là Chính phủ quyết định, tự cân đối sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế, khoản ngân sách mà Quốc hội phân bổ hàng năm. Đó là một nhu cầu cần thiết, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều nhiệm vụ song song với nó nữa.
Do vậy, mua sắm bao nhiêu, mua thế nào, ở đâu… các đơn vị nòng cốt trong việc bảo vệ Tổ quốc như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải căn cứ vào nhu cầu thực tế trước khi đề xuất với Chính phủ, Quốc hội.
Với nguồn ngân sách được phân bổ cho việc mua sắm vũ khí như hiện nay, Việt Nam nên đầu tư vào việc trang bị vũ khí chủ yếu cho lực lượng nào thưa ông?
Nhu cầu về vũ khí của các lực lượng quân đội cụ thể ra sao còn phụ thuộc và gắn liền với nghệ thuật quân sự, kế hoạch phòng thủ của quốc gia. Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, tham mưu cho Chính phủ nên mua thêm vũ khí gì, ở đâu.
Còn theo quan điểm của tôi, chúng ta có trời, có biển, có đất, tức là có đủ thì chúng ta phải phát triển một cách đồng bộ cả hải – lục – không quân. Không thể mạnh bên nọ, yếu bên kia bởi tương tự như cơ thể của một con người, các lực lượng đó phải được đầu tư phát triển toàn diện.
"Sát thủ săn ngầm" P-3 Orion của Mỹ
Về vũ khí, theo ông Việt Nam mua được gì từ Mỹ?
Người ta bàn nhiều tới tàu sân bay, nhưng tôi nghĩ Việt Nam chưa nên đặt vấn đề như thế. Nền quốc phòng của Việt Nam xác định là nền quốc phòng độc lập, tự chủ, phòng thủ, tự bảo vệ mình chứ không đi đâu cả nên nhu cầu về tàu sân bay không lớn. Chưa kể chúng ta cũng chưa có điều kiện kinh tế để sở hữu cái đó.
Nói về các loại vũ khí là thế mạnh của Mỹ, có thể khẳng định Mỹ có tất cả và cái gì người ta cũng mạnh. Tuy nhiên, chúng có phù hợp với nghệ thuật sử dụng lực lượng và phương pháp tác chiến của Việt Nam hay không lại là câu chuyện khác. Nên nhớ không phải cứ sở hữu nhiều vũ khí mạnh, tối tân là thắng.
Nếu kinh tế của ta phát triển giàu mạnh hơn nữa, Việt Nam nên đầu tư ngân sách cho loại vũ khí nào thưa ông?
Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào phương pháp huấn luyện và nghệ thuật quân sự của quân đội Việt Nam, khó có thể tiết lộ. Nhưng có một điều chắc chắn, ngay cả khi chúng ta trở nên giàu mạnh hơn nữa, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, chúng ta cũng sẽ không mua hàng loạt vũ khí về xếp đầy vào đó.
Nếu chiến tranh xảy ra, thắng hay không là do nhân dân Việt Nam chứ không phải có nhiều vũ khí là thắng. Lịch sử đã chứng minh dù sở hữu các loại vũ khí thô sơ, chúng ta vẫn giành chiến thắng trước kẻ thù hùng mạnh.
Ông đánh giá thế nào về các khoản đầu tư cho việc mua sắm vũ khí của ta từ trước đến nay?
Việt Nam luôn luôn là “con nhà nghèo” nên chúng ta phải liệu cơm gắp mắm. Chúng ta mới chỉ mua sắm những thứ tối cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước chứ chưa có điều kiện mua sắm như các nước khác. Nói cách khác, cần tới đâu chúng ta mua tới đó.
Việc sắm các vũ khí mới cho các lực lượng quân đội là chuyện hết sức bình thường. Chúng ta thoát khỏi các cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước từ 1975 đến giờ, những loại chiến lợi phẩm chúng ta thu được sau 40 năm qua đã hỏng hoặc xuống cấp thì phải vứt chúng đi chứ!
Đến con người ta còn già đi huống chi các loại vũ khí. Như vậy, chúng ta phải sắm mới để thay thế là điều hiển nhiên.
Xin cảm ơn ông!
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương: Điều quan trọng nhất sau khi Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam không nằm ở chuyện hai bên mua bán vũ khí. Quan trọng hơn là mối quan hệ của Việt – Mỹ “ấm” lên, đạt đến quan hệ toàn diện. Điều này có ý nghĩa hơn cả việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam. Lệnh cấm được nới lỏng sẽ “đòn” tâm lý cực mạnh đánh vào nước “láng giềng lớn” có âm mưu xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận, Mỹ nới lệnh cấm bán vũ khí là cơ hội rất tốt để Việt Nam lựa chọn các loại vũ khí của Mỹ. Việt Nam đang cần nhất một số vũ khí đặc biệt là máy bay săn ngầm, tàu chiến, tàu phục vụ cho cảnh sát biển. Ngoài ra, mua được vũ khí cần thiết sẽ làm quốc phòng Việt Nam sẽ mạnh lên. Tuy nhiên, cần lưu ý, nhân tố chiến thắng, quan trọng nhất là hậu phương vững chắc, sức mạnh doàn kết toàn dân tộc trên dưới một lòng. Tiếp đó, tinh thần chiến đấu của quân đội cao, cuối cùng mới là vũ khí. Được trang bị vũ khí tốt, sức chiến đấu của quân đội sẽ tăng lên. |