Mua smartphone cho CSGT truy xe chính chủ: Tiền đâu?

Sự kiện: Thời sự

Đó là câu hỏi PV đặt ra khi trao đổi với Đại tá Đào Thanh Hải, Phó GĐ Công an TP.Hà Nội.

Mua smartphone cho CSGT truy xe chính chủ: Tiền đâu? - 1

CSGT lập biên bản trường hợp người đi xe máy vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Tạ Tôn

Đó là câu hỏi Báo Giao thông đặt ra khi trao đổi với Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội về chủ trương trang bị thiết bị điện tử như smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng cho CSGT kiểm tra xử phạt xe máy không sang tên đổi chủ (Báo Giao thông đã thông tin). Tuy nhiên, Đại tá Đào Thanh Hải cho biết, công an chỉ là lực lượng thực thi nhiệm vụ, còn việc trang bị như thế nào, loại thiết bị nào, bao nhiêu tiền là do thành phố quyết định.

Trong khi đó, bà Phạm Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội cũng cho biết: “Đó mới là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố ngày 26/11 vừa qua, chứ thành phố chưa giao hay phân công cụ thể cho cơ quan, đơn vị nào chủ trì. Khi nào họp bàn, có kế hoạch cụ thể chúng tôi sẽ cung cấp để tuyên truyền ngay”.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, xu hướng của các nước trên thế giới là áp dụng CNTT để kết nối đồng bộ nhiều cơ sở dữ liệu. Ví dụ, có nước không cần dùng đến thẻ căn cước công dân mà ngay trên GPLX của họ đã có mã số định danh, họ chỉ cần vào đó là kết nối được tất cả cơ sở dữ liệu, xác minh được thông tin cần thiết ngay.

Tuy nhiên, ở nước ta, hiện các cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ nên nếu áp dụng thí điểm chắc sẽ có vướng mắc, bất cập và một số vấn đề phát sinh. “Nhưng việc này lại là xu hướng của thế giới nên chúng ta không thể đi ngược lại. Những bước đi đầu tiên chắc chắn có khó khăn nhưng chúng ta nên ủng hộ, vừa thí điểm vừa tính toán, nếu hiệu quả thì tiến tới triển khai nhân rộng, vì việc áp dụng CNTT sẽ giúp giải phóng sức lao động của con người, bên cạnh đó cũng giảm bớt sự phiền hà, tạo sự tiện dụng cho người dân nhiều hơn”, Thiếu tướng Quân nói.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh lại cho rằng: “Việc thí điểm là không cần thiết, vì nghiệp vụ điều tra xác minh là của lực lượng chuyên ngành. Hơn nữa, nhiệm vụ chính của CSGT là trong công tác TTKS, hướng dẫn giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn và xử lý vi phạm hành chính thông thường. Theo tôi, không nên đi quá sâu, ôm đồm quá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu - Văn Huế (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN