Mưa axit, thủ phạm gây ra trận Đại Tuyệt chủng

Các nhà khoa học cho rằng hoạt động phun trào núi lửa cách đây 250 triệu năm gây ra mưa axit khiến hầu hết các sinh vật trên Trái đất tuyệt chủng.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra rằng mưa axit và hiện tượng thủng tần ozon là những nguyên nhân chính gây ra sự tuyệt chủng của 90% loài sinh vật biển và 70% sinh vật trên cạn cách đây khoảng 250 triệu năm.

Theo đó, vào cuối thời kỳ Permia trên Trái đất đã xảy ra một đợt tuyệt chủng cực lớn đến mức nó vẫn được coi là thảm kịch Đại Tuyệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử Trái đất.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đợt tuyệt chủng quy mô lớn này là do những vụ phun trào đồng thời của các núi lửa khổng lồ ở vùng Siberia gây ra.

Mưa axit, thủ phạm gây ra trận Đại Tuyệt chủng - 1

Những ngọn núi lửa ở Siberia đã gây ra trận Đại Tuyệt chủng trên Trái đất

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Phòng Địa từ, Viện Carnegie ở Mỹ cho thấy những vụ núi lửa phun trào này đã gây ra tác động hủy diệt cực lớn lên khí hậu Trái đất.

Đợt tuyệt chủng lớn này khiến hầu hết các loài sinh vật biển và gần 2/3 sinh vật trên cạn biến mất, nhường đường cho sự trỗi dậy của loài khủng long.

Các hóa thạch từ thời kỳ này cho thấy những vụ phun trào khủng khiếp này ở dãy núi lửa có tên gọi Siberian Traps ở Nga đã khiến đa dạng sinh thái trên Trái đất phải mất hàng triệu năm mới hồi phục toàn bộ.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên thảm kịch này là loại khí được giải phóng từ các núi lửa này. Bằng công nghệ mô phỏng 3D tiên tiến, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đã tái tạo được tác động kinh hoàng của núi lửa đối với bầu khí quyển Trái đất trong thời kỳ này.

Công trình nghiên cứu của họ cho thấy các núi lửa này đã giải phóng cả khí CO2 và khí SO2, gây ra tình trang mưa axit nặng nề, phân hủy các dưỡng chất trong đất, hủy hoại cây cối và các sinh vật sống dễ bị tổn thương trên cạn.

Mưa axit, thủ phạm gây ra trận Đại Tuyệt chủng - 2

Dãy núi lửa Siberian Traps hiện nằm dọc theo con sông Kotuy ở Nga

Ngoài ra, những ngọn núi lửa này còn giải phóng các hợp chất halogen như methy chloride (CH3Cl) khiến cho tầng ozon của Trái đất bị thủng nặng nề. Những đợt phun trào ngắt quãng của dãy núi lửa này cuối cùng đã khiến tầng ozon bị cạn kiệt, trong khi mưa axit vẫn trút xuống không ngừng.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng hoạt động phun trào của núi lửa đã gây nên sự thay đổi thất thường nghiêm trọng trong độ pH và tia cực tím, kết hợp với sự ấm lên toàn cầu do khí nhà kính gây ra, khiến cho hầu hết sinh vật trên Trái đất ở cuối thời kỳ Permia tuyệt chủng hàng loạt.

Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí Geology của Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Science) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN