Méo mặt vì Hà Nội nhận công trình, không nhận cây
Được hoàn thành và đưa vào khai thác từ 8/1/2016, nhiều hạng mục tại hai tiểu dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân đã được các cơ quan của TP Hà Nội tiếp nhận quản lý. Riêng hạng mục cảnh quan, Sở Xây dựng Hà Nội từ chối tiếp nhận với lý do không có kinh phí để duy trì.
Cây cảnh được trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa
Từ chối nhận cây trồng trong chậu dù đạt chuẩn
Được đầu tư với kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án đường Vành đai 3 (VĐ3) giai đoạn 2 do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tiểu dự án nút giao Trung Hòa và hầm chui Thanh Xuân là hai công trình trọng điểm của Bộ GTVT triển khai trên địa bàn TP Hà Nội. Ngay khi hoàn thành và đưa vào khai thác, hai tiểu dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao năng lực vận tải, xóa bỏ điểm đen ùn tắc tại hai nút giao quan trọng bậc nhất Thủ đô.
Thực hiện theo quy trình, thủ tục trong xây dựng cơ bản, ngày 6/4/2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định 1046 bàn giao UBND TP Hà Nội quản lý, khai thác và bảo trì các hạng mục công trình thuộc tiểu dự án đầu tư xây dựng hầm chui QL6 Thanh Xuân và tiểu dự án xây dựng nút giao Trung Hòa. Tiếp đó, ngày 16/5/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản 2747 yêu cầu Sở GTVT và Sở Xây dựng chủ động phối hợp với Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận các hạng mục kỹ thuật theo chuyên ngành thuộc hai tiểu dự án; Tổ chức quản lý, duy trì và vận hành theo quy định.
"Theo thiết kế được duyệt, khu vực hai nút giao được bố trí các đảo giao thông di động để điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt. Các chậu cây cảnh, chậu hoa được sắp xếp trong các đảo để thuận tiện cho việc di chuyển, mở rộng hay thu hẹp các làn phương tiện ở từng thời điểm. Trước khi triển khai, chủ đầu tư đã trình bản vẽ thi công và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội đã chấp thuận theo phương án thiết kế”. Ông Phạm Thanh Bình Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Đình Long, Phó trưởng phòng QLDA 1 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, đến nay, các hạng mục chính của dự án, gồm phần đường, hầm, hệ thống điện, thoát nước,… đã được các cơ quan liên quan của TP Hà Nội tiếp nhận để quản lý, vận hành. “Hiện tại, hai tiểu dự án chỉ còn hạng mục cảnh quan chưa được Sở Xây dựng Hà Nội tiếp nhận”, ông Long nói.
Theo thông tin của Báo Giao thông, ngày 20/10/2016, ông Võ Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã ký ban hành Văn bản 9630 cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Ban Duy tu) phối hợp với Ban QLDA Thăng Long kiểm tra, kiểm đếm cây cảnh, thảm cỏ hiện trường. “Kết quả kiểm tra, kiểm đếm do Ban Duy tu báo cáo trong các văn bản ngày 16/9/2016 tại hai nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa tại thời điểm kiểm đếm là đạt yêu cầu chất lượng, gồm khối lượng cây trồng trên nền đất tự nhiên và khối lượng cây trồng trong các chậu”, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên, cũng tại Văn bản 9630, Sở Xây dựng cho biết hiện nay, chủ trương của UBND TP Hà Nội là tiết kiệm kinh phí trong công tác duy tu, duy trì. Do vậy, hệ thống cây cảnh, thảm cỏ trên các tuyến đường về cơ bản phải đảm bảo điều kiện tự sinh trưởng, phát triển trên nền đất tự nhiên để tiết giảm kinh phí trong công tác chăm sóc, duy trì. Với khối lượng cây cảnh trồng trong các chậu của hai dự án trên, để đảm bảo cây phát triển ổn định, kinh phí cho nhân công chăm sóc, duy trì thường xuyên là rất lớn, ngân sách thành phố khó đáp ứng được.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, phối hợp với Ban QLDA Thăng Long rà soát hiện trường cây cảnh, thảm cỏ được trồng trên nền đất tự nhiên thuộc hai tiểu dự án để thống nhất khối lượng báo cáo Sở Xây dựng ra quyết định giao Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tiếp nhận quản lý, duy trì theo quy định.
“Về khối lượng cây cảnh trồng trong các chậu, kinh phí duy trì lớn, hiệu quả thấp, không phù hợp với ngân sách dành cho công tác duy trì chung, đề nghị Ban QLDA Thăng Long xem xét điều chỉnh để trồng cây xuống nền đất tự nhiên hoặc thu hồi sau khi đã thực hiện trang trí cảnh quan theo đúng quy định”, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất.
Nguy cơ lãng phí đầu tư hàng chục tỷ đồng
Lý giải về các chậu cây cảnh được đặt tại hai nút giao trên, ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long khẳng định: “Theo thiết kế được duyệt, khu vực hai nút giao được bố trí các đảo giao thông di động để điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt nên không thể trồng cây trực tiếp dưới đất. Các chậu cây cảnh, chậu hoa được sắp xếp trong các đảo để thuận tiện cho việc di chuyển, mở rộng hay thu hẹp các làn phương tiện ở từng thời điểm. Trước khi triển khai, chủ đầu tư đã trình bản vẽ thi công và các cơ quan liên quan của TP Hà Nội đã chấp thuận theo phương án thiết kế như vậy”.
Thông tin về số lượng cây cảnh trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa, ông Vũ Đình Long cho biết, khu vực này có trên 100 nghìn chậu cây cảnh, kinh phí đầu tư khoảng 15,5 tỷ đồng, gồm: 63.300 chậu cây chuỗi ngọc (4 tỷ đồng), 83.200 chậu cây mắt nai (5 tỷ đồng), 1.700 chậu cây ngâu (600 triệu đồng), 6.300 chậu hoa giấy (1,2 tỷ đồng),…
Tương tự, tại nút giao QL6 – Thanh Xuân, ông Hoàng Đăng Tuân, Giám đốc Ban Điều hành dự án (liên danh nhà thầu Hanshin – CIENCO4) thông tin, kinh phí đầu tư hạng mục trồng cây cảnh ước tính gần 10 tỷ đồng, trong đó, 34.546 chậu cây cô yòng (2,4 tỷ đồng), 17.579 chậu cây tía tô cảnh (1,3 tỷ đồng), 42.980 chậu cây chuỗi ngọc,…
“Toàn bộ hồ sơ hoàn công, nghiệm thu đã hoàn tất, nhà tài trợ vốn cho dự án là JICA cũng đã thanh toán phần kinh phí hạng mục này cho các nhà thầu tại hai nút giao”, ông Long cho hay.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, do công tác bàn giao hạng mục cảnh quan tại hai hút giao chưa được thực hiện nên liên danh nhà thầu Hanshin – CIENCO4 đang phải bỏ kinh phí hơn 100 triệu đồng mỗi tháng để duy trì, chăm sóc hệ thống cây xanh và thảm cỏ tại đây. “Cả hai gói thầu này hiện đã được đơn vị tư vấn phát hành chứng chỉ nhận bàn giao công trình. Vì vậy, theo quy định hợp đồng đã ký kết, nhà thầu đã hết trách nhiệm duy trì các hạng mục công trình, trong đó có hạng mục cảnh quan. Tuy nhiên, thực tế, hiện nay, chúng tôi vẫn đang phải bỏ ra mỗi tháng hơn 100 triệu đồng để tưới nước, chăm sóc hệ thống cây cảnh, thảm cỏ ở hai nút giao này, bởi chỉ cần ngừng tưới vài ngày, toàn bộ các cây cảnh trồng trong chậu sẽ bị chết”, đại diện liên danh nhà thầu Hanshin – CIENCO4 nói và bày tỏ băn khoăn: “Bây giờ, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu xem xét điều chỉnh xuống nền đất tự nhiên nhưng thực tế khu vực các đảo giao thông được thiết kế toàn là nền mặt đường bê tông nhựa, còn thu hồi, toàn bộ số cây cảnh biết chuyển đi đâu, kinh phí đã đầu tư sẽ quyết toán thế nào?”.