Mẹ không cho con đi học, luật xử sao?
Nhiều người dân sinh sống tại tòa chung cư No.1A - khu bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết nhiều năm nay họ lo lắng cho một cháu bé vì người mẹ không cho em đi học dù em đã 11 tuổi. Em cũng không được tiếp xúc với người lạ.
Đáng lo ngại, mỗi khi thời tiết thay đổi, người phụ nữ có biểu hiện thần kinh không ổn định, hành hạ, chửi bới con gái rồi ném đồ đạc ra khỏi phòng… Theo người dân ở đây, cha mẹ em đã ly hôn, mẹ em trước đây từng là một cán bộ nhà nước nhưng vài năm trở lại đây thì không đi làm, chỉ ở nhà với con gái.
Ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cho biết phường đã cùng nhiều ban ngành xuống tận nơi để động viên mẹ cháu bé cho con đi học nhưng bà từ chối vì lo sợ người khác làm hại con gái mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật và tâm lý, cần phải có biện pháp can thiệp quyết liệt để đưa cháu bé tới trường. Nếu bị cách ly, em sẽ không thể phát triển bình thường và việc không cho trẻ đến trường là vi phạm pháp luật.
Người mẹ cùng con gái rất ít khi ra ngoài, dù có ra thì cũng không tiếp xúc với ai. Ảnh: TUYẾN PHAN
Lực lượng chức năng đến nhà làm việc nhưng chỉ có thể nhìn qua cửa sổ. Ảnh: TUYẾN PHAN
Trẻ em phải có quyền đi học
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) lưu ý: Theo khoản 3 Điều 11 Luật Giáo dục năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.
“Luật quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Vì vậy, hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 138/2013 của Chính phủ thì hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng” - luật sư Chánh nói.
Theo luật sư Chánh, trẻ em không được đến trường có phần trách nhiệm của các ban ngành địa phương, bao gồm cả hội phụ nữ...
Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết nếu người mẹ không cho con đi học, không đảm bảo quyền phát triển bình thường của đứa con thì người cha có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo cháu bé được phát triển trong môi trường tốt nhất.
Có thể người mẹ bị tâm thần hoang tưởng
Người mẹ không chỉ ngăn cản con đi học mà còn có nhiều hành vi lạ lùng như sợ con bị hãm hại, không cho con nhận quà Trung thu vì nghĩ đó là thuốc độc.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh (Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhận định: “Rất có thể người mẹ đã bị rối loạn tâm lý sau khi ly hôn”. Theo ông Lê Khanh, người phụ nữ một mình nuôi con trong thời gian dài đã phát sinh hai vấn đề về tâm lý. Thứ nhất, họ xem con như một vật sở hữu, luôn nghĩ con như một con búp bê yếu ớt cần sự chăm sóc, bảo vệ. Sự lo âu hoảng sợ trong cô độc, trống vắng có thể góp thêm những rối loạn về tâm thần. Những sang chấn tâm lý có thể đưa đến một dạng tâm thần hoang tưởng, kết hợp với tâm lý xem con là vật sở hữu nên họ đã cô lập đứa trẻ với mọi người.
Ông Lê Khanh nói: “Người mẹ cần được giám định tình trạng tâm thần, cháu bé cần được kiểm tra sự phát triển về mặt tâm lý để từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp”. Trong trường hợp người mẹ hợp tác thì cần giúp bà tham gia các buổi trị liệu tâm lý để giảm bớt nỗi ám ảnh bị làm hại, cùng con tham gia các hoạt động giáo dục, sinh hoạt cộng đồng và hòa nhập xã hội.
Trong trường hợp người mẹ không hợp tác thì cần có sự can thiệp của chuyên gia tâm lý, thuyết phục dần và sau đó là những biện pháp trị liệu bắt buộc. Ông Lê Khanh nói: “Nếu tình trạng của người mẹ khó hồi phục thì phải có biện pháp giao trẻ cho họ hàng hay những người có thẩm quyền để chăm sóc. Trẻ em có quyền đi học và phát triển bình thường”.
Từng có trường hợp tương tự Tháng 1-2016, chị HTTP (sinh năm 1983, quận 3, TP.HCM) viết đơn gửi công an và báo Pháp Luật TP.HCM tố cáo mẹ ruột bắt cóc con trai chín tuổi của chị. Chị ly hôn chồng, nuôi hai con nhỏ. Nhiều người cho rằng hành vi của chị khá bất thường. Bà HAMT là bà ngoại cháu bé cho biết thực ra cháu bé bỏ trốn khỏi nhà, tìm đến nhà bà ngoại xin ở với ông bà ngoại. Sau ly hôn, chị HTTP trở nên nóng nảy, không kiểm soát hành vi, mỗi khi bực tức lại đánh con. Sau đó, chị bắt cháu bé nghỉ học ở nhà vì cho rằng: “Ở nhà với mẹ là an toàn nhất”. Khi nhà trường đến vận động cho cháu đi học lại, chị đã tố cáo nhà trường để cháu bé bị bạn học lạm dụng tình dục. Khi cháu bé đến ở với ông bà ngoại không chịu về, chị rình xung quanh nhà ông bà ngoại để nghe ngóng, sau đó tố cáo ông bà… lạm dụng tình dục cháu bé. Công an đã yêu cầu bà ngoại cháu bé đưa cháu đến trình diện và gặp mẹ cháu bé tại trụ sở. Chị HTTP được yêu cầu viết bản cam kết không đánh đập con và cho con đi học trở lại. ________________________________ Nếu cháu bé sống trong môi trường cô lập kéo dài, cháu có thể trở nên khép kín, bị trầm cảm, suy nhược thần kinh khó hồi phục trong tương lai. Thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tự sát hoặc trở thành những người rối loạn tâm thần, có thể gây nguy hiểm cho người khác. Cần giúp cháu được can thiệp càng sớm càng tốt Chuyên gia tư vấn tâm lý LÊ KHANH |