Máy móc nhập khẩu hàng trăm tỷ đồng “đắp chiếu”

Đã 8 năm trôi qua, hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị đóng tàu nhập khẩu bị các đơn vị thành viên của Vinashin (nay là SBIC), Vinalines “bỏ quên” tại các cảng biển. Các lô hàng máy móc trị giá hàng trăm tỷ đồng được nhập từ châu Âu, Nhật Bản…

Máy móc nhập khẩu hàng trăm tỷ đồng “đắp chiếu” - 1

Đã 8 năm trôi qua, hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị đóng tàu nhập khẩu bị các đơn vị thành viên của Vinashin (nay là SBIC), Vinalines “bỏ quên” tại các cảng biển. Các lô hàng máy móc trị giá hàng trăm tỷ đồng được nhập từ châu Âu, Nhật Bản…

Bài 1: Nhập về để đó

Những năm 2008-2009, ngành đóng tàu và vận tải biển Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh, hàng loạt dự án đóng tàu được ký kết, máy móc, thiết bị được ồ ạt nhập về với giá trị lớn. Nhưng rồi, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) đổ vỡ, tiếp đến là Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng lao đao. Hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị đóng tàu nhập khẩu bị bỏ lại các cảng từ đó tới nay.

Tiền tỷ thành nơi chuột bọ trú ngụ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, riêng tại Hải Phòng, máy móc thiết bị của các đơn vị thành viên Vinashin hiện còn tồn tại 3 cảng chính, gồm Green Port, Hải Phòng và Đình Vũ (số lượng khoảng 90 container).

Tại cảng Hải Phòng, dẫn chúng tôi tìm hàng hóa của Vinashin, một bảo vệ cảng nói, ra góc bãi hàng chỗ nào thấy sắt thép hoen gỉ, thùng gỗ mục nát thì tới 90% là hàng của Vinashin. Nhân viên kho 4 (Cảng Hải Phòng) nói: Nhìn xót xa lắm. Dù là của Vinashin nhưng đều là tiền nhà nước cả, tiền thuế của dân để phơi mưa nắng, hư hỏng, lãng phí. “Tiền của mình tiêu phải cân nhắc từng đồng, nhưng đấy là tiền nhà nước, chả ai quan tâm. Nếu tiền đó đem giúp được khối người, giờ thành đống sắt vụn cũng chưa biết bao giờ chủ hàng mới lấy”, bà Minh, Trưởng kho 4 nói.

Phần lớn đống thiết bị của Vinashin nằm chồng chất ở một góc bãi cảng, sát tường rào, một số thiết bị nhỏ và đắt tiền hơn được xếp vào góc nhà kho. Phần thùng gỗ bọc ngoài phần lớn đã mục nát, rơi rớt xung quanh được nhân viên cảng quét dồn thành đống, những miếng bạt che tạm đã tả tơi, cây dại móc giữa đống máy móc cũng đã cao quá đầu người, thân to như cổ tay người lớn, tỏa bóng xanh mát.

Những khung kết cấu thép của các bộ phận tàu được nhập khẩu nguyên khối, giờ đã hoen gỉ. Ở một góc khác cách đó không xa, đủ thứ bộ phận tàu, từ thiết bị khung, tới các loại mô tơ, ụ máy, có cả những khối máy tàu cỡ lớn được nhập nguyên chiếc cũng bị bỏ lại. Chúng nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Không được che chắn, một số kết cấu, bộ phận đã hoen gỉ, nhãn mác bong tróc không còn nhận ra thiết bị gì; một số phần nhãn mác còn sót lại đề dòng chữ “Made in Japan” (sản xuất tại Nhật Bản).

Lúc mới nhập về, một số thiết bị máy quan trọng, đắt tiền cũng được để trong kho, bảo quản cẩn thận, số hàng ngoài trời được cắt cử bảo vệ trông coi. Nhưng năm này qua năm khác, Vinashin và các đơn vị thành viên quên tới lấy, chi phí bảo quản không được chi trả nên đơn vị quản lý cảng di từ kho ra bãi, từ bãi ra góc để nhường chỗ cho các hàng hóa khác. Đống máy móc đắt tiền thành nơi trú ẩn cho chuột bọ.

Tương tự, tại cảng Đình Vũ, hiện có 21 container chứa thiết bị, máy móc bị các đơn vị thành viên của Vinashin “quên” từ năm 2009 tới nay. Trong số 21 container này, có 8 trụ thép cỡ lớn, 2 xuồng cứu sinh (sức chứa 25 người mỗi xuồng) được nhập mới nguyên chiếc. Theo tìm hiểu, giá mua mới mỗi chiếc xuồng này không dưới 1 tỷ đồng. Do bị bỏ lâu ngày ở cảng, một số đã hoen gỉ, dây chằng đứt …

Tại cảng Green Port, số hàng hóa của Vinashin cũng còn vài chục container nhập về từ những năm 2008 tới nay chưa giải phóng được.

Miễn chi phí cũng không quay lại lấy

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó GĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ - Lê Thành Đỏ cho biết, trong số 21 container của Vinashin, có 17 container nhập về từ 2008, 4 container nhập về năm 2009. Đây đều là những thiết bị đóng tàu đắt tiền, nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức. Cảng đã thông báo, làm công văn đề nghị nhiều lần với chủ tàu, Vinashin và Bộ GTVT nhưng vẫn không ai tới lấy hàng.

“Báo chí có cách nào bảo họ (Vinashin - PV) lấy đi để giải phóng cho cảng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lắm rồi. Giờ cảng miễn hết mọi chi phí, miễn sao giải phóng được hàng, trả lại kho bãi để chúng tôi còn chứa hàng khác”, ông Đỏ nói. Theo ông Đỏ, mỗi mùa mưa bão, cảng lại phải bỏ tiền chằng chống, chỉ sợ những thiết bị đó gió bão quăng quật gây nguy hiểm cho con người và tài sản khác của cảng.

Ông Đỏ cho rằng, hàng tồn của Vinashin không chỉ gây thiệt hại cho cảng còn lãng phí của cải xã hội, đặc biệt đây đều là những công ty nhà nước, vốn đầu tư cũng là tiền thuế của dân. Lãnh đạo cảng Đình Vũ nhẩm tính, tới nay phí lưu bãi của 21 container này (từ 2008) vào khoảng 2,3 tỷ đồng; phí lưu container (trả cho các hãng tàu) không dưới 15 tỷ đồng (chưa tính lũy kế tăng theo thời gian). Chưa kể, vỏ container hiện đã hư hỏng, không loại trừ khả năng các hãng tàu yêu cầu đền bù thiệt hại.          

           _________

  (Còn nữa)

Bà Bùi Thị Hồng Thu, Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Cảng Hải Phòng) cho biết, cảng còn vài nghìn tấn sắt thép, máy móc, thiết bị của Vinashin nhập về nhưng chưa lấy. Cảng chưa tính chi phí, nhưng số tiền chắc cũng lên tới hàng tỷ đồng. “Nhiều thiết bị đã hư hỏng, hoen gỉ giờ chỉ bán sắt vụn”, bà Thu nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt - Đỗ Hoàng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN