Mặt trăng của Sao Thổ có thể chứa nước lỏng
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuần qua cho biết dữ liệu truyền về từ tàu vũ trụ Cassini cho thấy mặt trăng Titan của Sao Thổ có thể chứa một tầng nước lỏng nằm bên dưới lớp vỏ băng của Titan.
Các biện pháp đo đạc bằng trọng lực đã cho thấy những biến dạng ở bên trong của mặt trăng lớn nhất Sao Thổ, điều gợi ý về sự tồn tại một tầng chất lỏng.
Đại dương này được cho là cấu thành từ nước với độ sâu khoảng vài trăm km. Căn cứ vào số liệu của tàu Cassini, đại dương này dường như bao phủ toàn bộ mặt trăng Titan và nằm bên dưới lớp băng 100km.
Bằng chứng thuyết phục này được thu thập từ tàu Cassini sau sáu lần bay qua Titan từ năm 2006-2011. Các nhà khoa học đã sử dụng những tín hiệu được Cassini truyền về để đo độ biến dạng trong trường trọng lực của Titan.
Dữ liệu cho thấy một điều gì đó lạ lùng diễn ra ở phần bên trong của mặt trăng này và như một dấu hiệu về sự hiện diện của nước lỏng.
Các nhà khoa học hy vọng có thể hoàn thiện các bản đồ trọng lực của Titan sau những lần bay qua Titan tiếp theo của tàu Cassini theo như kế hoạch là đến năm 2017.
Hiện nay Titan được cho là nằm trong “câu lạc bộ” các mặt trăng có đại dương ngầm. Những thành viên khác bao gồm các mặt trăng của Sao Mộc là Europa, Ganymede và Callisto.
Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Khoa học trong tuần này.