TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán Quý Tỵ nhưng tại hầu hết các vườn mai trên địa bàn TP HCM - vùng mai lớn cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận - mai đã đua nhau nở khiến người trồng mai khóc ròng vì nỗi lo mất Tết.

Mới giữa tháng 12, nhưng tại làng mai  ở quận Thủ Đức (TP.HCM), mai vàng nở rộ khắp vườn. Cánh đồng Rạch Đĩa, Thủ Đức có hơn 10 hộ trồng mai, mỗi hộ  trồng từ 1.000 - 2.000 gốc mai vàng. Ông Tư, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng mai, cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, vườn nhà ông dự kiến đưa ra thị trường khoảng 2.000 cây mai lớn nhỏ. Nhưng thời điểm này, mai đã nở gần hết. "Trong vườn chỉ  còn được 300 - 400 cây là có thể bán dịp Tết, nhưng không biết chúng có chịu đựng nổi không, bởi còn 2 tháng nữa mới đến Tết, trong khi thời tiết quá thất thường, nhà vườn cũng không kiểm soát nổi triều cường", ông Tư than.

TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết - 1

Vườn mai 2.000 cây của ông Tư hiện chỉ còn được 300-400 cây hy vọng có thể bán chợ Tết.

TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết - 2

Rất nhiều vườn phần lớn mai đã nở vàng rực từ đầu tháng 12 và hoa bắt đầu tàn. 

Cũng theo ông Tư, tình trạng mai nở sớm năm nào cũng xảy ra, song nhà vườn vẫn cứu được, thường năm nào thất bại nhất thì đến Tết cũng còn 60-70% sản lượng mai có thể thu hoạch. Nhưng năm nay, thời tiết quá phức tạp khiến cả vùng mai rộ lên nở hết, có vườn đến thời điểm nay đã có 60% số mai đã nở hoa khiến cho chủ vườn khóc ròng. 

Anh Tuấn, một hộ trồng mai khác ở phường An Phú Đông, quận 12, chia sẻ trồng mai rất kỳ công, cả năm phải vun xới từng gốc mai, phải thường xuyên theo dõi, bón phân, phun thuốc định kỳ để phòng sâu đục thân và bệnh nấm, loại bệnh thường gặp ở cây mai, nhưng mai chỉ bán được có một mùa duy nhất là dịp tết. Khổ là vậy, nhưng chỉ cần bông lép hoặc nhỏ búp là xem như cây mai đó thất thu. Song nỗi ám ảnh nhất của bà con trồng mai là đối phó với thời tiết. Thời tiết "đỏng đảnh" một chút là mai nở sớm hoặc ngậm búp ngay. Cây nào nở sớm thì đành phải chờ đến năm sau chứ không còn cách nào khác. " Có cây phải chờ đến 3 năm  vẫn không thu hoạch được gì, vì năm nào cũng nở sớm. Từ đầu năm đến giờ, vườn mai 300 gốc của tôi đã đầu tư gần 80 triệu đồng, nhưng với tình trạng này, vụ Tết năm nay nay nếu mai được giá tôi cũng chỉ "gỡ" lại chừng 30 triệu", anh Tuấn nói.

TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết - 3

Hầu hết các vườn mai  tại TP HCM thời điểm này đã nở rộ khiến người trồng méo cả mặt

TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết - 4

Ngoài nổi lo mất mùa mai Tết, nhiều hộ trồng mai còn thêm nỗi lo chợ ế. Theo các hộ trồng mai, mọi năm thời điềm này thương lái đã ráo riết vào vườn săn mai, đặt cọc, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa thấy bóng dáng một thương lái mai nào. Có người còn nói vui "chắc nghe tin tận thế nên không ai muốn chơi mai cả, chờ ... qua ngày tận thế xem có người đến vườn mua  mai không chứ giờ này chưa thấy rục rịch gì".

Nguyên nhân của tình trạng chưa Tết đã lo chợ ế, anh Út, một cò mai nhiều năm tại TP HCM, cho biết năm nay đến thời điểm này nhưng thương lái không nhận được đơn hàng nào của doanh nghiệp nên không dám đặt hàng với nhà vườn. Riêng mai bán chợ Tết, do thời tiết quá phức tạp nên đa số các thương lái đều hạn chế đặt cọc, vì sợ lỗ do mai nở sớm.

Cũng theo đánh giá của anh Út, sản lượng mai năm nay chắc chắn ít hơn mọi năm, nhưng người mua mai cũng sẽ giảm nhiều, vì tình hình kinh tế khó khăn, người dân giảm hẳn thú chơi hoa kiểng, dễ thấy nhất là phần trang trí mai tết tại các doanh nghiệp đã gần như bị cắt.

TP.HCM: Nhà vườn lo mất mùa mai Tết - 5

Để vớt vát kiếm tết, nhiều chủ vườn đành tốn thêm chi phí trồng mai vào chậu, mong giảm bớt sự tác động của thời tiết.

Chỉ riêng quận Thủ Đức, TP HCM hiện có khoảng 30 vườn mai có quy mô từ 300-2.000 gốc mai, trong đó có những gốc mai có giá trị tiền tỷ, cùng với hàng trăm vườn nhỏ từ vài chục đến hơn 100 gốc đã bị nở sớm gần hết. Các chủ vườn đang vận dụng hết những kinh nghiệm, kiến thức có được sau nhiều năm làm nghề  để “cứu” mai, mong vớt vát bán Tết.

Anh Hiếu, chủ vườn mai Hiếu ở phường Hiệp Bình Phước, cho biết, vườn mai 300 gốc của anh phần lớn là cây anh nhận chăm sóc của khách hàng. Giờ mai nở sớm hết đồng nghĩa với việc anh mất 1 năm làm việc không công. Đó là chưa tính đến chuyện khách hàng khó tính sẽ bắt bồi thường vì chăm mai không đúng chất lượng như cam kết. “Năm trước vừa bán mai vườn nhà vừa chăm sóc thuê mai của khách hàng gửi, gia đình 3 người làm của tôi cũng kiếm gần 50 triệu đồng. Năm nay chỉ mong khách hàng thông cảm không đòi bồi thường, nếu không thì tôi trắng tay. Giờ tôi đang tập trung chăm những gốc mai cổ thụ khách gửi, mong cứu được phần nào, vì đây là những cây mai quý giá và chủ nhân đều là người khó tính”, anh Hiếu nói.

Theo kinh nghiệm 25 năm trồng mai của ông Phạm Xuân Thông, ở làng mai Hiệp Bình Phước, để cứu mai, lúc này cần che chắn mai cẩn thận, tránh toàn bộ sương mù, sương muối. Sau mưa phải dùng nước sạch rửa kỹ lá, gốc mai vì mưa thời điểm này mang nhiều a xít đồng thời phải canh tưới nước hợp lý, không để đất quá ẩm hoặc quá khô, bón thêm phân hữu cơ để cây lấy lại sức, có thể ra thêm lộc và hoa mới kịp Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Yên ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN