Lấy mẫu cá, mực kiểm nghiệm nhiễm độc
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa) đã lấy 8 mẫu cá, mực tại địa bàn tỉnh Tĩnh Gia gửi đi kiểm nghiệm, sau loạt bài “Choáng với mực, cá khô nhiễm độc” .
Ông Nguyễn Xuân Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 cơ sở chế biến, kinh doanh thủy hải sản do đơn vị quản lý; số còn lại hơn 1.000 cơ sở do UBND các huyện quản lý.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được đơn vị thực hiện theo kế hoạch hàng năm. Riêng từ cuối năm 2011 đến nay, đơn vị đã xử lý 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy hải sản vi phạm quy định.
Theo ông Nguyễn Xuân Đồng, quy trình lấy mẫu được thực hiện ở cả 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu vào (cá từ thuyền vào bến), giai đoạn chế biến (cá được làm sạch, tẩm, ướp, hấp, sấy, phơi khô...) và giai đoạn thành phẩm.
Việc lấy mẫu ở cả ba giai đoạn để xác định dư lượng các chất kháng sinh, chất bảo quản nếu được sử dụng thì sử dụng ở giai đoạn nào và vượt ngưỡng như thế nào.
Cá nục được phơi ngay cạnh nơi bãi rác ở xã Ngư Lộc ( Hậu Lộc, Thanh Hóa)
Cùng với việc lấy mẫu ở huyện Tĩnh Gia, chi cục mở rộng lấy mẫu ở các địa bàn khác trong tỉnh trong thời gian tới để kiểm nghiệm.
Song song với việc này, đơn vị cũng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm về chế biến, kinh doanh sản phẩm thủy sản trên các bản tin, loa phát thanh đến tận xã, huyện...
Về việc những hộ cá thể chế biến cá, mực khô không có giấy phép hoạt động, theo ông Đồng, trách nhiệm xử lý thuộc về UBND các huyện.
Bởi theo quy định, ngoài các cơ sở do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh quản lý, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đối với các hộ cá thể do UBND các huyện, thị cấp phép mới được hoạt động.
Còn nếu sản phẩm cá, mực khô ra ngoài thị trường mà không rõ nguồn gốc và các thông tin khác trên sản phẩm thì ngành công thương (lực lượng quản lý thị trường) phải kiểm tra, xử lý.