Không nên xem thường bệnh sởi

Sự kiện: Dịch sởi

Sởi có thể xảy ra khắp mọi nơi, suốt cả năm; bệnh lây lan rất nhanh, dễ phát triển thành dịch, chu kỳ 2-4 năm/lần.

Mở rộng lứa tuổi tiêm chủng sởi

 

Sởi là bệnh lây lan do virus, thường gặp ở trẻ em với đặc điểm lâm sàng là viêm long ở kết mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa, sau đó phát ban đặc hiệu ở ngoài da. Bệnh có thể để lại biến chứng nặng.

Virus sởi sống ít nhất 34 giờ

Tác nhân gây bệnh là virus thuộc nhóm RNA Paramyxovirus, Morbillivirus. Virus sởi hiện diện trong dịch cổ họng, trong máu và trong nước tiểu bệnh nhi ở cuối giai đoạn ủ bệnh và một thời gian sau khi phát ban. Virus sởi có thể sống ít nhất 34 giờ trong không khí. Bệnh lây qua đường hô hấp do dịch trong cổ họng chứa virus sởi thoát ra ngoài không khí khi bệnh nhân nói chuyện, sổ mũi, hắt hơi.

Không nên xem thường bệnh sởi - 1

Tiêm vắc xin sởi - Rubella tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Ngọc Dung

Sởi có thể xảy ra khắp mọi nơi, suốt cả năm. Bệnh lây lan rất nhanh, dễ phát triển thành dịch, chu kỳ 2-4 năm/lần. Tính chu kỳ là do số lượng người chưa có miễn dịch trong cộng đồng đạt đến tỉ lệ cao thích hợp (40%-50%), nếu lúc đó xuất hiện vài ca bệnh sởi là dịch có thể xảy ra. Tuổi dễ mắc bệnh là từ 6 tháng đến 10 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng có kháng thể của mẹ truyền qua nhau khi còn là thai nhi, sau đó kháng thể giảm dần. Khoảng 90% số trẻ em trên 10 tuổi đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sởi. Hầu hết người lớn ít bị bệnh sởi vì đã có miễn dịch.

Bốn giai đoạn của bệnh

1- Giai đoạn ủ bệnh: Từ 10 đến 12 ngày, thường không có triệu chứng gì. Đến ngày thứ 9 và 10, có thể bị sốt nhẹ.

2- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 4-5 ngày. Là khoảng thời gian lây lan nhất. Các biểu hiện chính là:

- Sốt, kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ - khớp.

- Viêm long: Viêm ở mắt gây chảy nước mắt, nhiều ghèn, kết mạc mắt đỏ, sợ ánh sáng. Mi mắt có thể sưng phù. Viêm ở mũi gây hắt hơi sổ mũi, viêm ở họng gây khàn giọng, ho đờm. Viêm đường tiêu hóa gây tiêu chảy.

- Dấu Koplik: Trong miệng có những chấm trắng nhỏ độ 1 mm, nổi trên niêm mạc má màu đỏ xung huyết, ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này xuất hiện và biến mất trong vòng 12-18 giờ.

3- Giai đoạn phát ban: Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần ra 2 bên má, cổ, ngực, bụng và 2 cánh tay. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và 2 chi dưới. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất, có những khoảng da lành xen kẽ giữa những vùng phát ban. Trong các thể nhẹ thì ban đỏ thưa thớt, không lan đến bàn chân. Còn ở thể nặng thì ban dày đặc, gần như toàn bộ da bị ban che kín. Khi bắt đầu phát ban thì nhiệt độ tăng đột ngột nhưng khi ban đã mọc đến chân thì nhiệt độ giảm.

4- Giai đoạn phục hồi: Thường thì sởi “bay” theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da gọi là vết vằn da hổ. Bản thân bệnh sởi lành tính nhưng nếu không được chăm sóc kỹ hoặc ngược lại, kiêng khem quá đáng thì sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:

- Viêm phổi: Là biến chứng hay gặp nhất do virus sởi hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Sốt vẫn còn sau khi phát ban, ho kéo dài, suy hô hấp.

- Viêm tai giữa: Sốt cao, quấy khóc, chảy mủ vàng ở tai, điều trị chậm có thể bị thủng màng nhĩ.

- Viêm thanh quản: Khó thở, ho khan, khàn giọng.

- Viêm não tủy: Hiếm nhưng trầm trọng. Sốt cao, nhức đầu, ói mửa, cổ cứng, lơ mơ, co giật. Tử vong 10%. Nếu sống sót có nhiều di chứng thần kinh trầm trọng.

- Viêm ruột kéo dài: Tiêu chảy liên tục và suy dinh dưỡng là hệ quả khó tránh khỏi.

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc-xin ​sởi - Rubella thấp

Thông tin này được ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết tại hội thảo về chiến dịch tiêm vắc-xin sởi - Rubella trong tiêm chủng mở rộng tổ chức tại Viện Pasteur TP HCM ngày 2-10. Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp nhận đợt 1 là 5 triệu liều vắc-xin sởi - Rubella và đã triển khai tiêm từ ngày 15-9 tại 4 địa phương là Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế và Phú Thọ. Trong hơn 455.000 trẻ được tiêm vắc-xin đợt này, chỉ 0,05% có phản ứng sau tiêm là sốt nhẹ, không có ca nặng. Theo ông Phu, trẻ sốt nhẹ sau tiêm chưa phải là do vắc-xin mà có thể do bệnh cảnh sơ sinh khác xảy ra cùng thời điểm.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, loại vắc-xin này đã được Tổ chức Y tế Thế giới thẩm định chất lượng, độ an toàn và đã sử dụng tại 39 quốc gia. Vì vậy, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm để 23 triệu trẻ em cả nước được thụ hưởng chương trình tiêm chủng miễn phí này.

Ng.Thạnh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Ngô Văn Tuấn (Người lao động)
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN