“Không để dân lo bị tước đoạt tài sản”
“Nếu chỉ quy định thu hồi đất, đó là đối xử không công bằng với người dân. Người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào”.
Đó là quan điểm của đại biểu QH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) trong buổi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ngày 17/6.
Không công bằng với người dân
Khi bàn về cơ chế thu hồi đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, cơ chế thu hồi đất chưa được ban soạn thảo nêu rõ tại dự thảo. Theo ĐB, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, khi Nhà nước giao đất cho tổ chức cá nhân, lúc thu hồi, Nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất.
Cũng theo đại biểu Vinh, doanh nghiệp và người dân đều là những chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, các chủ thể này phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cả về quyền lợi và nghĩa vụ.
“Nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất thì rõ ràng đang đối xử không công bằng với người dân. Lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ. Người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào”, ông Vinh nói.
Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc. Đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân. Theo ông Vinh, người dân phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng nên, không phải sở hữu của Nhà nước. Ông Vinh cho rằng: “Lâu nay chúng ta đã đánh đồng 2 làm 1 là thu hồi tất”.
QH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
Ông Vinh đề nghị: Ban soạn thảo làm rõ cơ sở pháp lý để thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân. Tại sao không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này? Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không?
Vị Phó trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng khẳng định, cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế-xã hội với vấn đề an dân.
Nếu coi nhẹ vấn đề an dân, mục đích phát triển kinh tế-xã hội cũng khó có thể đạt được. Vì lòng dân chưa thuận sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại.
Công bố dự án rồi... bỏ quên
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho rằng, có dự án công bố xong thì bị bỏ quên nhiều năm, không cho dân sản xuất hay xây dựng nhà ở trên đất dự án đó. Có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng cũng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật.
“Đó chính là những vấn đề nhức nhối trong công tác quy hoạch hiện nay, cho thấy công tác này còn nhiều bất cập. Nhưng dự thảo luật lại chưa tập trung điều chỉnh một cách căn bản”, ông Nghĩa bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đồng tình, trong khi nhân dân không có đất sản xuất mà quy hoạch bỏ hoang hóa, không ai chịu trách nhiệm.
“Tôi nghĩ ai đề ra quy hoạch đó mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm”, ĐB Thuyền nói.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, từ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến phê duyệt các dự án đầu tư thu hồi đất, giao đất, sử dụng đất cần đảm bảo tính khả thi cao hơn.
“Cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với cơ quan quản lý, cá nhân phê duyệt việc thu hồi giao đất, tránh tình trạng lãng phí quá lớn như hiện nay với hàng ngàn ha đất bỏ hoang ở các khu công nghiệp và khu đô thị trong nhiều năm qua”, ông Tiến nói.
Khoản 3, Điều 48 quy định: 3 năm công bố dự án mà chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 48. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc cho việc quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dẫn đến quy hoạch treo ảnh hưởng đến các quyền của người sử dụng đất, làm phát sinh khiếu nại của người dân trong thời gian qua. |