Hy hữu: Nhờ ngón chân quặp, tìm được người thân thất lạc hơn 70 năm
Dù đã thất lạc hơn 70 năm nhưng nhờ ngón chân quặp dị biệt giống một số người trong gia đình mà họ đã nhận ra nhau.
Ông Nguyễn Quang Nhường chia sẻ câu chuyện đi tìm người cô thất lạc trong chiến tranh.
Di nguyện của người cha và đặc điểm nhận dạng ngón chân quặp
Qua một người quen, chúng tôi biết đến câu chuyện tìm lại hai người cô thất lạc trong chiến tranh sau hơn 70 năm của gia đình ông Nguyễn Quang Nhường (SN 1965, thôn Lựa, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh).
Gặp ông Nhường tại nhà ở thôn Lựa vào một buổi trưa hè giữa tháng 5, chúng tôi được nghe kể tường tận hơn về cuộc hội ngộ ly kỳ “có một không hai” này.
Ông Nhường nói: “Hồi bé, tôi thấy bố mình thỉnh thoảng lại quẩy tay nải đạp xe đi đâu không rõ, dăm ba ngày, có khi cả tuần mới trở về nhà. Về sau, tôi mới biết bố đi tìm hai người em gái ruột thịt mất tích của gia đình”.
Nhấp ngụm nước chè, ông Nhường nói tiếp, khoảng những năm 1944-1945, lúc đó bố ông chưa tròn 10 tuổi, đang chơi ở đầu làng cùng hai bà cô thì quân giặc càn qua, mọi người chạy toán loạn mỗi người một ngả và rồi thất lạc nhau.
Bố ông là ông Nguyễn Quang Ban lưu lạc về huyện Quế Võ (cách quê gốc huyện Gia Bình khoảng 15 km) rồi may mắn được một gia đình đem về nuôi dưỡng khi đã kiệt sức nằm bên vệ đường. Ông Ban được nhận làm con nuôi ở gia đình đó. Còn 2 bà cô thì lưu lạc đi đâu không ai hay.
Phải đến khi ông Ban lớn lên và lập gia đình, ông bà nội cùng mấy anh em ở huyện Gia Bình mới tìm lại được. Niềm vui, niềm hạnh phúc ngày sum họp khiến cho ông bà nội ông Nhường càng quyết tâm đi tìm kiếm hai cô con gái cuối cùng còn thất lạc.
“Ông bà nội tôi rồi cũng già yếu, bố nhận trách nhiệm tìm em, nhưng tìm mãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không được thỏa nguyện”, ông Nhường chia sẻ.
Theo lời ông Nhường, bố ông từng đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, có khi lên tận Hà Nội hay xuống Hải Phòng để dò hỏi tung tích 2 cô em gái nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Đến năm 2013, do tuổi già sức yếu, ông Ban qua đời. Trước khi mất, ông di nguyện cho ông Nhường và các con tiếp tục đi tìm kiếm hai người cô thất lạc. Có một đặc điểm nhận dạng là một trong hai người cô có ngón chân thứ 2 bị quặp lên ngón chân cả, nhìn rất lạ. Trong dòng họ nhà ông Nhường, vẫn có một số người mang đặc điểm như vậy.
Cuộc hội ngộ bên dòng sông Lục Nam
Sau khi bố mất, mấy anh em ông Nhường cũng nhiều lần bỏ dở công việc, tay ba lô rong ruổi xe máy đi tìm hai người cô. Hễ nghe ở đâu có thông tin là anh em ông Nhường lại lên đường.
Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm 2014, những cuộc tìm kiếm đều rơi vào vô vọng, kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nhường tính dừng lại một thời gian để lo làm ăn và nghe ngóng thông tin tiếp.
“Gia đình tôi chỉ làm ruộng nên kinh tế không mấy dư giả. Hơn nữa, lúc đó theo tôi tính thì hai bà cô cũng khoảng ngoài 80 tuổi rồi, không biết còn sống hay đã chết để mà đi tìm”, ông Nhường nói.
Thế rồi, trong một lần về Hải Dương làm thợ xây, ông Nhường được một người cho biết thông tin, ở dọc bờ sông Lục Nam (Bắc Giang) có rất nhiều gia đình ly tán, chạy loạn những năm 1945 về định cư ở đấy.
Hy vọng lại lóe lên, ông Nhường cùng một người chú trong nhà cất công lặn lội lên Bắc Giang tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm kéo dài cả tuần trời nhưng đều không có manh mối gì của hai bà cô.
Chán nản, mệt mỏi, ông Nhường cùng người chú tính quay về. Trên đường về qua xã Bắc Lũng (huyện Lục Nam, Bắc Giang), ghé vào một quán nước ven đường. Đem câu chuyện đi tìm người thân, ông Nhường được bà bán nước cho biết, ở trong làng bà cũng có một bà cụ tên Là, khoảng 80 tuổi lưu lạc từ xa, được người làng nhận nuôi từ bé.
Hai chú cháu ông Nhường tìm vào nhà bà Là thì sửng sốt khi nhìn thấy bà cụ có những nét giống ông Ban như đúc từ khuôn mặt, dáng người.
“Nhớ đến đặc điểm nhận dạng bà cô mà bố tôi dặn, tôi cởi tất bà cụ ra xem thì quả đúng bàn chân bà cụ có ngón thứ 2 quặp lên ngón chân cái. Biết đây là bà cô thất lạc lâu năm, tôi sung sướng gọi điện cho người thân báo tin”, ông Nhường nhớ lại.
Để chắc chắn hơn, ông Nhường còn xin mẫu máu của bà Là đi xét nghiệm. Kết quả mẫu máu của bà Là trùng khớp với nhiều anh em họ hàng nhà ông Nhường.
Ông Nhường xin phép đón bà Là về quê Gia Bình để nhận anh em, họ hàng. Rồi đưa cụ lên Quế Võ để thắp nhang cho ông Ban. Hai gia đình nhận nhau là anh em thân thiết.
Đến khoảng đầu năm 2015, bà Là qua đời. Đến bây giờ khi nhà ông Nhường hoặc anh em ở quê gốc Gia Bình có việc, các con cháu bà Là vẫn về chung vui hoặc ngày lễ tết về thăm hỏi.
Nói về người cô út, ông Nhường cho hay, theo thông tin từ bên phía họ hàng đằng nội, người cô thứ 2 sau khi chạy loạn đã lưu lạc đến nhà thờ Thái Bảo (huyện Gia Bình) và đã mất tại đây từ khi còn nhỏ.
“Đến bây giờ, thông tin về hai người cô đã rõ, chúng tôi đã hoàn thành di nguyện của bố. Anh em ruột thịt nhận ra nhau để từ nay có gì giúp đỡ nhau và cũng không còn áy náy gì đến khi nhắm mắt xuôi tay”, ông Nhường chia sẻ.
Chỉ cần rời tay nhau là lạc mất nhau - một trong những rủi ro mà những người tị nạn Syria phải đối mặt trong hành trình...