Hôn thê của quân nhân Indonesia bị khám trinh trước khi cưới?

Sự kiện: Tin tức Indonesia

Chính quyền Indonesiađang đứng trước áp lực dư luận nhằm kêu gọi chấm dứt hành động "xâm phạm" và "phân biệt đối xử" được thể hiện qua việc "kiểm tra trinh tiết" tân binh nữ cũng như hôn thê của các sĩ quan quân đội nước này vốn đã được duy trì trong nhiều thập kỷ. 

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế (HRW) vừa phát hiện ra thực tế đáng buồn rằng, tất cả các đơn vị trong quân đội Indonesia, bao gồm các lực lượng Không quân, Lục quân và Hải quân đều thực hiện việc kiểm tra trinh tiết nữ tân binh cũng như hôn thê của các quân nhân trước khi kết hôn.

HRW đã phỏng vấn 11 phụ nữ từng phải chịu kiểm tra trinh tiết, trong đó có một nữ y sĩ tại một trung tâm y tế của quân đội Indonesia và một bác sĩ công tác tại một bệnh viện quân sự ở thủ đô Jakarta.

Việc kiểm tra trinh tiết được tiến hành trong một hội trường lớn tại tất cả các bệnh viện quân y. Hội trường này chia thành nhiều phòng nhỏ hơn, được ngăn cách với nhau bằng rèm cửa, một bác sĩ quân y tiết lộ với HRW.

Hôn thê của quân nhân Indonesia bị khám trinh trước khi cưới? - 1
Nữ quân nhân Indonesia. Ảnh minh họa: AP

Nữ bác sĩ quân y này chia sẻ: "Các nữ tân binh hoặc hôn thê của quân nhân được bố trí và sắp xếp như các thai phụ trong bệnh viên. Năm 2008, tôi từng bị kiểm tra trinh tiết trước khi được chính thức biên chế vào quân đội. Sau đó, chính tôi cũng trở thành người kiểm tra trinh tiết của các nữ tân binh và hôn thê của các quân nhân. Họ được tập trung lại tại một phòng rộng. Tất cả họ đều tỏ ra ngại ngùng, lo lắng và hoảng sợ, không muốn bị kiểm tra tại một căn phòng lớn trước đông người như vậy. Chúng tôi phải mất thời gian thuyết phục để họ chấp nhận và sẵn sàng bước vào quá trình kiểm tra. Đó không còn là hành vi làm nhục nữa. Đó là một dạng tra tấn. Tôi đã quyết định sẽ không bao giờ làm việc này một lần nào nữa".

Trong khi đó, một phụ nữ lớn tuổi, từng trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết để gia nhập lực lượng Hải quân cuối những năm 1980 cho hay: "Tôi tốt nghiệp cao đẳng ở Semarang năm 1988. Tôi muốn gia nhập Hải quân và phải trải qua một cuộc thi đầu vào, có bao gồm cả kiểm tra trinh tiết. Tôi cảm thấy nhục nhã khi trải qua quá trình đó".
 
Người phụ nữ cũng nhấn mạnh, bà có xem truyền hình và biết việc các nữ cảnh sát gần đây  lên tiếng phản đối kiểm tra trinh tiết đối với các ứng viên muốn gia nhập lực lượng này. Cũng như nữ tân binh, các ứng viên muốn gia nhập lực lượng cảnh sát cũng buộc phải vượt qua bài kiểm tra trinh tiết.
 
"Tôi đã rất bất ngờ khi xem TV và biết được các nữ cảnh sát đã lên tiếng phản đối kiểm tra trinh tiết. Tôi ủng hộ họ. Các nữ quân nhân chưa lên tiếng phản đối như nữ cảnh sát. Nữ quân nhân khi đang còn phục vụ trong quân đội không có khả năng lên tiếng phản đối việc này. Cá nhân tôi nhất trí việc bãi bỏ kiểm tra trinh tiết. Nhưng bản thân tôi chỉ là một thiếu tá. Ai sẽ lắng nghe ý kiến của một nữ thiếu tá Hải quân?".
Theo HRW, những nữ tân binh  không vượt qua bài kiểm tra trinh tiết không bị xử phạt. Tất cả những ai từng trải qua việc này đều cảm thấy bị tổn thương, xấu hộ và đau đớn.

"Tôi bị sốc khi biết rằng, các bác sĩ kiểm tra trinh tiết là đàn ông. Tôi cảm thấy bị sỉ nhục. Quá trình kiểm tra đã rất căng thẳng. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ không còn bất cứ cuộc kiểm tra trinh tiết nào nữa.  Hành động này đi ngược lại với quyền lợi của mọi phụ nữ", một nữ tân binh bị kiểm tra trinh tiết năm 2013 thổ lộ.
 
Những phụ nữ trả lời phỏng vấn HRW cũng cho biết, chỉ những ai có "người chống lưng quyền lực" hoặc những người chịu bỏ tiền hối lộ các bác sĩ quân y mới tránh được màn kiểm tra trinh tiết.
Trước khi kiểm tra trinh tiết, các quan chức quân sự đã thông báo với các nữ tân binh lý do cần phải thực hiện bước này. Các quan chức quân sự nhấn mạnh: "Kiểm tra trinh tiết rất quan trọng để giữ gìn phẩm giá và danh dự dân tộc". Hai người vợ của quân nhân Indonesia cho biết, họ được thông báo "việc kiểm tra trinh tiết" nhằm bảo vệ hạnh phúc và ổn định các gia đình quân nhân.
Tuy nhiên, một nữ sĩ quan Không quân đã nghỉ hưu đặt câu hỏi, làm sao "chúng tôi có thể bảo vệ danh dự của đất nước, nếu chúng tôi không thể bảo vệ danh dự của chính bản thân mình".
 
HRW đã gửi thư thông báo vấn đề này với Ủy ban Quân Y Quốc tế (ICMM), thúc giục họ yêu cầu giới chức trách Indonesia ngừng kiểm tra trinh tiết nữ tân binh và hôn thê của quân nhân.

HRW cũng gửi một bức thư tương tự cho Thiếu tướng Daniel Tjen, quân y trưởng của Các lực lượng vũ trang Indonesia song chưa nhận được phản hồi chính thức.
 
Các bác sĩ quân y quốc tế dự kiến sẽ tụ họp ở hòn đảo Bali, Indonesia từ ngày 17.5 đến ngày 22.5 để kêu gọi Tổng thống Joko Widodo hủy bỏ quy định "kiểm tra trinh tiết" tân binh nữ cũng như hôn thê của các sĩ quan quân đội nước này, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế cho hay. 

 "Các lực lượng vũ trang Indonesia nên nhận ra rằng, việc "kiểm tra trinh tiết" là hành vi làm nhục và có hại đối với các nữ tân binh, không hề có lợi cho việc củng cố an ninh quốc gia. Tổng thống Joko Widodo nên trực tiếp ra lệnh cho quân đội ngay lập tức bãi bỏ luật này, đồng thời yêu cầu tất cả các bệnh viện quân y không được thực hiện các cuộc kiểm tra như vậy", người đứng đầu bộ phận bảo vệ nữ quyền tại Ủy ban Quân Y Quốc tế (ICMM) Nisha Varia nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Tin tức Indonesia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN