Hơn 6.000 vụ đánh nhau: “CA thống kê thấp hơn nhiều”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, số liệu do công an thống kê thấp hơn nhiều so với con số hơn 6.000 vụ đánh nhau nhập viện trong dịp tết.
Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 chiều tối 2.3.2015, Người phát ngôn của Chính phủ- ông Nguyễn Văn Nên cho biết, năm nay là lần đầu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngành chức năng đã thống kê các vụ đánh nhau trong dịp tết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, con số thống kê từ các ngành chức năng cho thấy có trên 6.000 vụ đánh nhau nhập viện. Tuy nhiên, con số mà lực lượng Công an thống kê được thấp hơn rất nhiều.
“Về con số này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương thống kê lại, sau đó cung cấp con số chính thức”, Bộ trưởng cho hay.
Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện trong dịp Tết. (Ảnh: Hằng Đỗ)
Bộ trưởng cũng nói rằng, có thể thấy phần lớn nguyên nhân đánh nhau do rượu. Đây là vấn đề hết sức lưu ý.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, sau Tết, Thường trực Chính phủ đã nghe báo cáo và đánh giá là chúng ta có một cái Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, cơ bản đạt mục tiêu, có một số nét tốt hơn những năm trước.
Tình trạng tai nạn giao thông, tính chung 2 tháng thì giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), nhưng số người chết trong 9 ngày Tết lại tăng.
Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng, của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là quyết liệt để tiếp tục kéo giảm các chỉ tiêu, các tỉnh đều phải kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương.
Trong vấn đề tai nạn giao thông, địa bàn đáng chú ý nhất là nông thôn, nguyên nhân đáng chú ý nhất là do rượu. Thủ tướng đề nghị tập trung nhiều hơn nữa phê phán những hành vi, hành động không tốt để xảy ra tai nạn.
Nói về văn hóa lễ hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, dù trước Tết, Thủ tướng đã có Công điện nhắc, Ban Bí thư có Chỉ thị, nhưng hiện nay, bên cạnh những lễ hội duy trì được truyền thống văn hóa tốt đẹp thì còn những hành vi phản cảm.
Thủ tướng đã giao Bộ VHTT&DL phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức những cuộc tọa đàm, xác định những giá trị văn hóa đích thực cần lưu truyền, phát huy, còn cái gì không còn phù hợp, không còn cần thiết thì nên xem lại.
Thủ tướng cũng đề nghị báo chí nên đi sâu, nhìn nhận, phát huy nhân rộng cái tốt, còn cái không đẹp, phản cảm thì lên án. Tuy nhiên, phải nhìn nhiều góc độ, phản ánh hết sức thận trọng cái lạc hậu, mê tín, mang tính chất tiêu cực.