Cuộc huyết chiến với cọp dữ ở sân nhà

Đến nay, ông Nguyễn Nãi đã bước qua tuổi 85 và là người duy nhất còn lại của phường săn cọp được thành lập theo chỉ dụ đặc biệt của vua Bảo Đại.

Gần 40 năm cuộc đời gắn liền với những cuộc săn đầy nguy hiểm, những lần theo dấu chân vượt núi, xuyên rừng, lần giáp mặt hổ chúa gieo bao nỗi khiếp sợ, tên tuổi ông trở thành một huyền thoại.

Những năm đầu thế kỷ trước, vùng núi Tiên Cảnh còn hoang sơ, bốn bề rừng cây rậm rạp. Màn đêm buông xuống, sau những tàn cây rậm rạp, đôi mắt xanh biếc của “ông ba mươi” lại thoắt ẩn, thoắt hiện báo hiệu cuộc tìm mồi. Hổ không chỉ kiếm ăn trên rừng. Loài ác thú ấy còn về tận thôn làng, gây nên bao tai họa và cả nỗi khiếp đảm. Lớn lên trong những ngày tháng ấy, ông Nguyễn Nãi đã tận mắt chứng kiến bao câu chuyện kinh hoàng và cũng rất đỗi kỳ lạ liên quan đến loài ác thú này.

Cuộc huyết chiến với cọp dữ ở sân nhà - 1

Dũng sĩ Nguyễn Nãi và ngọn giáo dùng săn hổ. Ảnh: T.G

Tận mắt nhìn hổ dữ bắt người

Vùng núi Tiên Cảnh xưa kia là chốn núi rừng hoang vu, cây cối rậm rạp, dân cư sống thưa thớt. Họa hoằn lắm. người ta mới thấy vài nóc nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa đại ngàn. Thiên nhiên thống trị nên cả những loài thú hiền lành như hươu, nai… cũng thường xuyên mò về làng ăn cây cối hoa màu. Dân làng không sợ những con vật ấy, nhưng điều khiến mọi người khiếp đảm, là bước chân của các loại thú ăn cỏ này lại vô tình dẫn đường cho hổ dữ đi theo tìm mồi. Những đêm khuya thanh vắng, người dân bảo nhau cài chặt then cửa không dám ra ngoài. Trẻ con nằm ríu lại, nép sát tường run rẩy khi nghe tiếng “ông ba mươi” gầm vang phía bìa rừng.

Nỗi sợ hãi ấy đã khiến người dân Tiên Cảnh tôn sùng loài ác thú này như thần thánh. Mỗi dịp lễ tết, nhà nhà lại dành riêng ra một mâm cỗ để cúng “các ông”. Ông Cảnh bảo: “Trong mâm cỗ ấy không thể thiếu thịt một con vật nuôi trong nhà, bởi người ta tin “chúa sơn lâm” nhận lễ rồi sẽ tha cho người làng đi rẫy hay lên rừng săn bắn, lượm củi”. Nhấp chén trà nóng, ông Cảnh bồi hồi nhớ lại câu chuyện đau lòng năm xưa. “Đó là một buổi tối cách đây khoảng 60 năm.

Trời chập choạng tối, một nhóm thanh niên trong làng sau khi đi chơi về ngang qua một khúc cua nhỏ gần bờ suối thì bỗng đâu một con cọp dữ từ trong bụi cây gần đó lừng lững xuất hiện, nhe nanh gầm thét. Rồi nhanh như chớp, con cọp nặng mấy trăm cân nhảy phốc lên, chân trước đầy nanh vuốt táp ông Đản (một người trong nhóm – PV) nằm gục ngay tại chỗ. Cả nhóm thanh niên khiếp đảm vừa chạy vừa kêu cứu. Nhưng lúc cả làng châm đèn đuốc, vác gậy gộc đến nơi, thì con hổ đã giết chết ông Đản mất rồi”. Đương thời trai tráng, ông Nãi là người tận mắt chứng kiến cái chết đau lòng ấy của người thanh niên trong làng. Nhưng lúc đó, dù rất căm hận, ông biết sức một mình thì khó làm gì nổi cả bầy cọp dữ, nghe đồn còn có hổ chúa to lớn hơn cả con giết chết ông Đản, sống lẩn khuất trong rừng sâu. Bởi thế, ông đành nhẫn nhịn, ngày ngày khổ luyện võ nghệ chờ cơ hội.

Giải thích về sự cát cứ của hổ tại vùng Tiên Cảnh thời kỳ ấy, ông Nãi trầm ngâm bảo: “Vùng này khi xưa nương rẫy trù phú, bao quanh bởi nhiều con suối nhỏ. Chính không gian ấy đã thu hút cọp tụ tập về, có những lúc hàng chục con đi lại phía bìa rừng uống nước, săn mồi. Những lúc màn đêm buông xuống, giữa những tàn cây rậm rạp, đôi mắt xanh chết chóc của chúng lại bất giác ẩn hiện bên dòng nước róc rách. Sau những lần “râu hùm chạm thủy”, vết tích để lại là những dấu chân, những vết nanh cào sâu vào nền đất đá bên bờ suối”.

Cuộc huyết chiến với cọp dữ ở sân nhà - 2

Đối mặt cọp dữ trước hiên nhà

Gia đình ông Nãi trước kia vốn đã có 7 đời cắt thuốc cứu người. Bên cạnh đó cha ông cũng là một pháp sư nổi tiếng trong vùng. Ông bảo: “Xưa kia, bà con Tiên Cảnh có phong tục cúng thần rừng, vị thần họ tin rằng nắm giữ bổn mạng của cả vùng đất này. Đại diện cho thần rừng, không phải loài nào khác mà chính là hổ dữ - vị chúa sơn lâm đầy quyền uy. Mỗi lần cầu cúng như thế, dân làng đều mời những pháp sư như cha tôi đến lập đàn. Theo cha từ thuở nhỏ trong những dịp như vậy, tôi đã được tận mắt chứng kiến những điều quá đỗi lạ kỳ”.

Sự lạ ấy, như những gì ông Nãi tiết lộ chính là phép tịch cọp mà các thầy pháp như cha ông thường gọi nôm na là: Gọi hổ về giữa cánh đồng cho dân chiêm ngưỡng. Ông Nãi bảo chính cha mình từng tận mắt chứng kiến một lần dân làng mình xưa kia được thầy Pháp giỏi gọi “ông ba mươi” về rồi kể lại cho ông nghe. Sau nghi thức cúng bái của các thầy Pháp, cọp ở trên rừng về giữa cánh đồng nhưng tỏ ra rất hiền lành chứ không hề hung dữ như lần người dân gặp trước đó. “Lúc ông cọp về, nó như bị yểm bùa nên thân hình vằn đen to lớn không còn gầm rú và tinh nhanh như lúc săn mồi nữa. Người dân kéo đến xem ông cọp rất đông. Thời gian thầy Pháp tịch cọp thường chỉ trong vòng 1 tuần hương thôi”, ông Nãi cho biết.

Thực hư câu chuyện gọi hổ khỏi rừng này chưa biết thế nào, nhưng ký ức giáp mặt hổ dữ ngay tại nhà mình sau một lần cha cúng thần rừng thì ông Nãi khẳng định chính mình từng trải qua với bao nỗi khiếp sợ. Ông kể: “Tôi còn nhớ như in một lần làm lễ cúng thần rừng, cha tôi sơ xuất cúng không thiêng, khiến cọp tìm về tận nhà mình. Loài hổ rất có linh tính. Lúc trước, tôi có nghe cha nói nhưng không tin. Nhưng hôm đó, khoảng 5h tối, khi mọi người trong nhà vừa ăn cơm xong thì từ bên ngoài, chúng tôi nghe thấy tiếng chó sủa inh ỏi. Rồi liền đó, một trận gió thổi qua mang theo mùi hôi thối lợm giọng. Bỏ vội chén nước uống dở chạy ra ngoài, cha tôi vội hô hoán mọi người nấp vào phía trong nhà. Thì ra, một con hổ dữ đang lừ lừ tiến vào từ đầu ngõ”.

“Lúc ấy, ông ba mươi đứng lừng lững giữa sân. Đôi mắt xanh biếc long lên sòng sọc. Nhìn thấy đàn chó nhà đang khép nép vì sợ hãi trong góc sân, hổ khom người xuống lấy tấn định phi tới. Đúng lúc đó, tôi nhanh tay vào chụp lấy cây giáo để sẵn trong nhà đâm một nhát chí mạng trúng ức con ác thú. Vì bị đâm bất ngờ, con hổ gầm lên một tiếng rúng động núi rừng. Nhưng dù bị tấn công thì những mục tiêu hổ đã lựa chọn thì nó sẽ bắt cho kỳ được. Cú đâm của tôi làm hổ choáng váng nhưng nó vẫn lao tới chụp lấy con chó rồi lao đi khuất dạng vào rừng sâu. Một mảnh răng hổ do va phải hòn đá, nơi con chó đứng nấp bị gãy lìa còn nằm lại. Sau này, cha tôi vẫn giữ nó một thời gian dài làm kỷ niệm”, ông Nãi kể.

Không hiểu sao, kể từ lần đó, cọp dữ vùng Tiên Cảnh càng hoành hành táo tợn hơn. Nhiều lần, cứ khoảng chập tối là “ông ba mươi” đi thành nhóm, có khi vài ba con mò về làng bắt chó, bắt bò. Nhiều nhà dân làng liên tục bị cọp bắt mất chó nhưng đành bất lực không thể làm gì được. Sự lộng hành ấy khiến những bô lão trong làng Tiên Cảnh quyết định họp lại tìm kế sách đối phó. Từ đây, ý tưởng thành lập Phường săn cọp ra đời, thậm chí được tri huyện trấn Thăng Bình tấu xin chỉ dụ của vua Bảo Đại. Phường săn quy tụ các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, tinh thông võ nghệ để sẵn sàng bảo vệ tính mạng dân làng. Phường săn ấy, với ông Nãi là dũng sĩ cuối cùng đến nay còn sống sót, đã trải qua bao trận đánh sinh tử đã trở thành huyền thoại.

Bỏ xứ ra đi vì sợ vía “ông ba mươi”

Thời đó, vùng núi Tiên Cảnh và các vùng xung quanh đó như Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên Châu thời xưa gọi chung là trấn Thăng Bình được cai quản bởi quan tri huyện của chế độ phong kiến nửa thực dân. Cách làng ông Nãi sinh sống chỉ mấy ngọn đồi, người dân cũng từng kinh hoàng chứng kiến một người phụ nữ đi làm nương rẫy trên đường về bị cọp giết hại. Sáng ra, có người đi lên nương mới phát hiện ra cả thi thể người chỉ còn lại duy nhất cái đầu be bét máu. Nỗi sợ ông cọp từ đó trong dân chúng khắp vùng ngày càng tăng lên. Thậm chí, vì ám ảnh bị hổ dữ giết hại, nhiều gia đình đã phải lũ lượt kéo nhau bỏ xứ ra đi.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duy Khánh – Văn Nhân (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN