Hết miễn phí cho bệnh binh, trẻ em khi đi phà

Kể từ ngày 25/2, sẽ không còn miễn phí qua phà cho trẻ em dưới 10 tuổi, công an, quân đội, xe dọn vệ sinh và thương, bệnh binh. Mức thu cụ thể cho từng bến phà do Bộ Tài chính hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định

Thông tư 04/2013/BTC (Thông tư 04) hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí qua phà (có hiệu lực từ ngày 25/2) quy định người nộp phí qua phà bao gồm người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.

Quỹ Bảo trì đường bộ cấp bù số thiếu

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho biết kể từ ngày 25-2 sẽ bãi bỏ Thông tư liên tịch số 62/1993 của liên bộ Tài chính - GTVT hướng dẫn việc tổ chức thu và quản lý, sử dụng tiền cước qua phà, cầu phao. Theo Thông tư 04, sẽ không miễn phí qua phà cho đối tượng là trẻ em dưới 10 tuổi, công an, quân đội, xe dọn vệ sinh và thương, bệnh binh như trước. Mức thu cụ thể cho từng bến phà do Bộ Tài chính quyết định (đối với bến phà thuộc Trung ương quản lý) hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định (đối với bến phà thuộc địa phương quản lý).

Theo Thông tư 04, phí qua phà là khoản thu của ngân sách dùng để trang trải cho công tác tổ chức đưa đón người và phương tiện qua sông. Trường hợp số thu không đủ chi theo dự toán chi được duyệt (bao gồm các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên) thì sẽ được Quỹ Bảo trì đường bộ cấp bù số thiếu trong năm ngân sách để bảo đảm hoạt động của bến phà theo nguyên tắc Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cấp bù đối với bến phà do Trung ương quản lý và quỹ địa phương hỗ trợ cho bến phà do địa phương quản lý.

Hết miễn phí cho bệnh binh, trẻ em khi đi phà - 1

Khách qua phà Cát Lái - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Trường hợp địa phương chưa lập Quỹ Bảo trì đường bộ thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù số thiếu từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Nếu số tiền thu được cao hơn dự toán chi được duyệt thì phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Khó khăn cho trẻ đến trường

Theo đại diện Vụ Chính sách thuế, Thông tư 04 được xây dựng nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí. Đối tượng nào được miễn đều phải có cơ sở pháp lý chứ Bộ Tài chính không có thẩm quyền quyết định miễn phí cho bất cứ một đối tượng nào. Hiện mỗi bến phà đều có văn bản riêng về mức phí và sẽ tiếp tục thực hiện cho tới khi có quy định khác thay thế.

Đối với bến phà do Trung ương quản lý, Bộ Tài chính sẽ có văn bản quy định về mức phí; bến phà ở địa phương do HĐND tỉnh quyết định. Mức phí cụ thể thế nào sẽ được xây dựng dựa trên tình hình kinh tế - xã hội địa phương và quan điểm ưu đãi giảm phí thu đối với những trường hợp cụ thể.

Một số người bày tỏ lo lắng bởi ở những địa phương mà học sinh dưới 10 tuổi thường xuyên phải qua đò, phà tới trường, nếu không miễn phí sẽ tạo thành một gánh nặng cho gia đình các em.n

Mức thu phí cho từng đối tượng qua những phà do địa phương quản lý, từ ngày 25/2 sẽ do HĐND tỉnh quyết định.

Chưa nghĩ tới hiệu ứng xã hội

Trao đổi với phóng viên, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, cho rằng các loại phí, đặc biệt phí giao thông đường bộ, đang gây ra rất nhiều tranh luận khác nhau. Là công dân thì ai cũng phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước nhưng tính ưu việt của Nhà nước ta là luôn quan tâm, chăm sóc đối với người có công và người già cả, trẻ em, người tàn tật… Chính vì thế, nhiều chính sách từ trước tới nay luôn tính đến việc giảm hoặc miễn hoàn toàn phí với các đối tượng này. Thương, bệnh binh trên cả nước hiện không còn nhiều. Xây dựng một chính sách mà chỉ thiên về kinh tế thì sẽ giảm bớt đi thiện cảm của nhiều đối tượng. Vài ngàn đồng mỗi lần qua phà là bình thường với số đông nhưng với thương binh, bệnh binh và trẻ em dưới 10 tuổi là lớn và có thể đã là một bữa ăn trong ngày rồi.

Hiện đã thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện nhưng đi qua nhiều trạm thu phí vẫn phải mua vé. Như thế là phí chồng phí, bất hợp lý. Có vẻ những cán bộ xây dựng quy định này chủ yếu mới chỉ tính tới yếu tố kinh tế, thu lợi về cho ngân sách mà chưa nghĩ tới hiệu ứng xã hội. Điều đó rất cần thay đổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN