Hai đứa trẻ bị cha dùng xăng thiêu đốt

Anh H. đã dùng xăng đốt khiến hai con bị bỏng nặng (cấp độ 4), phải vào điều trị tại bệnh Viện Bỏng Quốc gia trong thời gian dài.

Sự việc trẻ bị bạo hành tương tự như bé trai 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành suốt 2 năm vừa qua ở Hà Nội không phải hiếm gặp. Những trường hợp trẻ bị bố đẻ, mẹ ruột bạo hành qua lời kể dưới đây của cán bộ phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em sẽ khiến trong chúng ta không khỏi giật mình. 

Cha dùng xăng thiêu cháy khiến hai trẻ bỏng nặng

Hai đứa trẻ bị cha dùng xăng thiêu đốt - 1

Người cha dùng xăng thiêu đốt 2 con (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cho biết, từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, Đường dây 18001567 đã tiếp nhận và tư vấn trên 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục….

Đáng chú ý, ngày 5/7/2017, Cục tiếp nhận điện thoại từ chị Đ.L.M (Hà Nội) đề nghị Tổng đài can thiệp để chị được đón hai con là N.M.N (sinh năm 2013) và N.M.H (sinh năm 2015) do hai cháu bị bố là N.T.H bắt, nhốt trong nhà.

Chị M. cho biết, vợ chồng chị thường xuyên mâu thuẫn, đang trong quá trình ly thân. Chồng và mẹ chồng chị thường chửi bới, đánh đập chị cùng hai con.

Vào ngày 16/11/2016, anh H. đã dùng xăng thiêu cháy khiến hai con bị bỏng nặng (cấp độ 4) và được điều trị tại bệnh Viện Bỏng Quốc gia.

Đến ngày 6/5/2017, khi chị M. mang hai con về nhà để lấy giấy khai sinh thì anh H. và mẹ chồng chị bắt giữ hai đứa trẻ, đuổi chị ra khỏi nhà.

Sau khi tổng đài can thiệp, chị M. đã đón được hai con và được Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em giới thiệu tới Ngôi nhà Bình yên (Hội Phụ nữ Việt Nam).

Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của quá trình bạo lực gia đình trong thời gian dài nên hai con của chị M. có dấu hiệu sang chấn tâm lý. Cục Bảo vệ Trẻ em đã hỗ trợ tâm lý miễn phí cho hai cháu.

Khi nhắc lại chuyện chồng dùng xăng đốt con, chị M. tỏ ra buồn bã. Chị bảo, lấy chồng sớm khi không tìm hiểu kỹ là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. Giờ đây, khi chuyện đã rồi, chị giận chồng đã ra tay ác độc, nhưng cũng giận mình vì không tìm trợ giúp sớm để các con của chị phải chịu khổ.

Hiện tại, các con của chị đã kết thúc quá trình trị liệu và 3 mẹ con chị M. đã trở về nhà. Tuy nhiên, cuộc sống của 3 mẹ con vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế do chị M. không có công việc ổn định.

Hơn 60% trẻ bị bạo lực từ gia đình

Bà Nguyễn Thuận Hải cho biết, tỉ lệ trẻ em bị bạo lực từ trong gia đình là cao nhất, chiếm 63.2% tổng số các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em.

Đặc biệt, trong gia đình, bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 37,5%, tiếp đó là người mẹ, chiếm 11.8%, các đối tượng khác trong gia đình như bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà chiếm 13,9%.

Hai đứa trẻ bị cha dùng xăng thiêu đốt - 2

Bà Nguyễn Thuận Hải, Phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111

“Đây là một điều đáng buồn bởi những người đáng lẽ gần gũi, thương yêu, chăm sóc trẻ nhiều nhất lại là người gây bạo lực cho trẻ nhất. Đây cũng chính là những nhân tố khiến tình trạng sang chấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình”, bà Hải nhấn mạnh.

Người phụ trách Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 cho biết, trong nhiều vụ việc, trẻ em vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình vừa là người chứng kiến bạo lực gia đình của bố đối với mẹ. Rất khó khăn để xác định giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu tổn thương hơn trong các vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là nỗi đau đớn và thiệt thòi của trẻ là vô cùng, nó không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm hiện tại mà còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ trong tương lai.

Ngày 6/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khai trương Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em – 111 (Tổng đài được nâng cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567).

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em là dịch vụ công đặc biệt, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và các em qua điện thoại.

Bộ phận tiếp nhận sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin, kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Tổng đài hỗ trợ miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý do bị xâm hại tình dục, bạo lực, trẻ bị mua bán… và trẻ em bị các rối nhiễu về tâm lý thuộc hộ nghèo trong cả nước bao gồm: đánh giá, trị liệu tâm lý…

Trẻ em và những trận đòn thừa sống thiếu chết từ chính tay cha mẹ

Hình ảnh thương tích chằng chịt trên cơ thể những đứa trẻ tội nghiệp như lưỡi dao đâm nhói lòng dư luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bạo hành trẻ em Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN