Hà Nội: Nhiều nguy cơ chết vì điện… giữa phố
Tại Hà Nội đã có nhiều bài học đau xót vì bị điện giật chết trong mùa mưa bão nhưng đến thời điểm này việc bảo đảm an toàn điện vẫn chưa được khắc phục. Những bốt điện chỉ cách mặt đường vài chục cm vẫn còn đó khiến nhiều người phải qua lại những nơi này luôn lo lắng mỗi khi có mưa lớn.
Hộp kỹ thuật lộ thiên, mất nắp trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: HP
Mưa là cấm vợ con ra đường!
Nghị định 106/2005 của Chính phủ quy định khoảng cách an toàn, đường cáp điện ngầm phải cách 1m so với mặt đất (loại đất ổn định) và 1,5m (đất không ổn định).
Tuy nhiên, thực tế trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội), bất cứ ai cũng có thể quan sát thấy những bó dây điện có đoạn lại nhô lên khỏi mặt đường. Ở một số điểm đấu nối, tủ điện chỉ cao hơn mặt đường khoảng 20 cm, thậm chí có những điểm đấu nối nằm trơ giữa đường khi hộp kỹ thuật bị mất nắp.
Ông Nguyễn Sỹ Luân ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Nguyễn Trãi, Hà Đông) cho biết: “Hiện tượng điểm đấu nối trơ ra giữa phố đã lâu mà không thấy cơ quan chức năng khắc phục. Dân không biết đó là loại dây nào, điện, cáp internet, cáp viễn thông… Đường phố, nhất là những ngày mưa ngập, không khác gì cái bẫy”. Ông Luân bảo, cứ hễ trời mưa ông lại nghiêm cấm vợ và các con ra đường vì sợ... điện giật.
Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở đường Nguyễn Trãi mà còn khá phổ biển ở những tuyến phố khác. Thông thường, đối với các đường dây cáp ngầm ngoài quy định về khoảng cách so với mặt đất còn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt khác để tránh tình trạng rò rỉ điện ra bên ngoài. Khi chôn cáp điện dưới lòng đất phải lát lớp cát cách điện, cát chống xê dịch và kèm theo các tấm biển chỉ dẫn có dây điện phía dưới. Khi làm xong các công đoạn đó phải có máy dò (máy đo điện) xem điện có rò rỉ ra ngoài hay không, vì chôn cáp điện dưới lòng đất là mang điện xuống đất, xuống nước (khi có mưa, ngập).
Hà Nội hễ mưa lớn là nhiều tuyến phố bị ngập, việc cáp ngầm không an toàn, có khả năng rò rỉ điện sẽ biến nơi đây thành một biển nước nhiễm điện. Mục tiêu “thành phố không dây”, nhưng nhiều tuyến cáp đã hạ ngầm… lộ thiên, lại là một nỗi ám ảnh với người dân.
Nguy hiểm dân tự… phòng tránh(?)
Hàng trăm mối dây đấu nối thò ra ngoài, bên cạnh đó là đường ống chưa dây bò trên vỉa hè.
Các tủ điện, bốt điện được bố trí ở vị trí thấp cũng là một nguy cơ lớn gây rò rỉ điện ra môi trường trong những ngày mưa bão. Thực trạng bốt điện xuất hiện tại nhiều vỉa hè của phố lớn, phổ nhỏ, ngõ vào nhà dân. Những bốt điện hiện diện trên đường phố với đủ kích thước, có loại chỉ bằng chiến máy giặt, loại lớn gấp đôi, thậm chí có những trạm điện bằng nửa thùng container.
Ông Nguyễn Quang Hà, Phó Giám đốc Ban Duy trì giao thông đô thị Hà Nội (Sở GTVT) thừa nhận việc đặt các trạm biến áp gây cản trở người đi bộ trên vỉa hè ở một vài tuyến phố. Tuy nhiên, ông Hà cho biết: “Việc đi ngầm cáp điện là mục tiêu của thành phố. Nếu không đặt tủ điện trên vỉa hè thì không bao giờ hạ ngầm cáp được”?!
Người đi đường rùng mình khi thấy những bó dây điện to, thậm chí có dây hở lõi đồng nằm sát dưới mặt đất. Trong khi đó, rất nhiều đoạn vỉa hè, con trẻ cứ vô tư nô đùa cạnh các tủ điện đầy nguy hiểm này.
Chỉ riêng tuyến đường Nguyễn Lương Bằng đã có hàng chục bốt điện xuất hiện ở vỉa hè. Ngay từ khi lắp đặt các hạng mục hạ ngầm đường cáp điện, UBND phường Nam Đồng (Đống Đa) đã đề nghị chủ đầu tư có biện pháp di chuyển ngay một số trạm biến áp. Bởi theo UBND phường Nam Đồng một số trạm biến áp đặt sát trên vỉa hè phố Nguyễn Lương Bằng là chưa hợp lý, nằm chắn hết chiều rộng vỉa hè, cản trở người đi lại. Đây là đoạn đường thường xuyên ngập úng khi trời mưa. Khoảng cách từ mặt vỉa hè tới đáy hộp chỉ cao 50cm là không an toàn, rất dễ chập điện, gây nguy hiểm người đi đường và nhà dân gần đó. Chưa kể, một vài chỗ, đường dây vào hộp lưu điện bị cắt trộm trơ cả lõi đồng gây nguy hiểm khôn lường cho người đi đường… Tuy nhiên, đến thời điểm vào giữa mùa mưa này, yêu cầu của phường vẫn chưa được đáp ứng.
Đại diện Ban An toàn, Tổng Công ty điện lực TP. Hà Nội cảnh báo, trong những đợt mưa lớn hay ngập lụt kéo dài, thì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng tránh tai nạn gây ra bởi chập điện, rò rỉ điện. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Nhất là tại nhiều tuyến phố nội đô như hiện nay, tình trạng dây diện, dây cáp được nối với nhau chằng chịt là mối nguy hiểm tiềm tàng cho người tham gia lưu thông trong những ngày mưa bão. Ban An toàn khuyến cáo người dân không được đến gần hoặc bám vào cột điện bị ngập nước đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn. Tuy nhiên, thực tế trên các tuyến phố cho thấy, cảnh báo này có phần lạc lõng, bởi người dân “tránh” kiểu gì khi mọi thứ nguy hiểm vẫn đang “nhô” ra phố, ra đường?
Trận mưa lũ lịch sử của Hà Nội năm 2008, trong vòng 5 ngày (30/10 đến 4/11), Hà Nội đã có tới 21 người thiệt mạng. 2 trong số đó tử vong do tai nạn điện giật khi lội trong dòng nước lũ do bị rò rỉ điện từ các tủ điện công cộng trên đường phố. Sau đó, trận mưa sáng 13/7/2010, khiến 3 người chết. Trong đó, có 2 nạn nhận tại một cửa hàng gas nằm trên phố Trương Định khi di chuyển đồ đạc tránh nước ngập đã bị điện giật tử vong. Trường hợp còn lại là một sinh viên trường Cao đẳng Dược Hà Nội bị điện giật chết trong nhà trên phố Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) khi xuống tầng đang bị ngập nước.
Ngày 27/7/2013, tại phố Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), nhóm công nhân thuộc Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy đang thi công đào xới vỉa hè thì bất ngờ khoan trúng đường ống dẫn điện khiến hai công nhân bị hất văng ra khoảng 3 mét, bỏng nặng, nhiều chỗ trên cơ thể bị cháy đen.