"Giá như Thủ tướng cách chức vài người đứng đầu để làm gương"

Sáng 29/3, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) dẫn lại kiến nghị của cử tri để bày tỏ sự lo ngại trước nạn tham nhũng “chỉ thấy tăng mà chưa giảm” tại phiên thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ.

Thiếu sót nhất của Chính phủ là gì?

Lo lắng trước nạn tham nhũng đang “làm loạn”, ĐBQH Trương Trọng  Nghĩa bày tỏ: “Vừa qua cử tri cho rằng, giá như trong nhiệm kỳ của mình Thủ tướng kỷ luật, cách chức vài người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ… để làm gương, tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe, thì có thể tình hình tham nhũng đã tiến triển tốt hơn” – ông Nghĩa bày tỏ.

"Giá như Thủ tướng cách chức vài người đứng đầu để làm gương" - 1

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, có những điểm hạn chế trong điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ qua, Quốc hội có thể thông cảm. Nhưng trong quản lý kinh tế hạn chế thiếu sót lớn nhất trong nhiệm kỳ qua đó chính là đã để tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền diễn ra ngày càng công khai.

“Cử tri và người dân bức xúc và thường xuyên kiến nghị Chính phủ đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tình trạng chạy chức chạy quyền và gần đây Tổng Bí thư có nêu khái niệm “chạy luân chuyển”, điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới là phải chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban ngành đều biết nhưng thiếu cơ chế thực thi, cơ sở để gắn trách nhiệm người trong quá trình xử lý, nên trong quá trình thực hiện có câu hỏi  “chạy ai, ai chạy” thì chúng ta chưa trả lời được”, ĐB Phương chỉ ra.

Hãy nhìn lại chúng ta

Quan tâm đến ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân mà báo cáo chưa đề cập đến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nói: "Khi thảm họa xảy ra ở Nhật, người ta cho rằng nước Nhật sẽ không rối loạn và nhanh chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế mà còn vì ý thức kỷ luật và chấp hành pháp luật. Hãy nhìn lại chúng ta, không so đâu xa, chỉ cần so với chính thời bao cấp, ý thức chấp hành pháp luật đã đi xuống một cách đáng báo động".

ĐBQH tỉnh Quảng Bình phân tích, dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng kỷ cương chưa theo kịp. Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, bán hàng giả, làm ăn chụp giật, cho đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan, tham nhũng, lãng phí...

“Điều nguy hiểm là không tuân thủ pháp luật được coi là bình thường, người chấp hành pháp luật bị gọi là… “hâm”, ĐB Cường lo ngại. Đó có phải bản chất người Việt? Cũng là người Việt, ra nước ngoài rất nghiêm túc, người nước ngoài đến Việt Nam một thời gian cũng vi phạm như người Việt Nam. Nguyên nhân quan trọng là bất cập trong quản lý nhà nước.

“Đừng để kẻ côn đồ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ ngang nhiên không bị xử phạt, người hiền lành lấn làn một chút lại bị phạt nặng”, ông Cường nói và nhấn mạnh, "trao quyền cho người thi hành công vụ và bảo vệ họ khi làm đúng, xử lý nghiêm khắc người lạm quyền. Đó là kinh nghiệm thành công trong cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm, những việc tưởng chừng không làm được".

Đặt câu hỏi gửi tới Chính phủ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, có những hạn chế, yếu kém nêu trong báo cáo Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ nhưng tới cuối nhiệm kỳ vẫn thấy nguyên những hạn chế đó.

Bà Tâm cho rằng nguyên nhân chính là do nhận thức về kinh tế thị trường theo hướng XHCN chưa thông suốt nên chính sách cũng thể hiện rõ sự lúng túng, chưa tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội. 

“Nhận thức ở mức độ khác nhau là điều dễ hiểu. Nhưng chỉ đạo điều hành của Chính phủ lại có tình trạng xây dựng thể chế, chính sách còn chưa nhất quán thì thực sự đáng lo. Lo vì tính kỷ cương, sự đoàn kết, tầm chiến lược, tư duy đổi mới thực hiện thế nào trong triển khai Nghị quyết của Đảng”- bà Tâm thẳng thắn nói.

Bà Tâm cũng đặt ra vấn đề: “Có lực cản nào trong Chính phủ hay lợi ích nhóm chi phối để dẫn tới tình trạng này? Có hay không những vấn đề đủ rõ từ thực tiễn nhưng tư duy chưa đủ mạnh mẽ, lợi ích nhóm chi phối nên không đột phá thể chế để đáp ứng nhu cầu phát triển?... Cần tìm nguyên nhân của nguyên nhân để khắc phục và nhiệm kỳ mới Chính phủ sẽ giải quyết rốt ráo vấn đề này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN