Gạo Việt "vượt biên" qua Trung Quốc

Ông Nông Văn Xứng, Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng thừa nhận, ông có biết việc hai đầu nậu gạo này hoành hoành, nhưng chưa lần nào bắt được quả tang!

Thống kê của Bộ NN&PTNT trong 10 tháng đầu năm 2012 cho thấy, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, Trung Quốc là nước mua nhiều gạo của Việt Nam nhất, trong khi các thị trường truyền thống như Indonesia, Singapore, Senegal... có xu hướng giảm. Không những thế, mỗi ngày có hàng trăm tấn gạo Việt Nam vẫn ùn ùn vượt biên qua đường tiểu ngạch qua Trung Quốc.

Ùn ùn vượt biên

Trên chiếc xe chở gạo trọng tải 10 tấn, từ thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, men theo con đường tiểu ngạch lên cột mốc 107, chừng 5g đồng hồ, chúng tôi có mặt tại bãi tập kết, vận chuyển gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tại đây, hàng chục xe tải gạo lớn nhỏ đang chờ xe bên Trung Quốc sang “ăn” hàng.

Đã 9g sáng, nhưng dọc tuyến đường đoàn xe đi qua, hiếm lắm mới thấy một bóng người dân địa phương qua lại. Lướt tầm mắt từ các đỉnh dốc, toàn thấy núi đá và dòng xe tải chở gạo nối đuôi nhau tiến về phía biên giới. Con đường tiểu ngạch lên cột mộc 681 vừa đủ lọt chiếc xe tải, vắng ngắt, lầm lũi tiến qua những con dốc thẳng đứng, những cua tay áo khúc khuỷu. Tiếng máy xe gằn lên từng hồi bởi sức nặng quá tải.

Gạo Việt "vượt biên" qua Trung Quốc - 1

Hàng trăm xe gạo lậu hàng ngày vượt biên với các mánh khóe tinh vi

Thấy tôi co rúm, víu chặt vào tay nắm phía trên cửa xe, D cười toét: “Đi một lần về rồi lần sau đố dám đi nữa. Hôm nay chở quá tải hơn 5 tấn, xe nặng phải đi chậm. Nếu chú sợ quá thì cố nhắm mắt ngủ đi”. Cũng theo D, xe của tài xế này trung bình một ngày đi 2 chuyến, mỗi chuyến khoảng 15 tấn gạo. Vào những đợt cao điểm có ngày phải đi 3-4 chuyến.

Cùng đi trên chuyến xe với chúng tôi còn một lái xe khác tên C, chuyên chở gạo cho mối khác. C cho biết, hàng chục đầu xe tải ở đây chỉ để phục vụ chở gạo cho các chủ chứ không có việc gì khác. Và việc chở gạo qua biên như thế này, chỉ hơn 1 năm là kiếm được vài trăm triệu đồng vốn bỏ ra mua xe.

Theo anh bạn đi cùng thì lái xe này tên N, có xe trọng tải lớn nhất đoàn, mỗi chuyến đi khoảng 20-25 tấn. “Nó còn trẻ, khỏe, có ngày nó chở đến gần trăm tấn gạo cho các đầu nậu. Làm nghề chở gạo được hơn năm nó đã có tiền lấy vợ, xây nhà cao tầng” - anh bạn tôi giới thiệu qua.

Gần đến bãi tập kết, anh bạn đi cùng thúc mạnh mạng sườn: “Dậy! Đến bãi gạo rồi, xuống mà xem”. Lướt nhanh đồng hồ, kim đã chỉ quá 14g. Tại bãi tập kết, hàng chục chiếc xe tải đã mở bạt chờ sẵn. Từ các con đường mòn qua núi, hàng trăm cửu vạn người dân tộc trong các bản ở đây lũ lượt kéo xuống, ngồi quây kín các xe, chờ bốc hàng.

Đúng giờ đã định, từ phía đường biên giới, hàng chục xe mang biển số Trung Quốc ùn ùn kéo sang. Như được lập trình từ trước, vừa sang bãi, từng chiếc xe Trung Quốc có trọng tải tương đương đã đấu thùng vào những chiếc xe gạo vừa lên. Và từng bao gạo lớn nhỏ trên các xe ào ạt chuyển sang xe của Trung Quốc trong nháy mắt.

Trời bỗng đổ mưa. Tôi chui nhanh vào tấm bạt căng sẵn, chợt nghĩ, nếu đem số lượng hàng trăm tấn gạo tấp nập được vận chuyển qua các đường tiểu ngạch này mỗi ngày mà so với tổng khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm lên 5,4 triệu tấn (theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA) thì chẳng thấm vào đâu. Nhưng cứ với đà này, nguy cơ thiếu nguồn cung cho xuất khẩu của gạo Việt Nam, không phải không có.

“Đột kích”” tổng kho

Trên đường về, tôi được các lái xe bật mí, nói đến các trùm gạo lậu tại Cao Bằng, phải kể đến ba người đàn bà khét tiếng là Lương T, bà L và bà Th. Trong kho tập kết của những chủ này, luôn có hàng nghìn tấn gạo.

Chỉ tay vào trong căn nhà cấp 4, rộng chừng 30m2, nằm ngay mép đường, với nhốn nháo đám cửu vạn đang tấp nập xếp hàng, D cho hay: “Th là chủ gạo nhỏ làm trên tuyến đường này. Hàng của bà ấy cứ chuyển về chiều là mai bán luôn qua biên. Tuy nhỏ nhưng lượng hàng của bà này đều lắm, mỗi ngày cũng vài trăm tấn chứ chẳng chơi”.

Gạo Việt "vượt biên" qua Trung Quốc - 2

Gạo được vận chuyển qua Trung Quốc những chưa lần nào cơ quan chức năng bắt được quả tang

Thấy người lạ, lại quan sát kho gạo kỹ, chúng tôi bị một vài cửu vạn người bản địa “soi”. Thấy vậy, tôi cùng mấy lái xe hớp vội chén nước, lên xe xuôi thẳng về thị trấn Xuân Hòa. Trên đường đi, lái xe C nửa đùa nửa thật: “Đường này là của bà L phố Thầu. Hàng đi sang Trung Quốc là của bà ấy hết. Lát về thị trấn anh cho chú qua kho mà xem. Muốn buôn gạo lên đây anh giới thiệu cho gặp”.

Vượt quãng đường chưa đầy 5km, xe dừng tại ngã 3 Đôn Chương. Khu kho này là một căn nhà mới khang trang khép kín cửa. Thấy mấy anh bạn lái xe là người quen, chủ nhà đon đả rót ấm nước trên chiếc chiếu trải ngay trước cửa thềm, rồi đon đả: “Đưa người sang Trung Quốc chơi vui không?”.

Mở tung cửa kho, chỉ vào những bao gạo được xếp cao từng chồng đến nóc nhà, C bảo: “Kho của bà L đấy. Mỗi ngày hàng trăm tấn gạo từ các nơi tập kết về đây. Sau đó bà ấy thuê xe tải chở lên biên giao cho các thương lái bên Trung Quốc”. Còn anh bạn người địa phương đi cùng thì ghé tai nói nhỏ: “Bà L nhà ở gần bến xe thị xã. Chục năm trở lại đây, nói đến gạo là phải kể đến bà ấy. Buôn gạo bấy nhiêu năm, giờ cũng thuộc hạng đại gia có tiếng ở đất Cao Bằng này”.

Tuy nhiên, theo C thì xếp hàng “mẫu hậu” trong giới buôn gạo, được tiếng mạnh tay và có nhiều tiền nhất phải kể đến bà T, dân chở hàng thuê thường gọi là Lương T. “Bà Lương T là tổng kho gạo tại đây. Mỗi ngày có đến hàng chục xe tải lớn nhỏ từ kho của bà ấy nằm gần ngã 5 (thuộc km số 5) vận chuyển hàng đi đường cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng. Bà này thuộc dạng “cơ” lớn nhất Cao Bằng hiện nay đấy” - C cho biết thêm.

Quả nhiên lời đồn đại của dân chở gạo thuê là chính xác khi chúng tôi trực tiếp mục sở thị kho gạo của bà Lương T nằm cạnh ngã 5, thuộc km số 5, đường cũ đi Hà Nội. Lúc này khoảng 17g chiều, hàng chục xe tải xếp hàng nối đuôi nhau về đây chuẩn bị “ăn” hàng. Chiếc kho rộng trên 500m2, từng dãy bao tải gạo lớn ước tính đến hàng nghìn tấn được xếp ngay ngắn. Mỗi khi xe tải vào cửa, đội bốc vác lực lưỡng nhanh chóng xếp kín các thùng xe. “Ăn” đủ tải, các xe từ từ tiến ra phía cửa, xếp thành hàng, chờ lệnh lên đường.

Lách luật, lợi dụng chính sách?

Trước sự việc hàng trăm tấn gạo ồ ạt vận chuyển qua biên giới hàng ngày, chúng tôi đã tiếp xúc với những lái buôn được cho là “đầu nậu” này và đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng.

Các lái buôn có máu mặt trên địa bàn đều khẳng định, không hề buôn bán gì bất hợp pháp bởi gạo của họ đều có hóa đơn chứng từ. Và nếu có buôn lậu thì số lượng nhỏ “chẳng ai làm gì được” họ.

Đầu nậu Lương T khá tự tin cho biết, bà làm nghề buôn gạo được gần chục năm nay và gạo của bà là hàng chính sách hỗ trợ cho các xã vùng cao, chứ không hề buôn lậu. Do đó, từ xưa đến nay, chẳng ai có thể động đến hàng của bà được.

Khi được hỏi về nạn buôn gạo lậu trên địa bàn tỉnh, bà Lương T quay “mũi tên” sang đầu nậu khác và bảo sẵn sàng cung cấp số điện thoại của một “đầu nậu thật”, rồi bật mí: “Nói về nạn buôn gạo lậu ở đất Cao Bằng này thì chỉ có cái L nó làm lớn chứ riêng tôi không làm. Nhà nó đi hàng trăm xe mỗi ngày đấy. Nếu muốn hỏi kỹ, cứ gọi cho nó mà hỏi”.

Qua số điện thoại bà Lương T cung cấp, chúng tôi liên hệ và trao đổi với bà L. Bà L thừa nhận thỉnh thoảng có đi gạo lậu, nhưng chỉ buôn bán nhỏ. Sau đó, người đàn bà này cũng không ngần ngại “tố” ngược lại bà Lương T: “Nhà Lương T mới buôn lậu gạo lớn qua biên, chứ chị đi hàng này được là bao. Chú cứ qua kho nhà nó (bà Lương T) chỗ đường cũ đi Hà Nội thì biết. Hàng chục xe chở hàng mỗi ngày. Chị thì chỉ thỉnh thoảng mới ké vào hàng nhà bà ấy thôi”.

Ông Nông Văn Xứng, Chi cục Trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Cao Bằng thừa nhận, ông có biết việc hai đầu nậu gạo này hoành hoành, nhưng chưa lần nào bắt được quả tang! Theo ông Xứng, nhiều lần đơn vị sở tại, thậm chí cả liên ngành từ trung ương về kiểm tra, nhưng đều bất lực, bởi “bọn buôn lậu có mối quan hệ khá rộng và lách luật cực kỳ tinh vi”.

“Chúng lợi dụng khá tốt quy định về thời gian xuất trình hóa đơn chứng từ sau 24g. Nhiều lần chúng tôi theo dõi, triển khai kiểm tra bắt giữ nhiều chuyến hàng gạo không có hóa đơn, nhưng không hiểu sao chỉ vài tiếng sau, chúng lại tòi ra hóa đơn để hợp lý hàng hóa. Thế là mình bó tay luôn” - ông Xứng biện bạch.

Nói về sự bất lực của các cơ quan sở tại, ông Xứng cho rằng: “Gọi là gạo lậu thì cũng khó, vì nó (đầu nậu) vận chuyển nội địa, lúc mình bắt thì trong vòng 24g nó lại xuất trình giấy tờ được ngay nên lại phải thả ra. Còn đến lúc nó chuyển lên biên rồi thì thẩm quyền lại thuộc của Biên phòng và Hải quan rồi. Chúng nó có đủ mánh khóe để vận chuyển trót lọt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Q.Minh – Đ.Tân (Pháp Luật & Xã Hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN