"Đừng chặt nhầm cây vô tội!"
“50 năm sống ở Hà Nội, tôi buồn và thất vọng khi thấy người ta chặt cây xanh trên đường phố”, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ.
Bày tỏ về việc Hà Nội chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát nói rằng: "Tôi rất yêu hàng cây, tán lá. Như bao người khác, tôi thích đi, đứng, nhìn ngắm, hít thở khí trời dưới những tán cây.
Tôi đã làm bao nhiêu thơ về Hà Nội nhờ những con đường có hàng cây. Nay, nhìn những hàng cây vàng tâm trọc lốc sao mà làm thơ nổi nữa.
Mỗi lần đi qua những tuyến phố vừa bị chặt hạ cây, tôi nghĩ màu xanh bao giờ trở lại che bóng mát?
Hà Nội có những hàng cây xanh là điểm khác biệt với các thành phố khác. Bởi hàng cây đã gợi cảm hứng cho thơ, nhạc, hoạ.
Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Hồng Ngát.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ từng nói: Nếu chặt cây 6.700 cây xanh khác nào Hà Nội “nuy”.
Tôi thấy, mỗi lần chặt cây, các tuyến phố lại lô nhô nhà cửa, đường phố ngổn ngang. Tại sao Hà Nội phải chặt vội, trồng vội như vậy?
Xét về mặt tâm linh, mùa xuân không ai chặt cây bởi đây là mùa trồng trọt chứ không phải mùa đập phá. "Mùa xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng xuân", ai cũng thuộc câu thơ này của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ra công ra sức trồng cây. Vậy mà xuân 2015, Hà Nội lại lên lịch "trảm" cây.
Nếu muốn chặt cây phải kiểm tra từng tuyến phố và xác định cây nào gây mất mỹ quan, cây nào đang bệnh hoặc cây nào lung lay mới chặt.
Tôi đề nghị thành phố tính toán, cân nhắc cho kỹ, kiểm tra từng cây xem cây nào cong vênh, mối mọt hãy chặt. Đừng chặt nhầm cây vô tội.
Chủ trương của Hà Nội tốt, nhưng chưa kiểm tra kỹ. Qua quan sát tôi thấy, những cây bị chặt lại rất đẹp, gỗ chắc nịch, không sâu mọt.
Bao người đã lên tiếng đề nghị thành phố ngừng chặt cây. Với tôi, tàn sát cây trong những ngày vừa qua như một chiến dịch khổng lồ, không tránh khỏi nhiều cây quý bị "mượn gió bẻ măng".
Theo Diệu Thu (ghi) ([Tên nguồn])