“Đứa con đặc biệt” của BV đa khoa vùng Tây Nguyên

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Lúc chào đời chỉ nặng 1,6 kg và bị mẹ bỏ rơi, đứa bé đã hồi sinh kỳ diệu nhờ tấm lòng của các y bác sĩ BV đa khoa vùng Tây Nguyên.

Hơn một năm qua, tập thể bác sĩ (BS), điều dưỡng tại Bệnh viện (BV) đa khoa vùng Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã cùng nhau nuôi dưỡng, chăm sóc một bé trai bị mẹ bỏ rơi khi mới chào đời.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Theo lãnh đạo BV đa khoa vùng Tây Nguyên, cháu trai chưa được đặt tên. Các BS, điều dưỡng tại đây thường gọi cháu là “cục vàng” hoặc “con trai cưng”.

“Con trai cưng” của tập thể BS, điều dưỡng BV đa khoa vùng Tây Nguyên đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

Bà Nguyễn Thị Trang Phương, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, chia sẻ: “Cháu bị mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời. Từ đó đến nay chúng tôi thay nhau chăm sóc, coi cháu như con ruột của mình. Trong BV, từ lãnh đạo đến nhân viên, không ai không biết cháu”.

Theo bà Phương, cháu bé chào đời lúc 18 giờ ngày 22-12-2022 với cân nặng 1,6 kg. Đến 18 giờ 26 cùng ngày, cháu được đưa qua khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.

Thời điểm bị bỏ lại BV, cháu được tiên lượng bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao vì nhiễm trùng huyết sơ sinh, viêm phổi sơ sinh, suy hô hấp độ 3, đa dị tật bẩm sinh.

Khi các BS đang cấp cứu cho cháu bé thì người mẹ đã lặng lẽ bỏ đi, để lại tờ giấy với nội dung: “Tôi là mẹ đơn thân, gia đình khó khăn. Con tôi bệnh nặng. Tôi không tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc cháu được. Nhờ BV nuôi cháu được ngày nào hay ngày đó”.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Trang Phương của BV chăm sóc cháu bé. Ảnh: TIẾN THOẠI

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Trang Phương của BV chăm sóc cháu bé. Ảnh: TIẾN THOẠI

Người mẹ đành đoạn bỏ lại đứa con thơ bệnh tật rồi đi biệt tích. Thế nhưng các BS tại BV vẫn hy vọng, dốc hết tâm trí để chữa trị, chăm sóc cho cháu.

Ngày tháng trôi đi, cháu bé lớn dần, bệnh tật thuyên giảm. Đến nay, cháu bé đã quen hơi ấm của tất cả BS, điều dưỡng trong BV. “Ai ẵm cháu cũng chịu, ai bồng cũng cho. Mọi người cứ gọi cháu là “con trai cưng” hoặc “cục vàng”. Gọi tên nào cháu cũng cười tít mắt, có vẻ vui lắm” - bà Phương chia sẻ.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2004 đến nay, cả nước có khoảng 176.000 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi trên toàn quốc.

Theo bà Phương, ngày 21-12 vừa qua, cháu bé tròn một tuổi. Các BS tại đơn vị cùng nhau tổ chức bữa tiệc thôi nôi đầy ấm áp cho “con trai cưng”. Thời điểm tròn một tuổi, cháu bé cân nặng hơn 5 kg.

Bù đắp sự thiếu thốn

Theo quan sát của PV báo Pháp Luật TP.HCM, cháu bé được đặt trên một chiếc giường xinh xắn, ngay phòng Hành chính của khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh của BV.

Cạnh chiếc giường nhỏ, các y, BS của BV cũng góp tiền mua một chiếc xe nôi. Khi rảnh rỗi, các BS của BV sẽ thay phiên đưa cháu bé đi dạo.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Xuân cho biết việc đặt cháu bé tại đây nhằm giúp các y BS của BV dễ dàng theo dõi, chăm sóc cho cháu bé. Bất kỳ BS, điều dưỡng nào tới ca trực cũng chủ động cho cháu ăn, thay tã, cho cháu uống thuốc… theo giờ giấc đã ghi sẵn ở giường của cháu.

Hiện sức khỏe cháu bé đã tạm ổn, ăn được cháo và uống sữa bột pha loãng. Để cháu bé được như hôm nay, các BS, điều dưỡng của BV phải trải qua thời gian rất vất vả.

Con trai cưng của BV chuẩn bị được đưa đi dạo. Ảnh: TIẾN THOẠI

Con trai cưng của BV chuẩn bị được đưa đi dạo. Ảnh: TIẾN THOẠI

“Thời gian đầu cháu yếu, hay quấy khóc. Suốt một thời gian dài, nhiều BS, điều dưỡng của BV vừa ẵm hoặc địu cháu vừa làm việc” - chị Xuân chia sẻ.

Cũng theo lời điều dưỡng Xuân, hình ảnh các BS, điều dưỡng một tay lật hồ sơ ghi chép, một tay bế đứa trẻ đã trở nên quen thuộc, khiến nhiều bệnh nhân lầm tưởng cháu bé là “lá ngọc cành vàng”.

Đến khi biết chuyện cháu bé bị mẹ bỏ rơi, nhiều sản phụ khác rất thương cảm. Họ đã chủ động lấy sữa của mình để mang đến cho cháu bé. Cũng nhờ sữa mẹ của những người xa lạ ấy, cháu bé đã có thêm sức đề kháng để chống chọi lại bệnh tật.

“Dù cháu bé thiếu đi hơi ấm của mẹ ruột nhưng đổi lại, cháu được sự quan tâm, chăm sóc của nhiều người mẹ khác là y BS, điều dưỡng tại BV. Ai cũng coi cháu như con. Nhiều BS còn đùa cháu được chăm sóc kỹ hơn cả con ruột của họ” - chị Xuân chia sẻ.

Chị Xuân nói thêm vì bệnh tật nhiều nên cháu bé bị nhỏ đầu, gặp tình trạng khó nuốt. Mỗi bữa ăn, uống sữa, uống thuốc đều cần có thời gian và sự kiên trì, tỉ mỉ của người chăm sóc. Nhờ sự yêu thương, tận tình chăm sóc của những người mẹ đặc biệt tại BV đến nay cháu bé đã dần khôn lớn, sức khỏe ổn định hơn trước rất nhiều.

Tìm cha mẹ nuôi để trẻ có tương lai tươi sáng

Đến nay sức khỏe cháu bé đã ổn, nếu có người nhà đến nhận thì có thể cho cháu bé xuất viện. Tuy nhiên, cháu bé không có người thân. Cháu bé cũng có tiền sử bệnh tật nhiều nên BV chưa tìm được người nào nhận nuôi cháu.

Thời gian tới, BV sẽ tích cực tìm kiếm những cá nhân đủ điều kiện, có nhu cầu nhận con nuôi để giúp cháu bé có một tương lai tươi sáng hơn.

BS NGUYỄN ĐĂNG GIÁP,

Phó Giám đốc phụ trách BV đa khoa vùng Tây Nguyên

Nguồn: [Link nguồn]

Bé trai 3,6 kg bị bỏ rơi ở chùa Phước Quang, huyện Củ Chi

UBND xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM phát thông báo tìm cha mẹ đẻ cho bé trai sơ sinh bị bỏ rơi ở Chùa Phước Quang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TIẾN THOẠI ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN