Đọc trong bóng tối không hề gây cận thị

Đọc trong bóng tối được cho là nguyên nhân làm giảm thị lực, dẫn đến nguy cơ mắc cận thị. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm kiếm những thông tin liên quan, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy điều này rõ ràng là một quan niệm y tế sai lầm đã tồn tại trong khoảng thời gian khá dài.

Nếu nhìn thấy con mình đọc sách trong bóng tối hay trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo, phần lớn các ông bố bà mẹ đều cảnh báo hành động này sẽ làm căng thẳng đôi mắt từ đó có thể gây tổn hại thị lực. Đó là lý do tại sao nhiều người luôn nghĩ rằng những đứa trẻ đeo kính thường rất chăm chỉ, chúng bị cận thị chẳng qua là vì đã học quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm kiếm những thông tin liên quan, bạn sẽ nhanh chóng khám phá ra đây rõ ràng là một quan niệm hết sức sai lầm. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế nếu đi sâu vào các bằng chứng khoa học, câu chuyện này trở nên phức tạp hơn nhiều.

Người bị cận thị có thể nhìn bình thường đối với những mục tiêu ở cự ly gần, nhưng không nhìn rõ đối với mục tiêu ở cự ly xa hơn. Đeo kính (thường hay áp tròng) là phương pháp đơn giản giúp giải quyết vấn đề nhưng nó vẫn không trả lời được câu hỏi về lý do tại sao một số người mắc phải ngay từ hồi còn nhỏ trong khi rất nhiều người khác thì không.

Cấu tạo phức tạp giúp đôi mắt có thể tự điều chỉnh theo mức độ ánh sáng khác nhau, cụ thể khi đó đồng tử (con ngươi) sẽ giãn ra để thu nhận thêm ánh sáng qua thủy tinh thể vào võng mạc. Tại đây, các tế bào (gồm tế bào hình que và hình nón) tiến hành phân tích thông tin về ánh sáng và gửi lên não.

Ví dụ khi ở trong căn phòng tối, quá trình này cho phép bạn dần làm quen với bóng đêm. Nếu căn phòng đột ngột sáng, mắt chưa kịp phản ứng khiến bạn cảm thấy chói nhưng rất nhanh chóng qua đi sau một khoảng thời gian đủ để võng mạc điều chỉnh lại. Điều tương tự cũng xảy ra trong trường hợp bạn thấy căng thẳng khi đọc sách dưới ánh sáng mờ. Lúc này, cơ chế điều chỉnh của mắt hoạt động sẽ giúp bạn dễ dàng thích nghi nhưng sự căng thẳng ấy khiến một số người xuất hiện hiện tượng đau đầu.

Đọc trong bóng tối không hề gây cận thị - 1

Thói quen đọc trong bóng tối không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào (Ảnh: Thinkstock)

Thực tế hầu hết nghiên cứu và tranh luận quanh chủ đề cận thị mới chỉ tập trung phân tích ảnh hưởng của việc thường xuyên nhìn vào những điểm gần mắt hơn là đi sâu tìm hiểu tác động của đọc sách trong điều kiện ánh sáng kém.

Năm ngoái, các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra rằng nhóm công việc buộc phải nhìn gần có thể là yếu tố tác động đến sự bắt đầu của cận thị ở người lớn nhưng điều này gần như không đáng kể so với nhiều khía cạnh khác như cân nặng khi sinh hoặc thói quen hút thuốc lá ở những bà mẹ mang thai trong suốt thai kỳ. Một nghiên cứu khác cũng nhận thấy sự khác biệt về mặt địa lý khi mà nhiều khu vực trên thế giới có tỷ lệ người dân cận thị cao hơn các nơi khác, ví dụ tới 80-90% học sinh vừa ra trường mắc cận thị thuộc Đông Á và Đông Nam Á.

Mặc dù vậy, cho đến nay, phần đông chuyên gia vẫn đặc biệt quan tâm đến bằng chứng chứng minh nguồn gene con cái thừa hưởng từ bố mẹ mới là nhân tố chính quyết định khả năng mắc tật cận thị. Theo đó, nếu cả bố và mẹ đều bị thì nguy cơ con cũng phải đeo kính lên đến 40%. Ngược lại, nếu 2 người đều có tầm nhìn tốt, nguy cơ đó sẽ giảm xuống chỉ còn 10%.

Nhiều ý kiến tranh luận rằng có thể cha mẹ từng đọc sách rất nhiều khi còn nhỏ và kết quả là họ phải đeo kính, điều này khuyến khích con cái họ cũng làm như vậy, tạo ra kết hợp di truyền xuất hiện mạnh mẽ hơn khả năng thực tế. Hoặc cũng có khi một số trẻ đã thừa hưởng sự nhạy cảm với các vấn đề của mắt, sau đó lại được kích hoạt bởi những hoạt động làm căng thẳng đôi mắt khiến tỷ lệ mắc ở mức cao.

Để làm rõ nghi vấn trên, một nhóm nhà khoa học Mỹ đứng đầu bởi Donald Mutti cùng nhau tiến hành nghiên cứu khá quy mô ở California, Texas và Alabama. Từ kết quả rút ra, họ nhận thấy không có bằng chứng nào về tác động của cái gọi là “tính nhạy cảm được thừa hưởng và thời gian đọc sách của con cái những người có thị lực kém cũng chẳng hơn gì những đứa trẻ khác. Di truyền, các tác giả nhấn mạnh, là yếu tố trên hết.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta được bỏ qua tác động từ môi trường hay bất kỳ khía cạnh nào khác. Theo phân tích của Trường đại học Sydney trên hơn 1.700 trẻ 6 và 12 tuổi sống tại Úc, trẻ em có nhiều thời gian hoạt động ngoài trời sẽ giảm thiểu khả năng bị cận thị và ngược lại.

Hiện nay, tuy chưa tìm được lời giải đáp rõ ràng nhưng họ dự đoán chính bức xạ ánh sáng mặt trời đã làm cho mắt không bị lão hóa nhanh chóng bằng cách giúp não tiết ra dopamine - hợp chất hóa học ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt, ngăn chặn tốc độ lão hóa. Đó hiện vẫn chỉ là giả thuyết, nhưng nếu được chứng minh, nó có thể giải thích cho tỷ lệ cận thị khá thấp của người dân nước Úc.

Và bởi vì di truyền là thứ không thể thay đổi nên điều tốt nhất mà chúng ta nên làm vào lúc này là khuyến khích trẻ em có nhiều hoạt động ngoài trời cũng như học tập trong điều kiện ánh sáng tốt để tránh làm mắt căng thẳng. Tuy nhiên tất cả nghiên cứu trên chỉ áp dụng đối tượng là trẻ em với đôi mắt vẫn đang ở giai đoạn phát triển còn nếu bạn đã trưởng thành thì hãy yên tâm, thói quen đọc trong bóng tối sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào.

Lưu ý rằng tất cả nội dung trong bài viết trên chỉ nhằm cung cấp cho độc giả các thông tin chung nhất chứ không nên coi đó là biện pháp thay thế cho những lời khuyên của bác sĩ. Luôn luôn tham khảo ý kiến những người có chuyên môn nếu bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Vũ (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN