Địa phương có quyền bác dự án thủy điện

Xây dựng thủy điện cần tôn trọng ý kiến của chính quyền địa phương, nếu đó là lý lẽ thuyết phục thì nhất định không thể thông qua.

Đó là khẳng định của ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) bên lề hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sáng 24/4.

Theo đó, một trong những nội dung chỉnh sửa, bổ sung tại Dự thảo lần này đã quy định: Việc thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án có tác động trực tiếp đến môi trường nước của lưu vực sông liên tỉnh phải có sự đồng thuận bằng văn bản của UBND các tỉnh trên cùng lưu vực sông liên tỉnh.

Với quy định này, phải chăng tiếng nói của chính quyền địa phương sẽ mang tính quyết định đối với những dự án tác động đối với môi trường lưu vực sông?

Bảo vệ môi trường lưu vực sông hiện nay còn nhiều điều đáng phải bàn. Việc khai thác nước với những mục đích khác nhau, khai thác khoáng sản bừa bãi… trong thời gian qua đã gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các lưu vực sông chính như sông Đáy, sông Đồng Nai, sông Cầu…

Điều đáng nói là hậu quả môi trường do vùng thượng lưu gây ra lại để địa phương vùng hạ lưu gánh chịu. Xưa nay chúng ta vẫn chỉ quy định chung chung các địa phương cùng một lưu vực sông thì cần sự chia sẻ  để giải quyết vấn đề môi trường phát sinh. Tuy nhiên lại không có luật quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm giữa các bên thì có khác gì “cha chung không ai khóc”?

Để giải quyết vấn đề một cách triệt để, cần phải luật hóa. Khi xây dựng các công trình tác động tới môi trường lưu vực sông đều cần phải có sự đồng thuận các tỉnh, đặc biệt là vùng hạ lưu.  Không thể chấp nhận chuyện thượng lưu muốn làm gì thì làm….

Địa phương có quyền bác dự án thủy điện - 1

UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định triển khai 2 dự án thủy điện, hệ sinh thái VQG Cát Tiên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng

Nói như vậy cũng có nghĩa địa phương cũng có tiếng nói trong quy hoạch dự án xây dựng thủy điện?

Đúng thế! Nguyên tắc xây dựng thủy điện phải đảm bảo 2 nguyên tắc: Thứ nhất, dòng chảy tối thiểu để duy trì hệ sinh thái và nguồn nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu. Thứ hai, phải có cơ chế điều hành liên hồ chứa,  giữa các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông cần phải có sự liên kết nhau trong điều tiết nước … Tuy nhiên thực tế các thủy điện hiện nay cơ bản đều không thực hiện đúng hai nguyên tắc này.

Không phải chủ dự án nào cũng tuân thủ nguyên tắc điều tiết dòng chảy tối thiểu, bới chỉ 1cm chiều cao nước cũng đem lại giá trị kinh tế lớn. Chính vì thế mới dẫn tới nghịch lý: vào mùa hạn thì thủy điện tích nước để làm điện, mùa lũ lại xả nước trống vỡ đập… khiến người dân hạ lưu khi thì không có nước tưới tiêu, khi đang lụt lại hứng chịu thêm nước lũ của thủy điện xả về.

Xử lý thực tế này không hề dễ vì nó liên quan tới nhiều bộ ngành. Chẳng hạn như quy hoạch hồ thủy lợi do Bộ NN-PTNT còn việc  cấp phép nước để làm thủy điện thi lại do Bộ TN-MT quyết định. Chưa hết,  trên 1 dòng chảy lại có nhiều chủ đầu tư khi thì là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khi lại là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, thậm chí những doanh nghiệp như Mai Linh, Thái Bảo cũng nhảy vào làm thủy điện…

Qua sự kiện của Thủy điện Sông Tranh II  hay dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, cho thấy dường như các địa phương đều “ngán” với thủy điện. Vậy nên nếu lấy ý kiến từ phía địa phương thì khó có sự đồng thuận?

Dù thế nào đi chăng nữa cũng phải hết sức tôn trọng ý kiến của UBND các tỉnh hạ lưu, chứ không thể vì lợi ích cá nhân, hay nhóm người nào đó. Một khi quy định mới được ban hành, đại diện chính quyền các tỉnh thuộc lưu vực sông cũng sẽ có mặt trong hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện trên lưu vực sông ấy. Nếu ý kiến của địa phương mang tính thuyết phục thì nhất định không thể thông qua dự án.

Cụ thể trường hợp dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông nhận định thế nào về kiến nghị dừng dự án của UBND tỉnh Đồng Nai?

Xem xét lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện này rõ ràng đã không được làm tốt. Chính vì thế, kiến nghị của Đồng Nai là chính đáng. Báo cáo cần bổ sung tác động tổn thương tới môi trường về rừng, đa dạng sinh học…đặc biệt khi xây dựng thủy điện tác động tới dòng chảy hạ lưu ra sao? Tất cả đều phải được trả lời rõ ràng.

Cuối năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai đã gửi báo cáo kiến nghị Bộ Chính trị cho ý kiến quyết định không đầu tư xây dựng hai dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.

Văn bản này khẳng định:  Hai dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trên thượng nguồn sông Đồng Nai, nếu xây dựng, sẽ phải đánh đổi nhiều thiệt hại chưa thể lường trước được về môi trường cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ lưu.

Theo Tỉnh ủy Đồng Nai: Nếu triển khai xây dựng 2 công trình thuỷ điện này thì hệ sinh thái lưu vực sông Đồng Nai và Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên sẽ bị tác động nặng nề

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN