Đi tù chục năm, hóa đơn đâu để đòi bồi thường?

Sự kiện: Thời sự

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: “Đến thời điểm phải bồi hoàn mà chưa bồi hoàn thì phải quy định chế tài”.

Sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi). Một lần nữa, những vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Phan Văn Lá (Long An)… lại được nhắc tới làm minh chứng cho những bất cập của quy định hiện hành.

Làm oan lớn, xin lỗi vài phút

“Những trường hợp trên cho thấy để được nhận bồi thường mất rất nhiều thời gian, phải qua nhiều thủ tục rất phức tạp, khó thực hiện. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường buộc họ phải có đủ hóa đơn, chứng từ. Người ta đi tù cả chục năm trời, trong hoàn cảnh như vậy thì lấy đâu ra đủ các hóa đơn, chứng từ?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói và thông tin dư luận và người dân cho rằng phạm vi bồi thường còn hẹp, cơ quan có trách nhiệm thường nại nhiều lý do để né tránh không bồi thường.

Cũng theo bà Nga, có trường hợp thời gian kéo dài, làm oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong một vài phút khiến dư luận và người dân phản ứng bồi thường xin lỗi chỉ làm hình thức, chiếu lệ.

TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cũng đề nghị phải có cơ sở để tính toán chứ không thể để buộc những người đi tù cả chục năm phải tự chứng minh thiệt hại. “Những thiệt hại về tinh thần cũng phải được lượng hóa chứ không chỉ là một lời xin lỗi” - ông Bình nói.

“Luật có giải quyết được những vấn đề trên hay không? Luật này đặt ra quy định về trình tự bồi thường thế nào? Nếu cứ theo thủ tục dân sự thì mất rất nhiều thời gian, như vụ ông Lương Ngọc Phi, tòa giải quyết hàng chục năm vẫn không xong” - bà Nga hỏi.

Đi tù chục năm, hóa đơn đâu để đòi bồi thường? - 1

Sau 46 năm đi đòi oan sai, ông Trần Văn Thêm tuy đã được TAND Tối cao tổ chức xin lỗi nhưng đến nay việc thương lượng bồi thường vẫn chưa có kết quả. Ảnh: ĐỨC MINH

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng thừa nhận đây là dự luật vô cùng khó vì quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan nhà nước.

Trước các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói: “Các anh chị hỏi sau khi có luật này thì có xử lý được tất cả trường hợp không? Báo cáo là tôi không dám hứa. Bởi vì ngoài luật này còn những luật khác. Hơn nữa, chúng ta cố gắng với cái tâm của người làm luật thôi, khi ban hành luật lại còn do tổ chức thi hành nữa” .

Ông Long cũng cho biết dự thảo đã cố gắng liệt kê tất cả thiệt hại có thể liệt kê được, trong đó có cả thiệt hại về vật chất và tinh thần. “Trong dự án luật mới, chúng tôi đề nghị giảm thời gian giải quyết, đơn giản bớt thủ tục và đặc biệt là được tạm ứng kinh phí bồi thường trong trường hợp khẳng định rõ là oan” - ông Long cho biết.

Gây thiệt hại bao nhiêu, phải bồi hoàn bấy nhiêu?

Liên quan đến trách nhiệm hoàn trả, báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay trong sáu năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, số lượng vụ việc đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả là 22 vụ việc với tổng số tiền trên 676 triệu đồng. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường trên 111 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị dự luật cần xác định rõ trách nhiệm bồi hoàn của người gây ra oan sai trên nguyên tắc “gây ra thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi hoàn bấy nhiêu”.

“Đến thời điểm phải bồi hoàn mà chưa bồi hoàn thì phải quy định chế tài” - bà Phóng đề xuất.

Trong khi đó, phó viện trưởng VKSND Tối cao lại nêu tình huống chứng minh việc xác định trách nhiệm bồi hoàn không đơn giản. “Một phiên tòa, ông kiểm sát viên giữ quyền công tố nhưng trước đó đã có ý kiến của ông thủ trưởng rồi, vậy thì ai chịu trách nhiệm bồi hoàn, ông duyệt án có chịu trách nhiệm bồi hoàn không?” - ông Thể hỏi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra nhưng “cũng không đến mức quá kinh khủng để người ta không dám làm gì”.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), cũng do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Hoãn thương lượng bồi thường ông Nén 

Tại cuộc họp báo do TAND Tối cao tổ chức sáng 20-9, ông Vũ Thế Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ 1 (Vụ Giám đốc kiểm tra án hình sự - hành chính TAND Tối cao), cho biết với vụ ông Trần Văn Thêm, TAND Tối cao đã tổ chức xin lỗi. Tòa Cấp cao đang tiến hành thương lượng việc bồi thường, chưa có kết quả cụ thể. Vụ ông Huỳnh Văn Nén cũng đang trong giai đoạn thương lượng giải quyết.

Liên quan đến vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người giải quyết vụ ông Thêm, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết người xét xử vụ án đó đến giai đoạn hiện nay đã nghỉ hưu hết. Còn vụ ông Nén, TAND Tối cao yêu cầu kiểm điểm với HĐXX. Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. “Chủ tọa phiên tòa sau này được điều động làm viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận nhưng đồng chí đang bị xuất huyết não, đang điều trị bệnh nên chưa tiến hành kiểm điểm được” - ông Sơn nói.

(Thực tế TAND Tối cao đã nhầm lẫn, người xét xử vụ ông Nén là Thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm, hiện là Phó Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận - PV).

Trong một diễn biến khác, ngày 20-9, TAND tỉnh Bình Thuận đã hoãn cuộc thương lượng bồi thường đối với ông Nén do có đề nghị từ các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Nén.

Đ.MINH - P.NAM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Minh (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN