Đến thăm làng "siêu đẻ" ở Đắk Lắk

Những gia đình “siêu đẻ” ở xã Cư Pui hầu hết là người Mông ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt (Đắk Lắk) di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Họ đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, con cái thất học...

Làng “siêu đẻ”

Gia đình vợ chồng anh Lầu Chờ Thào và chị Sùng Thị Dính ở huyện Yên Minh (Hà Giang) di cư vào thôn Ea Uôl, xã Cư Pui (huyện Krông Bông- Đắk Lắk) từ năm 2005. Ở độ tuổi 40, vợ chồng anh đã có 10 đứa con: 6 trai và 4 gái. Đông con nhưng không có đất sản xuất nên hai vợ chồng phải đi làm thuê để kiếm gạo nuôi con qua ngày.
 
Nhà cửa chỉ là những mảnh phên lồ ô ghép lại, tài sản hầu như không có gì ngoài chiếc xe đạp cũ. Ngoài 3 đứa nhỏ chưa đến tuổi đi học, trong 7 đứa lớn thì 4 đứa không được cắp sách đến trường, 3 đứa đi học nhưng bữa học, bữa nghỉ do phải giúp đỡ bố mẹ lấy củi, giữ em, nấu cơm...
 
Anh Thào tâm sự: “Do không sử dụng các biện pháp tránh thai nên vợ chồng tôi mới sinh nhiều như vậy. Gia đình 12 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào sức lao động của một mình tôi, vợ phải ở nhà chăm con không có thời gian đi làm”.

Ở cùng thôn và chung hoàn cảnh như gia đình anh Thào, vợ chồng ông Sùng Pa Thào và bà Vàng Thị Má tuy đã có với nhau 8 đứa con (7 trai và 1 gái) nhưng vừa qua vợ của ông lại sinh thêm 1 đứa con trai nữa. Hiện nay ông đã ngoài 50 tuổi, kinh tế gia đình thuộc vào diện đặc biệt khó khăn.
 
Ông Thào tâm sự: “Biết đẻ nhiều khổ lắm nhưng vợ mình không đặt vòng được, không uống thuốc được. Gia đình mình nghèo lắm, 2 vợ chồng với 9 đứa con nhưng chỉ có 5 sào đất dốc để trồng bắp, trồng sắn. Cả năm chủ yếu là xay bắp để ăn chứ không có cơm. Hiện tại có 5 đứa đi học nhưng cũng không đủ quần áo mặc, không có giày dép để đi. Trước kia cũng có được ít đất nhưng do con đông, vợ lại hay đau ốm nên bán hết để chữa bệnh và mua gạo để ăn”.
 
Cũng như thôn Ea Uôl, thôn Ea Rớt là một trong những thôn nghèo nhất của xã Cư Pui với trên 40% hộ nghèo và số gia đình “siêu đẻ” trong thôn có khá nhiều.

Đến thăm làng "siêu đẻ" ở Đắk Lắk - 1

Ngôi nhà gia đình anh Sùng Văn Khải ở thôn Ea Lang với 6 đứa con

Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn cho biết: “Trong thôn số gia đình có từ 5-6 đứa con trở lên rất nhiều. Điển hình như gia đình anh Thào Văn Thề mới ngoài 30 tuổi nhưng có đến 8 đứa con (cả 8 đứa đều không đi học); gia đình ông Sùng A Páo có 13 đứa con nhưng chỉ vài đứa được cắp sách đến trường; Lò Thị Mỵ chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 8 đứa con; gia đình ông Lò Seo Vạn có 9 đứa con...”.
 
Ông Lò Khải Phù (nguyên là Trưởng thôn Ea Rớt) mới ngoài 50 tuổi nhưng đã có 21 cháu nội, ngoại. Ông Phù tâm sự: “Mình quê huyện Vị Xuyên (Hà Giang) di cư vào Ea Rớt từ năm 1996. Gia đình có 14 đứa con nhưng mất 2 đứa, giờ còn 6 trai và 6 gái. Do hoàn cảnh khó khăn, trường lại ở xa nên 9 đứa con đã bỏ học.
 
Hiện tại, 6 đứa con lớn đã xây dựng gia đình. Cô con gái đầu năm nay 30 tuổi nhưng đã có 8 đứa con trai, cô con gái thứ hai, cậu con trai thứ ba mới cưới được 5-6 năm nhưng đến nay mỗi đứa cũng đã có 4 đứa con... Do sinh nhiều con nên suốt ngày bố mẹ chúng phải làm lụng vất vả để nuôi chúng nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc; không có thời gian chăm sóc con cái nên nhiều đứa ốm yếu, thất học; nhà cửa tuềnh toàng, tạm bợ”.
 
Ở thôn Ea Bar, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên trên 90%, trong đó số người sinh con thứ 7 trở lên có đến hàng chục gia đình. Điển hình là vợ chồng Lý Seo Giàng và Ma Thị Thào sinh năm 1975 nhưng có đến 11 đứa con;  vợ chồng anh Sùng Seo Thang và Ma Thị Mầm 9 đứa con; vợ chồng Vàng Mí Lương và Sùng Thị Tý 7 đứa con…
 
Anh Thào Seo Thề cùng vợ là Hầu Thị Dế quê ở xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên, Hà Giang) vì cuộc sống khó khăn nên di cư vào thôn Ea Bar năm 1999. Anh tâm sự: “Ở ngoài Bắc gia đình mình đã có 2 đứa con gái, khi chuyển vào đây vợ mình sinh thêm 4 đứa con gái nữa. Vì chưa có con trai nên vợ chồng mình cố gắng sinh thêm và được 2 đứa con trai. Đến nay gia đình mình đã có 8 đứa con, cuộc sống vô cùng vất vả”.
 
Những gia đình “siêu đẻ” ở xã Cư Pui hầu hết là người Mông ở 6 thôn: Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Họ đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất, nhà cửa tạm bợ, con cái thất học.
 
Theo bà Lê Thị Thúy, cán bộ dân số xã Cư Pui, những gia đình “siêu đẻ” đều có nhận thức kém; nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, không dùng các biện pháp tránh thai; đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp tránh thai của đội ngũ cộng tác viên dân số ở đây chưa hiệu quả... Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cộng tác viên dân số thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tùng Lâm (Người Lao Động/Đắk Lắk Online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN