Đảo điên vì tình, tiền

Xã hội là một luồng tương tác đa chiều. Làm trong sạch môi trường, làm cho giáo dục gia đình phát huy hết vai trò của mình và làm cho mỗi cá nhân biết sống có trách nhiệm… là điều không thể chậm trễ.

Nhiều vụ án thương tâm xảy ra liên tiếp gần đây khiến dư luận hoang mang, quá mức chịu đựng, nhất là khi người ta có thể ra tay tàn độc với cả những người từng yêu thương, chấp nhận mình. Những kỷ niệm du lịch vẫn còn đấy, những lời lẽ ngọt ngào, tha thiết vẫn văng vẳng bên tai… Vậy mà hận thù, đau khổ, tức tối đã biến một thanh niên được đánh giá là hiền lành, gia đình căn bản, chưa tiền án, tiền sự như Nguyễn Hải Dương đi đến hành vi giết người tàn ác, mất nhân tính đến vậy.

Vì sao cái ác lộng hành?

Có thể nói, những vụ án tương tự vụ thảm sát ở Bình Phước xảy ra không còn đơn lẻ hay chỉ là chuyện của một gia đình. Thách thức này cần được nhìn nhận trên bình diện xã hội… Đó là bài toán cần được giải mã, là câu chuyện phản ánh những lát cắt mới của cuộc sống.

Phải chăng, có một thứ áp lực quá lớn, đa chiều đang bủa vây trong đời sống của mỗi người; có quá nhiều trách nhiệm và nhiệm vụ mà mỗi người phải gánh để rồi chính sự mệt mỏi, căng thẳng quá mức dễ làm cho người ta thiếu cân bằng, không còn đủ tỉnh táo mà có cách ứng xử phù hợp?

Chữ tình trong những vụ án như ở Bình Phước khó có thể nói là ít hay nhiều nhưng chữ nghĩa, lý trí… đã vô tình bị xem nhẹ. Có thể nói chính kiểu sống ích kỷ, nhỏ nhen của một số cá nhân, trả thù khi không hài lòng, tấn công không thương tiếc đã làm cho con người ác hơn.

Xã hội là một luồng tương tác đa chiều. Kinh tế phát triển, sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến một số cá nhân không kịp thích ứng. Khi tâm lý thiếu ổn định, hụt hẫng, chênh vênh trong nhận thức và lựa chọn các giá trị sống sẽ khiến người ta thiếu cân bằng về tâm lý - hành vi, dễ bị ảnh hưởng tai hại của những tác động xã hội tiêu cực, những trò chơi thiếu tình người, những cơ hội để xung năng cá nhân lấn át và người ta dễ trở nên ác độc…

Đảo điên vì tình, tiền - 1

Hai nghi can vụ thảm sát ở Bình Phước: Nguyễn Hải Dương (trái) và Vũ Văn Tiến (phải) - Ảnh: LÊ PHONG

Định hướng lối sống nhân văn

Hành vi giết người sẽ bị pháp luật trừng phạt nhưng trách nhiệm của xã hội đến đâu, cần làm gì để cái ác được điều chỉnh, không thể lộng hành?

Làm trong sạch môi trường là một vấn đề, làm cho giáo dục gia đình phát huy hết vai trò của mình và làm cho mỗi cá nhân biết sống có trách nhiệm là điều không thể chậm trễ. Đó là sự chung sức đúng nghĩa mang tính chiến lược để đẩy lùi cái ác.

Không dừng lại ở đó, mỗi cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ, cần tỉnh táo, cẩn trọng trong từng mối quan hệ. Cần hết lòng nhưng đừng quên phải nghiêm túc, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Chính sự cân nhắc và lựa chọn quan hệ yêu đương sẽ làm cho mỗi cá nhân biết bảo vệ sự an toàn của chính mình và người thân. Không để cho mình quá lệ thuộc vào cảm xúc đã qua cũng như sự ghen tuông, ích kỷ về tình cảm đã có… để còn giữ được tính người. Đó là cách ứng xử khôn ngoan.

Ngoài ra, cần chú trọng thực chất đến hậu quả của những hành vi ác. Nhận thức không dừng ở mức biết hay nghe qua mà phải là hiểu đích thực, sâu sắc về hậu quả của hành vi tội ác đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Cái ác xuất phát từ tâm và cũng chính tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn: biết cân bằng và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử và hành động; biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng. Chỉ cần mỗi người biết hướng thiện bằng lương tâm đích thực, cái ác sẽ chẳng thể diễn tiến khác thường hơn…

Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội):

Phải giải quyết 4 nguyên nhân

Xâu chuỗi nhiều vụ giết người từ Bắc chí Nam, những vụ bạo lực gia đình và học đường, tôi cảm thấy nổi lên một số nguyên nhân chính dẫn đến hành vi trái với luân thường đạo lý của loài người.

Thứ nhất, nguyên nhân chính là do đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng dù pháp luật rất nghiêm minh. Lý giải vì sao đạo đức xã hội xuống cấp là một vấn đề cần rất nhiều thời gian để phân tích.

Thứ hai, ma túy làm cho người ta mất hết lý trí, lương tâm, tình yêu với đồng loại. Nhiều vụ án con giết cha mẹ, cháu giết ông bà, bạn bè trang lứa giết nhau chỉ để có tiền hút chích. Chúng ta không thể nhân nhượng với tội phạm ma túy, phải giải quyết rốt ráo nguyên nhân này.

Thứ ba, phải đánh giá toàn diện và xem xét lại vấn đề giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường và bên ngoài xã hội. Phải giáo dục trẻ nhỏ biết yêu thương bạn bè, thiên nhiên, loài vật, từ đó hình thành nên một con người sống có đạo đức, biết vì người khác. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh phải giáo dục người lớn trước để họ là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo. Một đứa trẻ bi bô tập nói sẽ học được gì từ hành vi tàn ác của cha mẹ, bảo mẫu và những người xung quanh? Người lớn mang nhiều thói hư tật xấu làm sao giáo dục trẻ nhỏ?

Thứ tư, hành vi tàn độc của con người hiện nay có sự tiếp tay của công nghệ hiện đại. Các trang mạng, trang tin điện tử thường ít nêu gương người tốt, việc tốt; chỉ thấy những bản tin mô tả chi tiết hành vi bạo lực, bắn giết nhau mà thiếu sự kiểm soát.

Theo tôi, giải quyết được những nguyên nhân nêu trên mới có thể cải thiện tình hình, khống chế được cái ác. Việc này mất nhiều thời gian và cần sự chung sức của toàn xã hội.

P.Dũng ghi

Luật sư Bùi Quang Cảnh (Trưởng Văn phòng Luật sư Quang Cảnh):

Cạnh tranh dẫn đến ganh ghét, thù hằn

Hiện nay, lối sống cạnh tranh xuất hiện ngay từ trong gia đình, nhà trường. Các em nhỏ phải học đêm, học ngày để giành thứ hạng cao nhất. Các bậc cha mẹ thì tranh giành cho con vào trường điểm. Ngay cả anh em trong nhà cũng không nhường nhau khi phân chia tài sản... Vì thế, sự ganh ghét, thù hằn dần xuất hiện và kích thích ý chí phạm tội của mỗi người.

Ngoài ra, sự hạn chế trong ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân cũng là lý do khiến các hành động phạm pháp không có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (quận 10, TP HCM):

Phải xem lại giáo dục, văn hóa

Vụ thảm sát ở Bình Phước đã vượt xa trí tưởng tượng của mọi người, làm đảo lộn mọi giá trị đạo đức khiến người ta hoang mang, lo lắng liệu trong tương lai điều đó có tiếp tục xảy ra nữa hay không. Dường như bậc thang giá trị sống đã bị đảo lộn. Các giá trị ảo, đời sống vật chất được tôn sùng, đồng tiền ngự trị trên tất cả mọi lĩnh vực cuộc sống, còn giá trị nhân văn và các giá trị truyền thống tốt đẹp khác bị xem nhẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái ác lộng hành.

Thiết nghĩ, dù kinh tế phát triển tới đâu chăng nữa mà văn hóa và giáo dục không song hành thì sẽ phát sinh nhiều hệ lụy đau lòng, mà vụ thảm sát ở Bình Phước là một điển hình.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi:

Cần kiểm soát thông tin trên mạng

Những vụ thảm sát gần đây phản ánh một hiện tượng xã hội tiêu cực, dẫu không phổ biến nhưng đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Một số cá nhân có những khuyết tật về nhân cách, khi có động cơ tiêu cực và gặp hoàn cảnh, môi trường thuận lợi, họ có thể sa vào tội lỗi.

Ngoài ra, cũng có không ít vụ án mà kẻ thủ ác được đánh giá hiền lành, ngoan ngoãn, chưa từng “cắt cổ ngay cả với một con gà”. Với những người này, yếu tố giáo dục vẫn đóng vai trò nền tảng. Đa số họ không được hưởng sự giáo dục đầy đủ về nhân cách dù họ có thể lớn lên trong một gia đình lương thiện hoặc môi trường học tập bình thường.

Bên cạnh đó, trong một thế giới phẳng, thông tin đa chiều như hiện nay, có rất nhiều yếu tố tác động đến con người, nhất là giới trẻ. Những vụ án được miêu tả chi tiết, giật gân kích thích sự tò mò tràn lan trên mạng, báo chí, điện ảnh đã làm cho một bộ phận giới trẻ bị tiêm nhiễm, đến mức độ nào đó trở nên vô cảm.

Để ngăn ngừa cái ác, điều cốt lõi là nâng cao nhận thức về mặt pháp luật cho người dân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi có sự hiểu biết về pháp luật, người ta mới biết điều chỉnh hành vi của mình. Ngoài ra, cần phải coi trọng vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống...

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khuyến cáo đối với các bộ phận tuyên truyền thông tin. Sự “kích ứng” của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số vừa có tác động tích cực là giúp chúng ta cảnh giác với tội phạm vừa có mặt tiêu cực khi tác động đến tâm lý của nhiều người theo nhiều hướng không như mong muốn.

H.Nhung - V.Thư ghi

PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN