“Đặc tính Trung Quốc” trong lớp lãnh đạo mới

Ban lãnh đạo chính trị của Trung Quốc sau Đại hội Đảng 18 này sẽ đem đến những thay đổi nào trong chính sách đối nội và đối ngoại cho quốc gia này?

Tháng 11 là “tháng chính trị” đáng quan tâm của toàn thế giới. Trung Quốc và Mỹ cùng cho ra một nhiệm kì lãnh đạo mới. Vị học giả chính trị quốc tế của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, giáo sư Thời Ân Hoằng từng phân tích rằng, trong lớp lãnh đạo chính trị mới này, “đặc tính Trung Quốc” lâu nay sẽ không thay đổi.

“Đặc tính Trung Quốc” trong lớp lãnh đạo mới - 1

Tổng Bí thư Tập Cận Bình (giữa) cùng 6 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã)

Giáo sư Thời Ân Hoằng nhận định, những “đặc tính Trung Quốc” này bắt nguồn từ truyền thống lịch sử mấy nghìn năm của Trung Quốc, có những yếu tố có quan hệ thực tiễn đến nền chính trị đương đại. Cụ thể, ông đưa ra những đặc tính trên mấy phương diện sau:

Cải cách

Chủ đề đầu tiên của Trung Quốc đương đại chính là cải cách. Với việc hình thành nên khái niệm “đặc tính Trung Quốc” mà ông Vương Canh Võ, một học giả người Hoa ở Singapore đưa ra, điều cơ bản của nền chính trị Trung Quốc đương đại chính là việc theo đuổi tính ổn định trong chính sách, cải cách kinh tế càng được hệ thống hóa hơn, mục đích và biện pháp có tính rõ ràng hơn. Thời Ân Hoằng chỉ ra rằng, cũng giống như cải cách truyền thống trong lịch sử Trung Quốc, cải cách đương đại cũng có tính khu biệt nội tại, cũng trải qua sự sàng lọc cẩn thận, nhưng lại phức tạp và tỉ mỉ hơn.

Duy trì

Quan niệm “duy trì” bắt nguồn từ truyền thống lịch sử Trung Quốc cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến những nhà cải cách đương đại. Trung Quốc đương đại đã trải qua những cuộc cải cách chuyển đổi lớn, việc làm thế nào để duy trì được trạng thái thống nhất, hòa bình, ổn định vẫn đang là những khảo nghiệm cho tính linh hoạt, tính lâu dài và khả năng cầm quyền của nhà lãnh đạo chính trị. Trước mắt, giữ vững sự thống nhất của quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ chính là ý nghĩa cơ bản của quan niệm “duy trì”.

Quan niệm “vạn vật tuần hoàn thống lĩnh vũ trụ”

“Đặc tính Trung Quốc” truyền thống vẫn có ảnh hưởng đến quan niệm chấp chính ngày nay. Ví như, nhận thức về quy luật tuần hoàn thịnh suy trong chính trị sinh ra từ quan niệm “vạn vật tuần hoàn thống lĩnh vũ trụ”, đi cùng với phồn vinh sẽ là suy thoái. Giống như lời phát biểu của Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong Đại hội kỉ niệm 30 năm Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 khóa 11: “Sự tiên tiến trước kia không đồng nghĩa với sự tiên tiến hiện tại, sự tiên tiến hiện tại không đồng nghĩa với sự tiên tiến trong tương lai; cái có được trước kia không có nghĩa với cái có được bây giờ, cái có được bây giờ không đồng nghĩa với cái có được mãi mãi”.

Bình đẳng

Vấn đề bình đẳng là một nghịch lí mâu thuẫn trong “đặc tính Trung Quốc” cùng tồn tại đồng thời ở Trung Quốc lịch sử và Trung Quốc ngày nay. Trong xã hội phân chia đẳng cấp truyền thống Trung Quốc, quần thể xã hội khác nhau có quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau, nhưng cũng có một loại “bình đẳng bề mặt đối với tình trạng đặc định và tính chính đáng của vấn đề”.

Nghịch lí mâu thuẫn này có quan hệ mật thiết đến niềm tin đối với lãnh đạo chính phủ Trung Quốc ngày nay. Việc nhân dân mưu cầu công chính bình đẳng, ủng hộ quan niệm “cá nhân vì tập thể” có mâu thuẫn sâu sắc đối với văn hóa chính trị “quan bản vị” của hiện tượng đẳng cấp hóa trong xã hội.

Mặt khác, Trung Quốc gần như là một nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn còn đề xướng và thực hiện quan điểm triết học chủ nghĩa bình đẳng quốc tế. Xét về quy mô, lợi ích căn bản và địa vị quốc gia của Trung Quốc, chiến lược “chính sách ngoại giao nước lớn” cũng nhiều lần được các nhà ngoại giao Trung Quốc đề cập. “Chính sách ngoại giao nước lớn” trong chính sách ngoại giao thực tế của Trung Quốc có thể được lí giải bằng những cách thức, hành vi qua các vấn đề nóng như Triều Tiên, Iran, Dafu, Myanmar.

Đạo đức

Sự nhấn mạnh về đạo đức rõ ràng là một trong những đặc sắc chính trị truyền thống của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc hiện nay nhấn mạnh về vấn đề đạo đức bởi những nguyên nhân từ trong nước, không chỉ để phục hồi lại truyền thống văn hóa đã bị hủy hoại trong cải cách văn hóa, mà còn để chống lại những ảnh hưởng xấu đến hệ thống lý luận xã hội, đến văn minh tinh thần do nền kinh tế thị trường tự do sau cải cách gây ra.

Quan điểm “kết hợp pháp trị và đức trị” mà Giang Trạch Dân đưa ra và thuyết “bát vinh bát nhục” (tám điều vinh nhục) của Hồ Cẩm Đào đều là những biểu hiện đạo đức chính trị rất quan trọng.

Chức năng đối nội trong chính sách đối ngoại

Thời Ân Hoằng cho rằng, so sánh với bất kì một nước lớn nào trên thế giới vào những năm 1945 hoặc từ năm 1990 đến nay, chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay có còn có chức năng đối nội mạnh mẽ. “Đặc tính Trung Quốc” này vô cùng hữu ích cho “chiến lược tập trung” của Trung Quốc ngày nay, có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế và những thành tựu ổn định xã hội nổi bật của Trung Quốc trong hai, ba mươi năm gần đây, cũng thúc đẩy mạnh mẽ chính sách đối ngoại vốn vẫn tương đối bảo thủ của Trung Quốc. Tương lai, quyền thế và tầm ảnh hưởng chính trị mà ngoại bộ Trung Quốc đạt được có thể sẽ tiến triển chậm chạp, nhưng không phải là đi ngược lại con đường này.

Lòng tin đối với bản thân “đặc tính Trung Quốc”

Đây là một đặc tính Trung Quốc của những năm gần đây, đó chính là lòng tin kiên định của những lãnh đạo chính trị hiện nay của Trung Quốc (bao gồm cả đại đa số quần chúng nhân dân) đối với bản thân đặc tính Trung Quốc (“tình hình quốc gia Trung Quốc”) cũng như thực tiễn duy trì tự chủ, cải cách và phát triển.

Thậm chí có thể nói rằng, lòng tin này chính là một hình thái ý thức căn bản nhất của Trung Quốc ngày nay, bắt nguồn từ chiến lược cách mạng Trung Quốc mà Mao Trạch Đông đã xây dựng dựa trên tình hình nhà nước Trung Quốc thời kì cách mạng. Từ sau cải cách mở cửa cho đến nay, Trung Quốc thu được những thành công lớn, phục hồi lại lòng tin của người dân sau tai họa từ cuộc “đại cách mạng văn hóa”.

Thời Ân Hoằng cho rằng, những đặc tính Trung Quốc này, cho dù là “duy trì” thận trọng, hay là quan niệm thịnh suy về sự tuần hoàn của vạn vật, đều đã trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến phương thức hành vi và chính sách đối ngoại của lãnh đạo chính trị Trung Quốc ngày nay. Chí ít trong nhiệm kỳ lãnh đạo chính trị kế tiếp, các đặc tính này có thể vẫn sẽ như vậy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Phúc (Theo Radio Netherlands Worldwide) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN