Cuộc sống nhiều người mơ ước của "chú lùn" 25kg
Sự nỗ lực không ngừng khiến "chú lùn" Nguyễn Văn Thu có cuộc sống trọn vẹn như ngày hôm nay.
Cách đây 3 năm, đến xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội hỏi nhà anh Thu "chú lùn", chúng tôi được người dân địa phương chỉ dẫn tận tình. Đặc biệt, người dân nơi đây còn đặt cho anh biệt danh trìu mến là “chú lùn ảo thuật”. Ngày đó, cả gia đình anh Thu sống trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ đã được xây dựng từ lâu. Vào thời gian ấy, vợ anh đang mang bầu.
Ngày gặp lại, cuộc sống của anh đã có những “bước ngoặt” mới. “Tôi giờ là bố của 2 con thơ rồi. Cuộc sống vẫn đầy rẫy những vất vả nhưng cũng thật nhiều niềm vui”, anh Thu vui vẻ cho biết.
Anh Thu bảo rằng, mình là người hạnh phúc bởi bản thân không lành lặn nhưng vẫn có một gia đình ấm êm. Hơn nữa, anh còn mở cửa hàng sửa chữa điện thoại sau một thời gian học nghề. Một niềm vui nữa, “Sau bao nhiêu năm đi làm, tiết kiệm, tôi cũng xây được nhà”, anh Thu nói.
Nói thì như vậy, nhưng để có được cuộc sống như ngày hôm nay, anh Thu trải qua một hành trình đầy gian nan. Chỉ 3 tháng sau ngày lọt lòng mẹ, cơ thể anh Thu bắt đầu có những chuyển biến khác thường, đầu to hơn thân, hai tay teo tóp và èo uột ra phía sau như không có xương.
Anh Thu giờ là bố của 2 con thơ xinh xắn, khỏe mạnh (ành gia đình cung cấp)
Cha anh trước đây tham gia chiến đấu ở Khe Sanh (Quảng Trị) rồi sang cả chiến trường Lào. Mẹ anh cũng từng là thanh niên xung phong trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Có lẽ, một trong hai người đã nhiễm chất độc da cam nên bản thân anh Thu bị ảnh hưởng.
Tuổi thơ của anh gắn liền với thuốc men và bệnh viện. 10 tuổi, anh đi được những bước đi đầu đời. Cơ thể bé còi nhưng đầu óc anh lại thông thái. Như bao bạn bè cùng trang lứa, anh Thu vẫn đến trường theo đuổi chữ nghĩa.
Thu bị bạn bè trêu chọc về thân hình thấp còi, dáng đi khập khiễng. Anh suy nghĩ và quyết định tìm đến 1 vùng đất mới, mong muốn thay đổi cuộc đời. Không còn nhớ chính xác, anh chỉ biết khi bắt xe đến Sài Gòn là đang học sinh lớp 9. Ngày đó, trong túi anh Thu chỉ có 200 nghìn đồng tiền tiết kiệm từ khoản trợ cấp cho người khuyết tật.
Những ngày đầu đến Sài Gòn, đêm đêm anh ngủ ở công viên, có những ngày không ăn gì vì hết tiền. Như một cơ duyên, anh gia nhập đoàn nghệ thuật của những mảnh đời kém may mắn và học biểu diễn ảo thuật. Công việc đó đã gắn bó với anh suốt 3 năm trời.
Sự nỗ lực không ngừng khiến chú lùn Nguyễn Văn Thu có cuộc sống trọn vẹn như ngày hôm nay (ảnh gia đình cung cấp)
Anh Thu luôn nghĩ mình sẽ trở về quê hương. Anh nhớ bố, mẹ và những người thân yêu của mình. Năm 2003, Thu lại khăn gói trở về Hà Nội rồi xin gia nhập đoàn nghệ thuật của Trung tâm nhân đạo Xuân Mai.
Bước qua tuổi 20, những người cùng trang lứa cũng bắt đầu xây dựng gia đình, bản thân anh chưa bao giờ dám mơ tưởng đến việc có vợ con như bao người đàn ông khác vì anh nghĩ ít ai dũng cảm để gắn bó với mình. Hơn hết, anh chỉ chú tâm vào công việc. Trưởng thành, anh Thu cao 70cm, nặng 25kg.
Tình cờ, anh quen với chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, khi đó cũng là thành viên chủ chốt của đoàn. Chị cao 1m65, da trắng, xinh đẹp như một bông hoa, bị câm điếc bẩm sinh và kém anh Thu 10 tuổi. Mới đầu, họ trò chuyện như những người anh em. Sau này, càng tiếp xúc cả 2 càng mến nhau hơn. Tình yêu của họ đến thuận tự nhiên như vậy.
Tình cảm của cặp đôi này không có gì khác lạ so với các đôi trai gái bình thường. Tình yêu của họ có sự quan tâm chân thành xuất phát từ trái tim hai phía. Trước tiết mục biểu diễn của anh Thu, Mai lúc nào cũng tỉ mẩn chuẩn bị cho anh trang phục, đồ đạc thiết yếu.
Dũng cảm để nghĩ về một tương lai xa hơn, anh Thu dẫn Mai về ra mắt gia đình. Ngày chị Mai đưa anh Thu về nhà, bố mẹ chị ra sức ngăn cản bởi sợ chị lấy anh không có tương lai nhưng tất cả chẳng thể ngăn nổi tình cảm từ tận đáy lòng của đôi bạn trẻ. Suốt 2 năm trời kiên nhẫn thuyết phục, gia đình chị Mai cũng đồng ý cho hai người tiến đến hôn nhân.
Nhớ lại những ngày tháng vất vả, khó khăn ấy, anh không thể tin mình lại được như ngày hôm nay, có một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con khỏe mạnh, xinh xắn, xây được nhà 3 tầng tiện nghi đầy đủ và hằng ngày vẫn miệt mài với công việc sửa chữa điện tử. Trước đây, anh đi biểu diễn ảo thuật cho các hội từ thiện. Vừa rồi, anh mới đi học sửa chữa đồ điện tử rồi mở cửa hàng tại nhà.
Với niềm say mê học tập, giàu ý chí, nghị lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm, anh Thu đã truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác lập nghiệp, khởi nghiệp ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm tật nguyền, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, anh Thu còn dạy nghề sữa chữa điện thoại miễn phí cho nhiều thanh niên trong làng.
Có lẽ, với những người khỏe mạnh, lành lặn thì cuộc sống hiện tại của anh Thu là điều bình thường nhưng với người đàn ông ấy, đó là một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ.
“Có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ lấy được cô gái xinh đẹp như Hồng“, anh Thuyết kể.