Cuộc sống mới của nam sinh được bạn cõng tới trường và điều ước trong năm mới

Cuộc sống của Minh không còn có Hiếu giúp đỡ từ khi vào đại học, nên bố Minh phải rời quê hương cùng con ra Hà Nội, làm "đôi chân" nâng bước con đến lớp.

“Gia đình gà trống”

Nguyễn Tất Minh (ở xã Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hoá) từng được biết đến với tình bạn đẹp kéo dài hơn 10 năm với Ngô Minh Hiếu. Không may mắn như nhiều đứa trẻ khác, Minh bị tật nguyền bẩm sinh khiến đôi chân và cánh tay phải cứ co quắp, càng lớn càng teo lại, Hiếu vì thương hoàn cảnh của bạn nên đã tự nguyện làm “đôi chân” cõng Minh đến trường.

 Ông Mây đưa con trai đến lớp.

 Ông Mây đưa con trai đến lớp.

Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, Hiếu đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Minh đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa. Hai người bạn bắt đầu phải sống xa nhau.

Cuộc sống của Minh không còn có Hiếu giúp đỡ từ khi vào đại học, nên ông Nguyễn Tất Mây (bố của Minh), phải cùng con ra Hà Nội, làm "đôi chân" cho con trai đến lớp.

 Từ ngày đỗ đại học, cuộc sống của Minh không còn có Hiếu giúp đỡ.

 Từ ngày đỗ đại học, cuộc sống của Minh không còn có Hiếu giúp đỡ.

Biết hoàn cảnh gia đình ông Mây khó khăn, ban quản lý ký túc xá Bách Khoa đã sắp xếp cho hai bố con ông ở cùng gia đình Nguyễn Đức Quân, nam sinh bị xương thủy tinh (không tự đi lại được), tân sinh viên ngành Toán – Tin. Đồng thời sắp xếp để ông Mây trông coi hệ thống cấp nước cho sinh viên nhằm giúp bố con ông có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Bốn người gồm hai tân sinh viên, hai phụ huynh được ban quản lý sắp xếp trong một căn phòng rộng chừng 25 m2, cùng ăn uống, sinh hoạt. Để thuận tiện cho việc đi lại, ban quản lý đã bố trí cho phòng của Minh và Quân ở tầng 1 và thiết kế lối đi riêng, giúp xe lăn có thể lên xuống dễ dàng.

Thường ngày ông Mây dậy sớm để kiểm tra hệ thống bể chứa nước của ký túc xá.

Thường ngày ông Mây dậy sớm để kiểm tra hệ thống bể chứa nước của ký túc xá.

Vừa dọn dẹp lại căn phòng, ông Mây vừa tâm sự, trước đó ông bị tai nạn ngã gãy chân khi làm thợ khai thác đá. Mọi thu nhập trong gia đình phải phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi đi làm thuê của vợ. Dưới Minh còn một em trai đang theo học lớp 9. Từ khi Minh đỗ đại học ra Hà Nội, đường xá không quen, lại chưa có bạn bè, Hiếu thì học dưới Thái Bình, nên buộc ông phải ra làm “đôi chân” cho con.

“Mỗi ngày tôi đẩy xe lăn đưa con tới trường, cõng con lên lớp, khi tan học lại đến đón con về. 2 bố con tôi ở cùng với cháu Quân và ông Nhuận nữa nên cũng đỡ buồn và nhớ nhà. Các cháu sinh viên ở đây gọi chúng tôi là ‘gia đình gà trống’ mà tôi cũng thấy đúng thật”, ông Mây cười nói.

Gần trưa, ông Mây lại nấu cơm, giặt giũ rồi chờ đến giờ đón Minh về.

Gần trưa, ông Mây lại nấu cơm, giặt giũ rồi chờ đến giờ đón Minh về.

Theo ông Mây, thời gian đầu đưa con trai đến lớp ông cũng gặp chút khó khăn bởi ông bị tai nạn ở chân vẫn chưa được rút đinh ra. Do đó, mỗi ngày cõng Minh từ tầng 1 lên tầng 5 hai bố con chật vật mãi mới lên được. Sau đó, nhà trường tạo điều kiện sắp xếp các lớp học của Minh ở tầng 1, bố con ông di chuyển đỡ vất vả hơn.

Điều ước trong năm mới

Một người trước giờ chỉ quen với đồng ruộng, vườn tược như ông Mây nay phải làm quen với cuộc sống thành thị, ít nhiều cũng lạ lẫm. Thường ngày ông Mây dậy sớm để kiểm tra hệ thống bể chứa nước, đi chợ rồi chuẩn bị bữa sáng, quần áo để Minh tới lớp. Gần trưa lại về phòng nấu cơm, giặt giũ.

 Đến bữa 2 phụ huynh cùng 2 sinh viên quây quần ăn cơm giống như một gia đình.

 Đến bữa 2 phụ huynh cùng 2 sinh viên quây quần ăn cơm giống như một gia đình.

Công việc quản lý bể chứa nước cho sinh viên trong ký túc xá giúp ông Mây có thêm 2 triệu đồng/ tháng. Công việc này phù hợp với ông Mây vì sức ông yếu, không thể làm việc nặng. Việc bơm nước, điều hành hệ thống nước rất đơn giản, hết nước thì bật máy bơm, có lỗi gì thì báo cho ban quản lý. Như vậy ông Mây vừa chủ động được việc cơm nước, có thời gian đưa đón Minh.

"Ở đây không giống ở quê cái gì cũng phải mua, rồi tiền điện, nước cũng tốn. May mà con tôi được miễn học phí nên cũng đỡ hơn. Thấy các con lạc quan, vui vẻ, học hành chăm chỉ là chúng tôi vui", ông Mây tâm sự.

 Minh rất ý thức được việc học.

 Minh rất ý thức được việc học.

Ở với bố, thi thoảng Minh vẫn bảo "hay bố về nhà đi, con ở đây tự lo liệu được, bố cứ quanh quẩn trong phòng con nhìn cực quá. Cái gì không làm được con sẽ tự khắc phục". Nhưng lần nào ông Mây cũng lắc đầu, xua tay vì con trai có thể tự vệ sinh cá nhân, nhưng đâu thể nấu cơm, giặt quần áo.

Ông Trần Văn Nhuận (bác của Quân) chia sẻ, gặp được gia đình ông Mây và cháu Minh là cái duyên với gia đình ông. Mỗi ngày, hai bậc phụ huynh cõng con đến trường, sau đó thay phiên nhau đi chợ, nấu cơm, giặt giũ.

“Quân sức khoẻ yếu hơn Minh, cháu không thể tự đi được. Bố, mẹ cháu công việc bận nên tôi lên chăm sóc cháu. Thêm nhiều bạn mới cả Quân và Minh đều vui vẻ, lạc quan hơn. Chúng tôi ở đây luôn động viên nhau vượt qua khó khăn”, ông Nhuận nói.

Về phần Minh, thời gian đầu được bố đưa đi nhưng em vẫn thấy lạc lõng và nhớ Hiếu. Ngày trước khi có Hiếu cùng đi, cậu nói đủ thứ chuyện, cả hai cười nói rôm rả. Nhưng giờ đây, dù được ngồi thoải mái trên chiếc xe lăn điện vừa được tặng, Minh vẫn thấy trống trải.

"Em đã quen với nhiều bạn mới nhưng vẫn cần thời gian để thích nghi hơn. Buổi tối em và Hiếu vẫn hay nhắn tin hỏi thăm, trò chuyện kể cho nhau nghe công việc học tập tại trường”, Minh nói.

 Tranh thủ buổi tối, Minh thường nhắn tin trò chuyện với Hiếu (người bạn thân).

 Tranh thủ buổi tối, Minh thường nhắn tin trò chuyện với Hiếu (người bạn thân).

Vừa rồi, Minh xin bố cho về Thái Bình thăm Hiếu và Hiếu cũng ra Hà Nội thăm Minh, cả hai cùng đi Lăng Bác, đến Hồ Gươm.

Nhìn vào tin nhắn vừa gửi cho Hiếu, Minh tâm sự: “Dù không có Hiếu ở bên nhưng em vẫn vui vẻ, lạc quan. Việc học ở trên lớp của em luôn được thầy cô, bạn bè giúp đỡ hết mình, xung quanh em rất nhiều người tốt”.

Nói về kế hoạch đón Tết và dự định trong tương lai Hiếu bảo, Tết năm nay em sẽ sang nhà Hiếu ăn cơm, đón năm mới và sẽ kể thật nhiều chuyện khi 1 năm qua 2 đứa ở xa nhau.

“Còn tương lai em ước sau khi ra trường sẽ có một công việc ổn định để kiếm tiền giúp bố mẹ bớt khổ” Hiếu nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ với thành tích học tập của nam sinh ngủ quên được CSGT đưa đi thi

Nam sinh ngủ quên được CSGT và tình nguyện viên đến nhà phá cửa, đón đi thi là một học trò giỏi, có nhiều thành tích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN