Cụ ông mù và 13 người phụ nữ nên duyên
Chỉ là nông dân nghèo, mù lòa, nhưng ông Nguyễn Văn Sơn, 74 tuổi cho biết, ông đã nên duyên tới 13 vợ và có 24 người con.
Bà Khải (vợ cả) thường nói với ông Sơn mỗi khi đi ra đường phải cẩn thận
Chỉ là nông dân nghèo, mù lòa, nhưng ông Nguyễn Văn Sơn (74 tuổi, ở tổ 5, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, ông đã nên duyên tới 13 vợ và có 24 người con. Điều kỳ lạ là các bà vợ và các con ông sống rất hòa thuận.
“Thương người ta thì tôi gá nghĩa”
Ngày 17/12, PV có mặt tại ngôi nhà cấp 4 xập xệ ở sâu trong ngách nhỏ đường Quang Minh thuộc địa bàn tổ 5, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo tìm hiểu của những người dân xung quanh, đây là nơi ông Sơn đang sinh sống cùng 2 người vợ là bà Lê Thị Khải (73 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bé (68 tuổi).
Ông Ngô Văn Súy, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông: Ông Nguyễn Văn Sơn có đăng ký kết hôn với bà Lê Thị Khải. Ngoài ra, có thấy ông ấy qua lại với bà Nguyễn Thị Bé, nhưng chưa từng xảy ra kiện tụng gì. Chuyện ông Sơn nói có 13 vợ, nếu có thật, thì cũng chỉ là ông ấy qua lại lén lút, chứ ông ấy chỉ có 1 lần đăng ký kết hôn với bà Khải thôi. |
“Chuyện ông Sơn nói có hơn chục bà vợ, chúng tôi không rõ, nhưng việc ông Sơn đang sống vui vẻ với hai bà, thì ai cũng biết”, bà Toan, một người hàng xóm cho hay.
Đúng là trong căn nhà lộn xộn ngổn ngang đồ đạc của ông Sơn, bà Khải và bà Bé đang vui vẻ nói chuyện. Thấy giới thiệu có phóng viên đến, bà Bé vội lôi điện thoại ra gọi ông về. Khoảng 15 phút sau, một cụ ông mặc quần áo nâu, đội mũ phớt loạng choạng đạp xe về nhà. Về đến sân nhà, ông Sơn dừng xe, hỏi rất to: “Ai hỏi tôi đấy bà nó ơi?”. Để rồi khi biết khách là phóng viên, ông tỏ ra không vui, không muốn chia sẻ câu chuyện đời mình. “Tôi chẳng muốn tiếp báo chí, báo chí đã làm cho gia đình tôi xấu hổ”, ông Sơn nhắc đi nhắc lại.
Sau một hồi thuyết phục, ông Sơn mới chịu cởi mở dần câu chuyện cuộc đời mình.
Ông Sơn kể, khi mới 2 tuổi, ông bị sởi, biến chứng nên mù một bên mắt trái, còn mắt phải nhìn lờ mờ không rõ. Nhưng dù mù dở, ông vẫn rất đẹp trai, phong độ. Hồi trẻ, ông làm công nhân đường sắt và được bố mẹ chọn cưới cho bà Khải, là người cùng làng. Lúc đó, ông chưa kịp tìm hiểu nên cũng không thấy yêu người vợ bố mẹ ép cưới này, nên cưới nhau một thời gian ngắn, ông lên công ty ở và gặp “người vợ” thứ hai mà theo ông là “rất trẻ, rất xinh”.
Ông và người vợ thứ hai không cưới xin gì, sống với nhau một thời gian thì xảy ra mâu thuẫn, người vợ này bỏ đi mang theo con của hai người. Sau đó, khi đi tàu, ông gặp một phụ nữ góa chồng quê ở huyện Mê Linh. Cảm thương người phụ nữ này, ông “gá nghĩa” với bà.
Vài năm sau, cũng trên chuyến tàu khác, ông gặp một phụ nữ quê Bình Định và cảm thấy hợp duyên, nên sống chung với nhau hai năm, có với nhau một con gái rồi ông bà đường ai nấy đi.
Theo ông Sơn, đấy là 4 người vợ gắn với thời “trai trẻ” của ông. Trừ một người vợ đầu được cưới xin có hôn thú mà ông vẫn chung sống đến bây giờ, ba người vợ còn lại, đều từ những cuộc gặp gỡ tình cờ mà nên duyên, rồi chia tay khi thấy “hết duyên”.
Còn từ người vợ thứ năm trở đi, ông Sơn cho biết, ông đến với họ vì tình thương, vì muốn giúp đỡ, san sẻ cho cuộc đời khuyết tật, khổ sở của họ.
“Bà thứ năm, thứ sáu bị chất độc da cam, bà thứ bảy (là bà Bé đang chung sống với ông) bị cụt cánh tay trái vì bom mìn hồi nhỏ. Bà thứ tám mắc bệnh hen suyễn, bà thứ chín, thứ mười cũng bị chất độc da cam. Bà thứ 11, 12, 13... đều ốm đau, không ai ngỏ lời yêu thương, chăm sóc cả”, ông Sơn kể và tâm sự: “Thương người ta thì tôi “gá nghĩa” thôi, cuộc đời người đàn bà nghèo khó, tàn tật, ốm đau... đã khổ lắm rồi, chăm sóc giúp đỡ họ, để họ bớt khổ, họ có đứa con để nương tựa, làm nghị lực vươn lên”.
Không biết chữ, nhưng nói chuyện như “rót mật vào tai”
Dù không nhìn rõ nhưng ông Sơn thường xuyên đi xe đạp ra chơi ở thị trấn Chi Đông
Ông Sơn ngoài nghề nông, hiện còn làm thêm nghề buôn bán xe đạp cũ và nuôi chim bồ câu. Dù đã 74 tuổi nhưng hàng ngày, ông đi mua xe đạp cũ về nhà, sửa sang mông má lại rồi bán kiếm lời. Hai bà vợ ở nhà hỗ trợ ông làm ruộng vườn, nuôi chim, chăm sóc nhà cửa.
Theo ông Sơn, ông có 13 “bà vợ” nhưng chỉ có bà Khải là ông có giấy tờ kết hôn. Các “bà vợ” khác, ông chỉ làm mâm cơm lễ gia tiên. Hiện chỉ có bà Khải và bà Bé ở chung với ông, còn lại 11 “vợ” khác, ông Sơn cho biết, thi thoảng ông đến thăm.
“Tôi lấy 13 “vợ”, giờ có 24 con, 40 cháu, nhưng khi chết, chỉ có một vợ thôi”, ông Sơn nói.
Nghe chuyện chồng kể, bà Khải nhìn chồng rồi nói: “Chồng tôi không hề uống bia rượu, ăn nhiều nên sức khỏe tốt lắm, 74 tuổi mà khỏe như thanh niên. Miệng nói chuyện có duyên, nói câu nào như rót mật vào tai câu đó, chuyện gì ông cũng biết cũng nói được. Chuyện lịch sử, chính trị ông phân tích nghe hay lắm. Rồi thơ thì ông đọc vanh vách dù không biết chữ, văn nghệ hát cực siêu”.
Nói về các “bà vợ” của chồng, bà Khải cho biết, ông hay đi mua bán xe đạp khắp nơi, thấy ai ông thương, ông muốn giúp đỡ thì ông cứ giúp, bà không có ý kiến. “Nếu ông ấy giúp bà nào đó, thì tôi cũng thông cảm, cùng phận phụ nữ cả, ông bảo toàn những người thiệt thòi, khổ sở, ông thương”, bà Khải nói nhưng cũng khẳng định, chỉ thực sự biết mỗi bà Bé được coi như “bà hai” của chồng và bà cùng bà Bé chung sống rất hòa thuận với nhau.
“Bà Bé tàn tật, tay cụt một bên. Từ khi lấy tôi, bà cũng được 3 người con, 2 trai và 1 gái đến nay cũng đã xây dựng gia đình cả rồi. Bà Bé tự nguyện chung sống với tôi không cần hôn thú”, ông Sơn giải thích thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Cho tới nay, đã có nhiều câu chuyện tình giữa những người có sự chênh lệch về tuổi tác, nhưng với trường hợp của...