Cơn "ác mộng" giá vé xe đò ngày cận Tết
Để “săn” được tấm vé xe khách những ngày sát Tết, có hành khách phải ngậm ngùi bỏ tiền mua vé ngang giá vé máy bay.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự báo lượng khách đi lại dịp Tết nguyên đán năm nay tăng 2%-7% so với cùng kỳ năm trước. Trong ngày cao điểm, lượt hành khách xuất bến có thể đạt gần 130.000 lượt khách/ngày, tăng gần 100% so với ngày thường.
Méo mặt vì giá xe đò ngày Tết
Theo khảo sát của PV vào trưa 24-1 tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM), hầu hết các nhà xe bán vé các tuyến Sài Gòn đi Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Huế… đều báo “cháy vé” vào những ngày cao điểm (từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp).
Trước tình trạng khan hiếm vé Tết, có hành khách đành bấm bụng mua vé đi chặng Sài Gòn - Đà Nẵng ngày 31-1 (nhằm ngày 26 tháng Chạp) của nhà xe Khánh Nhân với mức giá 1,3 triệu đồng/vé giường nằm. Trong khi đó, nhà xe Hoàng Anh rao bán giá vé 1,7 triệu đồng/vé giường nằm đối với chặng đi này.
Nhưng xem ra mức giá đó vẫn còn “mềm” vì có những người phải mua với giá “chát” hơn rất nhiều. Bởi trên trang web chuyên bán vé xe vexere.com, tùy thuộc vào khung giờ hành khách lựa chọn khởi hành trong ngày 26 tháng Chạp mà nhà xe Hoàng Long có thể “hét” mức giá lên đến 2,1 triệu đồng hoặc 2,3 triệu đồng/ vé giường nằm cho tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. Trao đổi với PV, một nhân viên bán vé của trang mạng này khẳng định giá vé nói trên là do phía nhà xe cung cấp.
“Với giá này đúng là “cắt cổ”. Ngày thường, cả gia đình hai vợ chồng, hai đứa con về quê ở Đà Nẵng cũng chỉ tốn 1,6 triệu đồng tiền vé, tương đương 400.000 đồng/vé. Nhưng giờ nếu mua cho hai vợ chồng và hai đứa con cho cả chiều quay lại TP.HCM là mất hơn 18 triệu rồi. Như vậy, giá vé Tết bị đội lên gấp hơn năm lần ngày thường và gấp gần bốn lần so với quy định. Bởi theo quy định hiện nay, giá vé Tết nhà xe chỉ được tăng phụ thu tối đa 60% mức giá ngày thường. Tức giá xe Tết cao nhất chỉ là 640.000 đồng/vé” - chị NTT than.
Tương tự, khi đặt vé ngày 27 tháng Chạp từ TP.HCM đi Quy Nhơn (Bình Định), giá vé được báo với mức cao gấp nhiều lần so với quy định. Nếu mức giá ngày thường chặng này chỉ khoảng 250.000 đồng/vé giường nằm, khi vé Tết tăng tối đa 60% thì giá vé cũng chỉ rơi vào khoảng 400.000 đồng/vé. Thế nhưng nhà xe Khánh Nhân báo giá Tết lên tới 900.000-1,3 triệu đồng/vé giường nằm tùy thời gian đi, tức là đắt gấp 3-5 lần ngày thường và gấp hơn ba lần so với quy định.
Với mức giá cao không tưởng như vậy, người dân muốn có vé về quê dù đi chặng ngắn phải trả tiền vé tương đương cho cả chặng dài Sài Gòn - Hà Nội, thậm chí có những mức giá “vượt đỉnh” có thể còn cao hơn cả vé máy bay.
Nhiều hãng xe tại Bến xe Miền Đông dán thông báo hết vé về miền Trung những ngày cận Tết. Ảnh: THÙY LINH
Cần chứng cứ để xử lý
Bộ GTVT vừa có quyết định thành lập bốn đoàn công tác kiểm tra về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết nguyên đán. Theo đó, các đoàn công tác sẽ kiểm tra phương tiện, người điều khiển phương tiện; kiểm tra việc thực hiện giá cước, giá vé tại địa phương; công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông... |
Tuy nhiên, không phải nhà xe nào cũng tăng giá vé vô tội vạ. Công ty Phương Trang sau khi đã tăng giá kịch khung theo mức tăng quy định đối với hành trình TP.HCM - Đà Nẵng/Huế thì giá vé là 592.000 đồng/vé giường nằm.
Ông Đặng Trọng Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang, cho biết vừa qua nhà xe này thu hồi hơn 400 vé xe Tết trên thị trường chợ đen. Đây là những vé được dân đầu cơ dùng chiêu lợi dụng chính sách bán vé xe của công ty đã gom vé và rao bán lại trên mạng với giá gấp đôi. Như tuyến Bến xe Miền Đông đi Đà Nẵng, Phương Trang niêm yết giá ở mức cao nhất là 592.000 đồng/vé, các đối tượng này bán chênh lệch bỏ túi 500.000-700.000 đồng, tức từ gần 1,1 triệu đến 1,3 triệu đồng/vé.
Trước phản ánh của hành khách về tình trạng nhiều nhà xe tăng giá vé quá quy định, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Sở GTVT TP đã công bố tiếp nhận 24/24 giờ các phản ánh về giao thông trong Tết Kỷ Hợi 2019 qua tin nhắn SMS, Zalo, qua đường dây nóng: 0388.247.247 - 028.3830.0701 - 0913.880.906.
Vì vậy, với những trường hợp này, hành khách có thể phản ánh và đưa chứng cứ cụ thể, thông báo ngay tại bến xe hoặc qua đường dây nóng do Thanh tra Sở GTVT tiếp nhận. Nếu có đủ cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm, có thể phạt tiền, đồng thời tước phù hiệu hai tháng và bắt trả lại tiền cho khách.
Chưa phát hiện doanh nghiệp bán vé quá giá Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết Thanh tra liên tục đi kiểm tra tình trạng bán vé tại Bến xe miền Đông thời gian qua. “Nếu như phản ánh về việc bán giá vé cao hơn quy định, chúng tôi cần có các chứng cứ cụ thể để có thể xử lý. Ví dụ, ngay khi mua vé cao hơn giá niêm yết, hành khách cần lập tức báo ngay cho cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng được niêm yết tại Bến xe Miền Đông, lúc đó các bên liên quan mới có thể thu thập chứng cứ, lập biên bản và xử lý theo đúng quy định” - ông Khánh phân tích. Cũng theo ông Khánh, vừa qua Thanh tra Sở GTVT TP đã kiểm tra 11 doanh nghiệp về việc niêm yết giá vé tại đây. Kết quả chưa phát hiện doanh nghiệp nào bán vé quá giá niêm yết, tuy nhiên còn một số tồn tại như đóng giá trên vé không rõ ràng, niêm yết bảng giá cước nhưng bị rách, vé bán không có cùi lưu. Thanh tra Sở đề nghị Bến xe Miền Đông cho kiểm tra và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chấn chỉnh ngay các tồn tại nêu trên. K.CƯỜNG |
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý mạnh tay những nhà xe, doanh nghiệp nhồi...