Có nên tiếp tục giảm số ngày nghỉ sau Tết?

Trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, hình ảnh người say rượu bia lái xe máy đi chúc Tết vẫn phổ biến. Mùng 4 – 5 Tết, số người chết do TNGT tăng vọt.

Năm nay, Chính phủ cho phép nghỉ Tết sớm và rút ngắn ngày nghỉ sau Tết. Số vụ và người chết do TNGT trong dịp Tết đã giảm. Tuy vậy, người chết do TNGT lại tăng vọt trong những ngày 4 – 5 Tết. Số người uống rượu bia đi xe máy chúc Tết, không đội mũ bảo hiểm vẫn phổ biến. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi nhằm lý giải về những điều này.

Có nên tiếp tục giảm số ngày nghỉ sau Tết? - 1

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia)

Tết vừa qua, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn giao thông đã giảm. Theo ông vì sao đạt được điều này?

Trước hết phải khẳng định, vừa qua, công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATGT đã có hiệu quả. Cụ thể hơn, tai nạn xe khách, xe tải nghiêm trọng không xảy ra như những dịp Tết trước. Việc nhồi nhét khách vẫn diễn ra nhưng đỡ hơn trước khá nhiều.

Các lực lượng có trách nhiệm đã thể hiện thái độ làm việc rất tốt. Trong đó, đặc biệt là hình ảnh CSGT ứng trực thường xuyên trên nhiều tuyến đường, điểm nóng giao thông. Năm nay, những phản ánh của người dân đến đường dây nóng đều được Ủy ban ATGT chỉ đạo xử lý ngay lập tức.

Một nguyên nhân quan trong là Chính phủ đồng ý cho nghỉ Tết sớm 3 ngày. Áp lực tàu xe giảm rõ rệt.

Hơn nữa, khắp cả nước, thời tiết trong dịp Tết năm nay đều khá đẹp. Điều này cũng khiến tinh thần, tâm lý của người tham gia giao thông tốt hơn.

Tuy không có tai nạn xe khách, xe tải thảm khốc, nhưng xe máy lại rất nhiều. Điều này cho thấy gì, thưa ông?

Tai nạn xe máy xảy ra nhiều và chủ yếu ở nông thôn. Phải thừa nhận nạn uống rượu bia điều khiển xe máy và không đội mũ bảo hiểm đi chúc Tết vẫn diễn ra phổ biến. Ý thức người đi xe máy ở nông thôn vẫn kém hơn thành thị rất nhiều.

Đây là câu chuyện mà các cơ quan quản lý đã tiên liệu từ trước, và có nhiều chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, lực lượng tuần tra kiểm soát ở các địa bàn nông thôn vẫn còn rất mỏng, có nơi hầu như không có. CSGT chỉ có thể tập trung trên các tuyến huyết mạch để phân luồng, đảm bảo nhu cầu đi lại, chống ùn tắc.

Ở nông thôn, lực lượng quản lý chủ yếu là ủy ban xã và công an xã. Nhưng các lực lượng này vào cuộc chưa thực sự quyết liệt. Đây là điều đặc biệt đáng lưu ý. Sẽ phải có những chỉ đạo cụ thể hơn đối với lực lượng tại địa phương trong Tết năm sau, thậm chí cả ngày thường.

Có nên tiếp tục giảm số ngày nghỉ sau Tết? - 2

Lực lượng CSGT Đà Nẵng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông trong dịp Tết Giáp Ngọ (Ảnh: Infonet.vn)

Trong những ngày Tết vừa qua, từ mùng 1 đến mùng 3, tai nạn giao thông và số người chết không nhiều. Nhưng mùng 4 – 5, con số này lại tăng vọt. Theo ông là vì sao?

Đây vẫn là câu chuyện bia rượu ngày Tết. Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, người ta thường ở nhà chúc Tết ông bà, bố mẹ, người thân trong gia đình. Mùng 4 - 5, thanh niên bắt đầu tụ tập bạn bè, họp lớp, gặp mặt đầu xuân. Lúc này họ mới chè chén, say sưa nhưng vẫn cứ lái xe máy.

Vừa rồi, Chính phủ có chủ trương cho nghỉ Tết sớm, rút ngắn thời gian sau Tết để hạn chế TNGT. Thực tế, TNGT dịp Tết năm nay đã giảm. Nhưng với việc người chết TNGT tăng cao mùng 4 - 5, liệu có nên tiếp tục rút ngắn thêm thời gian nghỉ sau Tết?

Chủ trương của Chính phủ rõ ràng đã phát huy hiệu quả và giảm thiểu TNGT như đã phân tích. Còn việc có nên rút ngắn thời gian nghỉ sau Tết nữa hay không vẫn cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá.

Tuy nhiên, theo tâm lý truyền thống của người Việt, Tết là dịp hội ngộ, đoàn viên. Nếu rút ngắn thời gian nghỉ sau Tết nữa, những người đi làm ăn xa có quá ít thời gian thăm hỏi người thân, bạn bè. Đến ngày đi, họ lại vội vàng, cập rập.

Vậy Ủy ban ATGT có giải pháp gì khác để giảm số vụ TNGT và số người chết TNGT từ mùng 4 đến 6 Tết?

Giải pháp quan trọng hơn là trong những Tết sau, các cơ quan quản lý phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở các địa phương, vùng nông thôn. Chính quyền địa phương có thể phải lập những tổ công tác cơ động ứng trực tuần tra trên các địa bàn liên xã, liên huyện,...

Ủy ban có kỳ vọng gì về tình hình ATGT năm nay? Tết vừa qua ít TNGT xe khách nghiêm trọng, nhưng tính cả năm ngoái, điều này vẫn đáng báo động. Ủy ban có kế hoạch cụ thể nào để giải quyết mối lo ngại này?

Dựa trên kết quả đạt được trong dịp Tết vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia kỳ vọng tiếp tục giảm TNGT cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, bị thương).

Năm 2014, các cơ quan chức năng vẫn tập trung chủ yếu siết chặt quản lý kinh doanh vận tải. Trong đó, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt xử lý xe khách, xe tải chở quá tải trọng. Đây là một trong những vi phạm cơ bản gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Ngoài việc lắp đặt gần 70 trạm cân di động tại tất cả địa phương trên cả nước, sẽ có những chế tài cụ thể hơn để xử lý các xe cố tình vi phạm.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 9 ngày Tết Giáp Ngọ (28/1 - 5/2/2014), toàn quốc xảy ra 598 vụ TNGT, làm chết 286 người, bị thương 626 người. Trong đó, riêng TNGT đường bộ làm chết 275 người. So với 9 ngày Tết Quý Tỵ 2013, Tết năm nay giảm 50 người chết, số vụ tai nạn và số người bị thương cũng giảm.

Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, những ngày trong Tết, người thương vong vì TNGT không nhiều nhưng 2 ngày sắp hết kỳ nghỉ Tết (tức mùng 4 và 5 Tết), con số này tăng vọt. Mùng 4 Tết có 49 người chết còn mùng 5 là có 41 người.

TNGT trong dịp Tết năm nay chủ yếu là do xe máy, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân là người điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN