Cô gái 24 tuổi mang hình hài bà lão

Ngày mới sinh ra, chân tay cô bé Mai Thị Yến ở xã Tiên Nguyên (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) ngắn tũn, không chút cử động, bố mẹ em đã hơn chục lần bế em ra định chôn sống trong cái hố đã đào sẵn bên cạnh nhà nhưng lòng trĩu nặng mà gắng gượng giữ lại.

Cuộc sống càng nghiệt ngã hơn khi lên 4 tuổi vì nghịch ngợm nên Yến đã bị gãy 2 chân khiến việc đi lại giờ cũng trở nên khó khăn vô cùng. Mới ở tuổi 24 nhưng người em chẳng khác gì một bà lão "tí hon" giữa miền rừng núi…

Cô gái 24 tuổi mang hình hài bà lão - 1

Yến hàng ngày vẫn khập khiễng đi lại. Ảnh: T.G

"Bà lão" tuổi 24

Những người lần đầu tiên tiếp xúc với cô bé Yến không ai dám tin cô mới ở tuổi 24. Thấy có khách đến, một bà lão tí hon lặng lẽ hé cảnh cửa mời tôi vào nhà, trong cuộc trò chuyện bên bàn nước, tôi mới ngỡ ngàng, hóa ra người đang trò chuyện với người viết chính là em Yến. Theo lời kể của Yến, em là con gái thứ hai của gia đình ông Mai Chá Toán và bà Hoàng Thị Hảo. Anh trai cả và em gái út Yến đều bình thường. Chỉ có Yến, ngay lúc sinh ra đã có nhiều biểu hiện lạ, người và chân tay ngắn không bằng một bắp ngô, sau đó lại có nhiều biểu hiện của bệnh yếu tim nên cứ thế người em lùn tẹt không thể phát triển chiều cao.

Ông Toán cho biết, Yến bị căn bệnh liệt bẩm sinh, hồi mới sinh ra Yến không thể cử động được, không cười cũng chẳng khóc. Gia đình thương quá nên đã chạy chữa hầu hết các bệnh viện lớn, nhỏ nhưng không có gì tiến triển. Các bác sĩ chỉ lắc đầu khuyên gia đình đưa em ra nước ngoài chạy chữa mới có khả năng lành bệnh, nhưng gia đình túng quẫn trăm bề nên đành để vậy. Do bị liệt từ nhỏ nên sức khỏe của Yến rất yếu. Tuổi thơ của em không giống như bạn bè cùng trang lứa, hằng ngày khi ánh mặt trời lấp ló xuất trên những đỉnh núi tai mèo, em chỉ có thể gắng gượng dùng hết sức lực mình có, bước khỏi cánh cửa gần chỗ em nằm để ngắm những con đồi mà bạn bè đang tung tăng vui đùa. Thậm chí, ăn uống hay sinh hoạt đều phải có sự giúp sức của người khác.

"Trước đây chúng tôi thương cháu nó quá nên lúc nào cũng động viên nó cố gắng học sau này mới có cuộc sống tốt đẹp, nhưng nào ngờ học đến lớp 3 thì đôi chân nó lại dở chứng, đau dữ dội nên đành cho cháu ở nhà dưỡng bệnh, nhưng vì muốn được đi học quá nên 3 năm sau, khi chân nó đỡ đau hơn 2 vợ chồng tôi lại đưa cháu đến trường học tiếp. Thế nhưng, một thời gian sau, Yến lại tiếp tục phát bệnh nên chúng tôi đành cho cháu ở nhà đến giờ", bà Hảo cho hay. Cũng vì nỗi đau thể xác quá lớn nên Yến rất kiệm lời ngay cả với bố mẹ mình, gặng hỏi mãi em mới nói được vài từ, có khi cả ngày em không nói câu nào. Có lẽ do em phải chịu nhiều đau đớn quá, mà cuộc đời Yến như những nốt nhạc trầm buồn, hiếm khi thấy gương mặt em hé được nụ cười.

Nếm trải nỗi đau nghiệt ngã

Trong suy nghĩ của Yến, em hiểu căn bệnh đã đeo bám em suốt hơn 20 năm qua mãi mãi sẽ không bao giờ dứt. Nhiều khi nỗi đau giằng xé khiến em đã từng nghĩ quẩn nhưng vì gia đình bắt gặp nên cho đến giờ chúng tôi mới có cơ hội được trò chuyện với em. Bạn bè Yến ở tuổi này, có người đã yên bề gia thất con cái đề huề, nhưng ở Yến là một con người hoàn toàn khác. Em vẫn mang một hình hài của những bà lão chống gậy lụ khụ trong làng và nó đã ám ảnh em trong suốt bấy nhiêu năm qua.

Cô gái 24 tuổi mang hình hài bà lão - 2

Chị Hoàng Thị Hảo (mẹ Yến). Ảnh: T.G

Bà Hảo nước mắt ngắn dài: "Trong bản có mấy đứa trẻ bé hơn Yến tới cả chục tuổi nhưng nhìn đứa nào đứa đấy đều ra dáng một thiếu nữ, ăn mặc diện ra đường. Vợ chồng tôi bao ngày chăm bẵm cho cháu để mong được bằng bạn bằng bè nhưng khổ nỗi cháu không có khả năng phát triển về chiều cao. Cho đến hôm nay nhiều người lạ vẫn lầm tưởng vợ chồng mới có bà ngoại đến ở cùng…". 24 tuổi, phải mang hình hài của một bà lão, vỏn vọn chưa đầy 1 mét, cùng cái bụng phình to như cái trống, nhưng nếu quan sát kỹ ở Yến có một cái gì đó trẻ trung và căng phồng sức sống, nhất là ở cách nói chuyện. Nhưng đâu đó ánh mắt buồn thiu chậm rãi xa xăm cũng nói lên nỗi lòng đau đáu nặng nề của em hiện tại. Căn bệnh bẩm sinh mà em đang mang trong người đã khiến em thành một bà lão yếu đuối, yếu đuối trong từng hành động lời nói và trong từng hơi thở.

Ông Toán chia sẻ thêm: "Không phải gia đình không muốn cho Yến đi học mà vì lo cho sức khỏe của cháu. Giờ ở nhà tuy đôi chân đi lại khập khiễng nhưng nó vẫn muốn trông coi lán, có thể phần vì nó muốn được yên tĩnh, vì nó ít khi ra ngoài gặp mọi người. Tuy ở nhà nhưng em em nó rất hay cập nhật thông tin, có thể nó đọc báo trên điện thoại, hoặc mỗi khi anh chị em xuống dưới xã nó lại nhờ vào bưu điện xã lấy báo giúp nó…".

Thời gian cứ thế trôi đi, nhưng căn bệnh liệt, rồi tim cũng không buông tha em. Giờ đây, để đứng dậy đi lại được trong thời gian khoảng 2 ngày thì Yến phải đánh đổi thời gian nằm liệt trên giường có thể là cả tuần hoặc đôi khi vài tuần. Yến tâm sự: "Có khi khắp người đau nhức, cả ngày nằm trên giường, em chỉ muốn trời tối thật nhanh để được ngủ, nhưng khi trời tối rồi em lại cảm thấy thời gian trôi chậm quá, cứ mong trời sáng để được nhìn thấy mặt trời. Thân phận mình thế này cũng sẽ chẳng biết đi về đâu, nhiều lúc em cũng nghĩ quẩn và muốn tìm lối thoát để đựơc nhẹ nhàng hơn, nhưng nhiều lần gia đình thấy ngăn cản".

Cô gái 24 tuổi mang hình hài bà lão - 3

Lán, nơi Yến vẫn thường ở. Ảnh: T.G

Mới cách đây một tháng, đột nhiên Yến đau tim dữ dội và lên cơn co giật, khắp người mỏi nhừ phải chuyển lên bệnh viện huyện Quang Bình gấp. Các bác sĩ cho biết, cũng may Yến đã được đưa đến kịp thời, không thì có thể đã không giữ được mạng sống. Giờ tiền trong gia đình đều kiệt quệ, nên vợ chồng chị cũng chỉ biết đưa cháu về nhà sống chung với bạo bệnh, cố gắng chăm sóc cho cháu chờ ngày thăm khám lại của các bác sĩ. Gia đình Yến từ trước đến nay cuộc sống đều trông chờ vào nông nghiệp. Mấy tháng nay, vì tất cả tiền đều dồn hết cho Yến chữa bệnh nên hầu như trong nhà giờ chẳng còn thứ gì giá trị.

Từ ngày Yến chuyển từ viện về, sức khỏe em cũng dần yếu đi, mọi sinh hoạt hàng ngày đều trở nên khó khăn hơn. Mỗi ngày em cũng chỉ ăn được một vài miếng cơm rồi lại lên giường nằm chứ không còn đủ sức để vui đùa hay đòi đi học cùng bọn trẻ trong xóm nữa. Chị Hoàng Thị Mấm, trưởng phòng Lao động - Thương binh Xã hội xã Tiên Nguyên cho biết: "Trường hợp của cháu Yến cũng đã được chính quyền địa phương xem xét và công nhận cháu thuộc diện dị tật bẩm sinh. Chính quyền địa phương cũng thường hay thăm hỏi động viên những dịp lễ tết để giúp cháu có thêm niềm tin vào cuộc sống".

Thương con gái chịu thiệt thòi, gia đình Yến vẫn luôn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ dành dụm được tiền để đưa em sang nước ngoài chữa bệnh. "Dù có phải bán nhà, bán cửa để chữa cho cháu vợ chồng tôi cũng mong muốn cháu được khỏe mạnh và trở lại với cuộc sống bình thường", bà Hảo nức nở. Nhìn bà lão "tí hon", tôi cảm tưởng cuộc đời em sẽ mãi là những khúc nhạc buồn da diết. Nhưng đâu đó em vẫn nuôi nấng niềm hy vọng, em tâm sự: "Giá như căn bệnh em khỏi, em có nhiều điều muốn làm lắm, em muốn sẽ làm một trang trại nuôi toàn dê ở lán em ở và đào ao to thả cá, trồng rau đem bán nữa".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Họ (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN