Chuyện những người trực Tết trong… nghĩa trang
Những ngày giáp Tết cổ truyền dân tộc, mọi người đều dành thời gian thăm viếng phần mộ của gia đình. Nghĩa trang - nơi vốn hiu quạnh, vào thời điểm này, nhộn nhịp và ấm áp hẳn lên. Những phần mộ vô danh, không thân nhân cũng được “ăn Tết” vì đã có bàn tay của những con người thầm lặng...
Ông Phùng Quýt thăm viếng khu mộ vô chủ chiều cuối năm.
Người sống lo việc người chết
Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một chiều se se lạnh. Từng tia nắng yếu ớt len lỏi qua kẽ lá sưởi ấm hàng ngàn nấm mồ vô danh nằm san sát bên triền đồi. Men theo con đường nhựa, tôi tìm gặp ông Phùng Quýt – Phó Ban quản lý nghĩa trang. Ngót gần 30 năm kể từ ngày rời quân ngũ (1886), ông tình nguyện ở lại chăm lo, quản lý hơn 120 nghìn ngôi mộ nơi đây.
Ngồi trầm ngâm trong căn phòng cấp 4, ông Quýt không giấu được nỗi ưu tư khi kể về những ngày đầu thích nghi với công việc. Ông bảo nhiều người thường nói ông “hết việc làm, suốt ngày đi lo cho người chết. Họ nói mặc họ, việc mình thì mình làm thôi”, ông mỉm cười. Thoáng đó mà đã 30 năm ông gắn bó với cái nghề canh giấc ngủ cho người quá cố.
Viếng mộ người thân ngày Tết.
Nghĩa trang Hòa Sơn xây dựng từ năm 2001, rộng 280 ha, chia làm 7 đồi, từ A1 đến A7. Mỗi đồi dành cho những đối tượng khác nhau, như khu người theo đạo Cao Đài, Công giáo, khu mộ thai nhi, mộ vô chủ, người có công Cách mạng…Số mộ phần ngày càng nhiều khiến công tác quản lý và chăm lo nghĩa trang càng không đơn giản. Ngay như những ngày áp Tết này, từ 28 đến 30 Tết, mỗi ngày vẫn có từ 13-14 linh cữu được đưa đến an táng tại nghĩa trang. Mỗi khi nhận tin báo có đám, anh em trong Ban lại tất bật chuẩn bị các vật dụng để thực hiện nghi lễ “cúng đường - nhập trang”.
Cùng làm việc với ông Quýt còn có 5 cán bộ khác, độ tuổi trẻ có, trung niên có. Theo chân ông cùng với cán bộ quản trang đến với khu mộ thai nhi và khu mộ vô chủ, tôi không khỏi cảm giác rợn ngợp, hàng nghìn mộ nằm thành từng dãy nối nhau chạy đến lưng chừng núi. Ông vừa lom khom thắp hương vừa trò chuyện: “Hiện tại, có hơn 20 nghìn mộ không có thân nhân đến nhận. Họ nằm hiu quạnh ở đây, quanh năm không ai thăm viếng, lạnh lẽo lắm. Cỏ xanh cứ thế leo lên, rêu phong phủ kín những ngôi mộ. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, tui đều vận động an hem trong Ban vào thắp nén hương, thay cát lư hương, nhổ chân hương cũ, dọn cỏ khuôn viên mộ để họ đón Tết”. Nói rồi, ông loay hoay thắp nốt nén hương còn dang dở trong tay.
Anh Nguyễn Thanh Duy, cán bộ trẻ mới vào “nghề” kể rằng, lúc đi rà soát, phát hiện nhiều mộ nằm trong bụi cây um tùm, có mộ nằm bên vách đá, cả năm trời không ai hay biết. Thấy thương, anh em phát dọn cây cỏ. Việc mình làm nhỏ thôi nhưng thấy vui lắm.
Nghĩa tử nghĩa tận
Từ Ban quản lý, con đường dẫn vào Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên dài khoảng 300m. Hai bên đường toàn hoa cảnh và cây kiểng, sạch sẽ thoáng đãng. Thật khó có thể hình dung đây là nơi hỏa tảng người chết.
Trong căn phòng rộng lớn, anh Trần Thiện Khoa (31 tuổi, quê ở tận Tây Ninh) ngồi bên bàn làm việc tranh thủ kể cho tôi nghe về cái nghề hỏa thiêu, khâu cuối cùng để đưa người chết trở về với cát bụi. “Công việc của tôi gắn liền với việc thiêu xác người chết và trao hài cốt cho người thân của họ, nên quanh năm suốt tháng tôi làm việc với những cổ quan tài…”, giọng anh trầm buồn.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Khoa chọn một lối đi khác với bao người bạn đồng trang lứa, gắn tuổi xuân của mình với công việc hỏa táng. Một nghề thầm lặng không mấy ai chọn lựa. “Thật tình mà nói, khi mới vào làm, cũng sợ lắm, khi ngửi mùi khen khét của tro cốt. Sau rồi cũng quen dần, mình làm bằng cả cái tâm nên chắc họ cũng không trách gì…”, anh Khoa tâm sự.
Tuy đã có thâm niên, nhưng mỗi lần đứng bên lò thiêu, anh luôn tự nhủ với người quá cố, đây là lần đầu cũng như lần cuối nên anh sẽ cố gắng hết lòng với công việc. Giọng anh xúc động: “Chẳng có ai ăn đời ở kiếp, ai rồi cũng sẽ trở về với cát bụi...”. Anh luôn nói với mọi người, đừng nghĩ nghề hỏa táng là ghê gớm và đáng sợ bởi vì người chết luôn “hiền” với người làm nghề như anh.
Ở trung tâm, có tất cả 8 nhân viên, thay phiên nhau trực. Số lượng các ca hỏa táng cũng tùy theo ngày. Anh nhớ lại, cách đây 3 tháng, có một trường hợp quê ở tận Gia Lai, khi đưa thi hài đến trung tâm thì trời đã chạng vạng tối, nhưng anh em vẫn ở lại làm giúp họ. “Cái nghề này là vậy đó, dù có nửa đêm cũng phải làm, không làm thì thẹn với lương tâm lắm”, anh bộc bạch. Được biết, một ca hỏa táng như thế kéo dài 4-5 tiếng đồng hồ. Có một điều ít ai biết, đó là do tính chất đặc trưng của công việc, anh em ở trung tâm mỗi năm chỉ đi phép về quê khoảng 4 lần, nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn thường trực.
Thời khắc thiêng liêng bước sang năm mới, ai nấy quây quần bên gia đình, nhưng các cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang Hòa Sơn, họ chia nhau túc trực để giải quyết những trường hợp khẩn cấp. Phút giao thừa là lúc họ sum vầy, hàn huyên ôn lại chuyện cũ và cùng cầu chúc cho một năm mới suôn sẻ, anh lành. Đơn giản chỉ là một mẻ bánh mứt, hạt dưa cùng nhâm nhi ly trà nóng cũng đủ ấm lòng. |