Chuyện bí ẩn về "thôn không chồng"

Thôn chỉ chừng 80 nóc nhà nhưng có tới 22 người góa chồng. Có không ít người cho rằng, mọi sự đều bắt đầu từ khi ngôi miếu của thôn bị phá. Kẻ phá miếu đã bị chết và từ đó đến nay số người góa chồng trong thôn ngày càng tăng.

Thôn không chồng

Nhiều người gọi thôn Gò Mãm thuộc xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn là "thôn không chồng". Chúng tôi tình cờ biết được thông tin trên qua câu chuyện của một người dân sống gần UBND xã Yên Thịnh. Có người than rằng:
 
"Ở cái đất Gò Mãm này chỉ có chừng 80 nóc nhà nhưng lại có đến 30 người góa chồng, hoặc bỏ chồng". Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì số người góa chồng ở đây là 22 người chứ không phải 30 người như thông tin ban đầu.

Trong số 22 trường hợp này thì người già nhất là 50 tuổi, người trẻ nhất là 20 tuổi, người nào còn sức khoẻ thì ra thành phố đi làm thuê, hoặc vào các khu công nghiệp làm công nhân, còn những bà góa ở nhà thì ngày ngày vẫn tụ tập đến quán nước của chị Lê Thị Nga cạnh UBND xã Yên Thịnh buôn chuyện cho cuộc sống đỡ tẻ nhạt và an ủi động viên lẫn nhau.

Có người than phiền rằng, cái đất Gò Mãm này thuộc loại dị biệt nhất trong vùng, có người đi lấy chồng nơi khác được vài năm thì vợ chồng bỏ nhau, người con gái lại bồng bế con về xóm cũ lam lũ làm ăn, người thì chồng chết trẻ, người thì không chồng mà có con...

Chuyện bí ẩn về "thôn không chồng" - 1

Được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã Yên Thịnh, bà Lan đã học được cách làm "trụ cột" trong gia đình bằng việc nuôi lợn phát triển kinh tế

Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh của chị Lê Thị Nga, ở thôn Gò Mãm, chị ngượng ngùng hồi lâu rồi mới từ tốn kể về cuộc đời mình.
 
Chị sinh năm 1976, lên 17 tuổi chị lấy chồng, lúc đó cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng chị rủ nhau lên rừng Hữu Liên vác gỗ về bán. Làm được hai năm vợ chồng chị cũng tích cóp được vài trăm triệu. Anh chị tính dành tiền xây nhà, còn bao nhiêu thì gửi ngân hàng rồi tìm việc khác để làm chứ không nai lưng đi vác gỗ nữa.

Nhưng không ngờ ngay sau đó chồng chị bị bệnh nặng vì lao động quá sức. Mặc dù ốm nhưng anh vẫn chịu khó đi học, rồi lại về làm cán bộ xã Yên Thịnh. Nhưng không lâu sau đó bệnh u phổi tái phát phải đi trị xạ liên miên, rồi những đồng tiền mà hai vợ chồng làm ra cũng đội nón ra đi hết. Không lâu sau thì chồng chị mất bỏ lại chị cùng hai đứa con gái đang tuổi ăn học.

"Chỉ vì kiếm tiền mà chồng tôi làm việc quá sức nên mới sinh bệnh mà chết. Tôi không muốn tiến thêm bước nữa vì sợ sự dị nghị của dân làng. Ở cái làng này nếu mà cái đám phụ nữ góa chồng mà rủ nhau đi chơi, cafe là kiểu gì lúc về cũng gặp những ánh mắt dò xét, dị nghị rồi lại làm cho cả nhà mang điều tiếng không tốt, thành thử cứ ở vậy mà nuôi con mặc cho cuộc sống đến đâu thì đến".
 
Nói rồi ánh mắt chị lạc đi vào chốn hư không. Ở cái tuổi ngoài 30 mà nom chị đã già đi trông thấy. Anh bạn đồng nghiệp cao hứng đoán chị ngoài 40 tuổi, nghe xong chị nhoẻn miệng cười và bảo: "Ai cũng bảo tôi thế" rồi chị ôm mặt cúi đầu xuống như cố quên đi một điều bất hạnh.

Khi chúng tôi hỏi dân làng Gò Mãm về những người góa chồng, một người dân dẫn chúng tôi đến nhà bà Hoàng Thị Lan, gia đình bà thuộc loại đặc biệt nhất thôn vì có hai mẹ con thiếu chồng.
 
Chồng bà Lan mất cách đây hơn chục năm để lại gánh nặng là 5 đứa con. Chưa dừng lại ở đó, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai gầy của bà khi người con thứ 5 là em Ngô Thị Thuận sinh năm 1991 có bầu với một người đàn ông tên là Tuyên ở huyện Chi Lăng.

Bà Lan kể lại: "Khi chồng tôi mất, tôi thấy như người mất hồn, không còn sự sống. Tôi đã thế, giờ có thêm con Thuận nó dại dột trao thân cho một gã đàn ông ngoại huyện, khi con bé có bầu thằng đó bỏ về Chi Lăng và không màng đến chuyện cưới xin nữa khiến con tôi rơi vào cái kiếp lỡ làng.
 
Khi Thuận sinh con, gia đình tôi đã đặt tên cho cháu là Lộc Thiên coi đứa bé như lộc của ông trời ban tặng cho gia đình. Sau này chắc nó sẽ gặp được người biết thông cảm, thương yêu nó thật lòng và giúp nhau làm ăn".

Chuyện bí ẩn về "thôn không chồng" - 2

Bà Hoàng Thị Lan - một trong những người chịu cảnh góa chồng

Chỉ tại cái miếu!?

Nhiều người làng Gò Mãm than vãn về chuyện không hiểu sao mà cái mảnh đất bé bằng lòng bàn tay này lại có nhiều người góa đến thế?
 
Thậm chí có người còn buột miệng bảo: "Tốt nhất là không nên lấy gái làng này, nếu không chỉ dăm bữa nửa tháng thằng chồng sẽ lăn đùng ngã ngửa ra mà chết". Hoặc có người không chồng nhưng không dám đi bước nữa chỉ vì lấy chồng về sợ chồng lại "chết nữa" thì chẳng khác nào "ôm rơm rặm bụng".

Mặc dù việc xóm Gò Mãm có nhiều người góa chồng chỉ là chuyện ngẫu nhiên, nhưng nhiều người lại cho rằng: Tất cả là do thần miếu gây ra. Cách đây chừng 10 năm, dân làng Gò Mãm đã đập ngôi miếu thờ thần thổ công ngự ở đầu làng. Kể từ đó, dân xóm Gò Mãm năm nào cũng có người góa chồng.

Chị Lê Thị Nga kể: "Vì phá ngôi miếu thiêng đầu làng nên thần miếu đã trừng phạt người dân xóm Gò Mãm. Cách đây ít lâu có một số thầy cúng từ nơi khác về phán rằng thần miếu đã nổi giận.
 
Người dân phải làm lễ tế thần miếu cầu mong sự yên lành, dắt dây oan nghiệt tình duyên thì mới chấm dứt được cái nạn góa chồng đang diễn ra ngày một nhiều ở làng. Thế nhưng từ khi phá miếu đến nay vẫn chẳng có ai dựng đàn cúng tế để khao tạ thần miếu cầu mong cho cuộc sống bình yên...".

Khi được hỏi về ngôi miếu, bà Hoàng Ánh Tuyết kể: "Cách đây gần 30 năm, có một người ở xóm say rượu đến miếu đập phá làm cho bát hương cùng với đồ cúng vỡ tan nát hết cả. Không ngờ chỉ hai ngày sau khi đập cái miếu, người đàn ông này đã chết.
 
Hôm đó, ông lên giường đi ngủ, sáng ra người nhà không thấy ông dậy đi nương liền vào giường gọi dậy, lúc vào giường thì thấy ông đã chết, chân tay cứng đơ không cử động được...
 
Từ đó người làng Gò Mãm nghĩ rằng ông đã bị thần miếu quật chết. Chính vì thế, thời gian xuất hiện những người đàn bà trùng với thời gian đập ngôi miếu khiến cho nhiều người cứ nghĩ đó là do thần miếu trừng phạt dân làng.
 
Năm ngoái, có một ông thầy cúng người dân tộc Tày ở huyện Văn Quan đến đây phán rằng, làng Gò Mãm sẽ còn thêm nhiều người chửa hoang, nhiều người chồng chết hoặc bỏ chồng...".

"Đúng là trước đây ở đầu làng Gò Mãm có ngôi miếu thờ thần thổ công thật, nhưng sau đó dân làng đã đập miếu để xây dựng UBND xã. Nhưng những tin đồn thổi rằng trong làng có nhiều người góa chồng hay bị chồng bỏ là do thần thổ công trừng phạt là không đúng, có lẽ đó chỉ là sự ngẫu nhiên khiến một số người mê tín hiểu nhầm".

Ông Ngô Văn Tề (Trưởng thôn Gò Mãm)

"Mặc dù chúng tôi vắng đi người đàn ông trong gia đình, nhưng cuộc sống không hề lẻ loi vì Chi hội Phụ nữ thôn Gò Mãm luôn bên cạnh động viên, chia sẻ những lúc khó khăn. Năm 2008, Hội Phụ nữ còn cho gia đình tôi vay 10 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ có 10 triệu đồng của Hội Phụ nữ mà tôi đã nuôi được một đàn lợn bán lấy tiền cho con cái ăn học...".

Bà Hoàng Thị Lan

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quách Dương (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN