Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: TQ đang tuyệt vọng và bị cô lập

“Trung Quốc buộc phải đầu tư tốn kém và mạo hiểm để biến các bãi san hô trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những căn cứ hỗn hợp cho hạm đội Nam Hải là việc làm tuyệt vọng trong thế bị cô lập”.

Trên đây là khẳng định của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân - khi trao đổi với PV Infonet trước thông tin Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma song song với hành động kéo giàn khoan Hải Dương vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: TQ đang tuyệt vọng và bị cô lập - 1

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm

Kế hoạch bành trướng lâu dài

Theo Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và xây dựng đảo tại Gạc Ma nằm trong chiến lược lâu dài của họ chứ không phải chỉ là hành động bột phát trong giai đoạn này.

“Ngay cả hai việc này cũng chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch dài hạn của họ. Mục đích lớn nhất của Trung Quốc là giành lấy Thái Bình Dương và vị trí siêu cường số 1 mà Mỹ đang nắm giữ. Trong ngắn hạn thì cũng phải khuất phục được Đông Nam Á để giành quyền khống chế tây Thái Bình Dương” – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

Minh chứng cho tư tưởng này, ông Lâm cho biết, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Mao Trạch Đông đã từng nói với một nhà báo Mỹ, đại ý là: “Thái Bình Dương nhưng không 'thái bình' vì hiện tại còn nằm trong tay Mỹ. Chỉ khi nào nó trở về với Trung Quốc thì mới có 'thái bình'”.

Gần đây nhất, trong hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức năm 2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì cũng đã nói: “Trung Quốc là một nước lớn, còn các nước khác chỉ là nước nhỏ. Đó là một thực tế’’. Câu nói đó một lần nữa khẳng định âm mưu bá quyền của Trung Quốc qua thời gian vẫn không hề thay đổi.

Và theo tư duy của người Hán thì cơ sở để Trung Quốc thực hiện mưa đồ này đã tới. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chỉ sau hơn 30 năm “giấu mình chờ thời” rồi “trỗi dậy hòa bình” đến năm 2012, tổng GDP của Trung Quốc đã đứng thứ hai thế giới. Sức mạnh về kinh tế là điều kiện để Trung Quốc gia tăng tiềm lực quân sự và thực hiện ý đồ “giấc mộng Trung Hoa”.

Quan sát tình hình khu vực qua các năm gần đây, ta có thể thấy sau một thời gian sử dụng và thể hiện “sức mạnh mềm” nhưng không áp đặt được ảnh hưởng của mình đối với Biển Đông Trung Quốc đã bắt đầu trở mặt.

Đến thời điểm này, Trung Quốc cho rằng đã đến lúc cần thể hiện “sức mạnh cứng”, và việc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta cùng với việc xây dựng đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ dùng vũ lực xâm chiếm từ tháng 3/1988 là một trong những bước đi để thể hiện điều này.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: TQ đang tuyệt vọng và bị cô lập - 2

Giàn khoa này và đá Gạc Ma chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch lâu dài của Trung Quốc: Ảnh: Internet

"Đây không phải đòn gió"

Vị Chuẩn đô đốc khẳng định, giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn không phải là “đòn gió” để Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận. Mà nó được đưa vào với mục đích rõ ràng, thực sự, là thăm dò trữ lượng tài nguyên tại khu vực này để đáp ứng cho nhu cầu năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.

Giàn khoan vừa thực hiện mục tiêu kinh tế nhưng đồng thời cũng thể hiện cho tham vọng về chủ quyền của Trung Quốc, bởi nếu phát hiện tài nguyên chắn chắn họ sẽ tiến hành khai thác tại nơi mà họ nhân vơ là “vùng nước lịch sử” của họ.

Trong khi đó, việc xây dựng Gạc Ma thành một hòn đảo mang ý định bành trướng chủ quyền rõ nét. Ý định của Trung Quốc là biến Gạc Ma thành một căn cứ liên hợp nhằm khống chế các hòn đảo trong quần đảo trường Sa nhằm thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, và là nơi tiếp tế cho các lực lượng trong tương lai.

Cũng theo ông, không chỉ tại Gạc Ma, mà tới đây Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cải tạo và tiến hành xây dựng cơ sở vật chất tại các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên mà họ xâm chiếm đầu năm 1988 để hình thành các cụm căn cứ quân sự nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này và tạo thế “da báo” trong tranh chấp với Việt Nam và Philippines.

“Rõ ràng khi các căn cứ hình thành sẽ uy hiếp trực tiếp các đảo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Philippines, khống chế hoạt động hàng hải, hàng không qua khu vực này. Không những thế đây còn là căn cứ để mở rộng tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu và tên lửa các loại nhằm mục đích đe dọa toàn bộ khu vực Đông Nam Á, từ đó mở đường tiến ra Ấn Độ Dương”. – ông nói.

Vị Chuẩn đô đốc nhận định việc Trung Quốc buộc phải đầu tư tốn kém và mạo hiểm để biến các bãi san hô trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành những căn cứ hỗn hợp cho hạm đội Nam Hải là việc làm tuyệt vọng trong thế bị cô lập. Vì lúc này họ không còn hy vọng tìm được những căn cứ tự nhiên như: Cam Ranh, Subic (Philippines) hay Jakarta (Indonesia)…

Ông cũng cho rằng Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 ra biển Hoàng Sa và việc xây dựng đảo tại Gạc Ma là hai kế hoạch riêng biệt với những mục đích khác nhau nhưng cùng hỗ trợ cho nhau.

“Chúng nằm chung trong một chiến dịch lâu dài, một phần của kế hoạch độc chiếm Biển Đông. Từ đó tiến tới mục đích tiếp theo là đẩy Mỹ và Nhật Bản ra khỏi khu vực này và xa hơn là làm chủ cả Thái Bình Dương”. – Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cường (Infonet.vn)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN