Chùa Hương 2015: Hết cảnh "ấm trà giá 300.000 đồng”

Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, công an đã lập biên bản, chấn chỉnh trường hợp chặt chém giá cả, bán “ấm nước trà giá hơn 300 nghìn đồng” tại lễ hội năm 2014.

“Hãy hỏi giá trước khi mua hàng”

Tại buổi họp báo “Xuân hội chùa Hương 2015” ngày 6/2 tại Mỹ Đức (Hà Nội), phóng viên nhắc lại câu chuyện về chặt chém giá cả tại lễ hội năm 2014. Cụ thể, nhóm du khách từ Hải Phòng đến đã phải thanh toán 320 nghìn đồng cho ấm trà vừa uống tại quán nước trong khu vực lễ hội.

Chùa Hương 2015: Hết cảnh "ấm trà giá 300.000 đồng” - 1

Lễ hội chùa Hương  

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương thừa nhận: “Đúng là có chuyện chặt chém giá cả, bán ấm nước trà và một số đồ với giá hơn 300 nghìn đồng tại lễ hội năm 2014”.

Ngay sau khi có thông tin, công an huyện Mỹ Đức đã làm việc với chủ hàng đó. Sau đó, chủ cửa hàng cũng thừa nhận việc như vậy. Tuy nhiên, giá hơn 300 nghìn đồng không phải chỉ cho một ấm trà mà còn một số đồ ăn khác kèm theo.

Ông Hậu nói: “Công an đã lập biên bản, chấn chỉnh trường hợp này. Qua đây, chúng tôi cũng tiếp thu và sẽ có biện pháp ngăn chặn trong lễ hội năm nay – 2015”.

Lễ hội năm 2015, Ban tổ chức yêu cầu các chủ cửa hàng niêm yết giá. Trên dọc suối Yến, ban tổ chức treo nhiều pano khuyến cáo khách hàng nên hỏi giá trước khi mua.

Bên lề buổi họp báo, đại tá Lê Xuân Văn, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, ngay trước khi lễ hội diễn ra, công an huyện đã có buổi làm việc với các cơ sở kinh doanh tại lễ hội chùa Hương. Tại đây, các chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh đã ký bản cam kết không tăng giá quá cao, chặt chém giá cả du khách.

Cấm đổi tiền lẻ tại chùa Hương

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, lễ hội năm 2015, Ban tổ chức cấm các điểm đổi tiền lẻ. Tuy nhiên, người đi lễ có thói quen mang tiền lẻ gọi là dâng “giọt dầu”, hoặc để tiền lẻ vào mâm lễ, khấn xong mang về chia lộc.

Do vậy, nếu du khách đi lễ có thể mang theo tiền lẻ ngay từ nhà. Tại khu vực lễ hội, Ban tổ chức kiên quyết không để các điểm đổi tiền lẻ hoạt động.

Chùa Hương 2015: Hết cảnh "ấm trà giá 300.000 đồng” - 2

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương

 

Sư trụ trì chùa Hương - Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng, dùng tiền âm phủ cúng Phật là sai, nhà chùa không dùng tiền âm phủ, trừ những dịp nhất định.
 

Theo thượng tọa, lễ hội chùa Hương gồm hai phần, văn hóa tín ngưỡng và văn hóa của Phật giáo. Những vấn đề không thuộc Phật giáo như vàng, mã, sóc thẻ, xem bói... không xảy ta tại chùa. Chùa Hương luôn cố gắng hạn chế chuyện đưa tiền, vàng âm phủ vào lễ chùa.

Tuy nhiên, tín ngưỡng Tứ phủ hầu đồng không còn xếp vào trái pháp luật, được hoạt động tại các nơi phủ, đình đền, nơi thờ tự. Đây là tín ngưỡng của người Việt.

“Tại quần thể di tích chùa Hương, nơi thờ tự Tứ phủ như đền Trình, đền Cửa Võng, và những nơi khác có thờ mẫu... thì việc dùng tiền âm phủ là việc đúng của bà con”, Thượng tọa cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết, lễ hội năm 2015, Ban tổ chức cấm hàng quán bày bán, treo thịt động vật.

Ông cũng cho hay, các loại thịt nhím, hươu, đà điểu được kinh doanh tại chùa Hương đều có xuất xứ nguồn gốc, là vật nuôi, không phải động vật hoang dã, quý hiếm.

Ban tổ chức miễn phí vé tham quan cho du khách trong 3 ngày từ 30 tháng Chạp đến mùng 2 Tết Nguyên đán (mỗi vé thắng cảnh 50.000 đồng/người). Du khách vẫn phải trả tiền vé đò ra vào 35.000 – 40.000 đồng/người, vé cáp treo 140 nghìn đồng/vé.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN