Chu toàn việc nhà để chồng con bám biển
Trong những ngày Biển Đông nóng bỏng, các kiểm ngư, ngư dân sẵn sàng đương đầu với hành động gây hấn của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Ở quê nhà, những người vợ trẻ vẫn luôn vững vàng để chồng yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió…
Có bất trắc vẫn ra biển
Chị Nguyễn Thị Bé - vợ ngư dân Ngô Đức Toán- chủ tàu cá TTH 90180 ở xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế), tham gia đánh bắt ở Hoàng Sa cho biết, hành động hung hăng của Trung Quốc không khiến chị và những người dân trong thôn lo lắng.
“Chồng tui chưa bao giờ lo sợ trước sự ngang ngược của Trung Quốc, sự động viên của tui và con cái khiến anh ấy và các lao động trên tàu vững vàng hơn khi ra khơi. Ở nhà tui luôn cố gắng lo tốt nhất việc nhà và xoay xở vốn liếng phục vụ cho việc đánh bắt để anh ấy toàn tâm toàn ý vào việc bám biển”- chị Bé chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Lê Văn Xiêm (tàu kiểm ngư 770) cùng con trai tại nhà riêng ngày 13/5: “Em hạnh phúc và tự hào được làm vợ anh ấy”.
Chị Trương Thị Mơ - vợ chủ tàu Ngô Đức Liền thì cho biết: Nếu ở thời điểm này ngư dân nước ta sợ hãi, không dám ra Hoàng Sa đánh bắt thì nhiều nguy cơ sẽ bị mất ngư trường bởi Trung Quốc sẽ lợi dụng điều đó để triển khai những hành động hung hăng hơn. “Vì vậy, lúc này hậu phương chúng tôi càng phải vững vàng, động viên để người thân yên tâm bám biển Hoàng Sa. Chồng tui cũng như những ngư dân khác nhờ rứa mà vẫn ra khơi đánh bắt hiệu quả”- chị Bé nói.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, nếu như năm 2013 chỉ có 11 tàu cá trên địa bàn tham gia đánh bắt ở Hoàng Sa thì đến nay con số này đã lên đến gần 40 tàu. Sự thay đổi lớn trong tập quán đánh bắt này của ngư dân Thừa Thiên - Huế là do ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngư dân ngày càng lên cao.
Tại Quảng Nam, ngày 13.5, qua trao đổi, hậu phương của các ngư dân đều đồng lòng ủng hộ chồng con ra biển, dù biết sự bất trắc sẽ nhiều hơn so với trước. Vợ của ngư dân Võ Quang Sang (chủ tàu Qna-94029) - chị Trần Thị Tỵ (38 tuổi, trú xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) chia sẻ:
"Chồng đi đánh bắt ở Hoàng sa, tôi ở nhà cũng lo lắm vì đây là vùng biển khơi xa, sóng gió bất thường, lại thêm Trung Quốc làm khó dễ. Nhưng chúng tôi xác định, đã lấy chồng nghề biển là vậy. Mình chấp nhận tất cả. Chúng tôi sẽ cố gắng chu toàn việc nhà, làm tròn bổn phận người vợ, chăm lo cho con cái chu đáo, có vậy chồng mới yên tâm…".
Tự hào làm vợ lính biển
Họ là vợ của những kiểm ngư viên đang đương đầu với hành động xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Dường như đã quen với những chuyến công tác ra nơi tiền tuyến của chồng, họ vẫn luôn vững vàng đề chồng yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió…
“Em làm kế toán cho một công ty du lịch nên ngày nghỉ của mọi người và của chồng lại là ngày làm việc của em. Dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, em đã xin được nghỉ 1 ngày 1.5 để cùng chồng con đi chơi. Nhưng ngày ấy lại là ngày anh ấy phải trực bảo đảm 100% lực lượng. Hôm sau anh tranh thủ về thì em lại đi làm, từ hôm ấy đến nay, em không liên lạc được với anh” – chị Dương Thanh Thủy (trú phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa), vợ của kiểm ngư viên Nguyễn Văn Dương, tàu kiểm ngư 767, tâm sự.
"Cũng như các chị vợ lính biển, em thấy mình luôn vững vàng và tự nhủ phải vững vàng để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ”. Chị Nguyễn Thị Hằng |
Còn chị Nguyễn Thị Hằng (trú đường Tân Trào, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) - vợ của kiểm ngư viên Lê Văn Xiêm, tàu kiểm ngư 770 thì nói: “Ngày 3.5, gia đình chồng từ ngoài Bắc vào chơi rất đông vui. Rồi anh nhận được lệnh lên đường ngay. Anh không nói gì ngoài việc thông báo là phải đi gấp, nhưng nhìn gương mặt anh, em biết đây là chuyến đi hết sức đặc biệt. Cũng từ hôm đó, gia đình không liên lạc được với anh”.
Dù không liên lạc được với chồng nhưng các chị nắm rõ tình hình, diễn biến xảy ra tại khu vực Trung Quốc đang đưa giàn khoan Hải Dương 981 thông qua báo, đài truyền hình quốc gia. “Khi nhìn thấy hình ảnh được Bộ Ngoại giao công bố trong cuộc họp báo quốc tế, em và gia đình lo lắm. Nhưng sau này, qua thông tin từ đồng đội và đọc những hành vi xâm lược, hung hăng gây hấn của Trung Quốc, em đã vững vàng hơn lên để chồng em yên tâm làm nhiệm vụ” – chị Hằng tâm sự.
Gia đình nhỏ của anh Lê Văn Xiêm (35 tuổi) đã có 1 cháu trai 26 tháng tuổi và chị Hằng vợ anh đang mang thai 5 tháng. Theo chồng, chị Hằng chuyển từ Bình Dương vào Nha Trang sinh sống. “Trước khi về công tác tại cơ quan kiểm ngư, chồng em là lính hải quân đã đi trực đảo Trường Sa 2 tăng (mỗi tăng hơn 1 năm). Cũng như các chị vợ lính biển, em thấy mình luôn vững vàng và tự nhủ phải vững vàng để các anh ấy yên tâm làm nhiệm vụ. Vợ chồng em tâm đầu ý hợp lắm, em tự hào và hạnh phúc được làm vợ anh ấy” – chị Hằng nói.
Anh Nguyễn Văn Dương thì luôn là “lính chiến” có mặt trong nhiều chuyến đi biển đặc biệt. Đơn cử năm 2012, khi đang công tác trên tàu Trường Sa 22, anh Dương đã đi biển thực hiện nhiệm vụ nhiều tháng bảo vệ tàu Bình Minh 02 trước hành vi cắt cáp của Trung Quốc. “Ba em là bộ đội thường xuyên xa nhà, giờ chồng em cũng là bộ đội. Hiện em đang ở với mẹ và con trai 5 tuổi. Có mẹ bên cạnh em được đỡ đần, giúp đỡ nhiều lắm. Làm vợ bộ đội là phải vậy, chị à, khi Tổ quốc cần, là các anh ấy đi thôi” – chị Thủy nói.