Cấm kết hôn đồng tính, nhưng không cấm cưới
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm khoa Luật dân sự (ĐH Luật Hà Nội), thành viên Tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình, khi trao đổi với PV về vấn đề hôn nhân đồng giới (HNĐG).
Bàn về việc sửa đổi Luật HN&GĐ, có ý kiến ủng hộ công nhận HNĐG, ý kiến khác cho rằng không cấm nhưng cũng không nên công nhận, ông nghiêng về ý kiến nào?
Với tư cách là một chuyên gia pháp lý về HN&GĐ, tôi cho rằng trong điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay cũng như nền văn hóa truyền thống của dân tộc, nếu công nhận HNĐG vào thời điểm này là chưa phù hợp.
Việc sửa đổi luật sắp tới đã có một số ý kiến đưa ra quan điểm rằng phải công nhận quyền kết hôn của những người đồng tính, tuy nhiên chúng ta vẫn phải chờ ý kiến của các chuyên gia pháp luật, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội về vấn đề này...
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi các cơ quan hữu quan xin ý kiến về vấn đề HNĐG, điều này cho thấy quyền kết hôn của người đồng tính đang được xem xét một cách nghiêm túc?
Mặc dù đây là vấn đề vẫn còn nhạy cảm và có nhiều quan điểm trái ngược nhau, nhưng những người làm luật chúng tôi cũng nhận thấy cộng đồng người đồng tính ngày càng có xu thế mở rộng với nhu cầu được kết hôn và chung sống với nhau ngày càng tăng.
Theo TS Nguyễn Văn Cừ, việc xử phạt các đám cưới đồng tính là không đúng quy định pháp luật
Đã có nhiều cặp lấy nhau, từ đó phát sinh các quan hệ về nhân thân, tài sản hoặc về con cái. Một vấn đề Bộ Tư pháp đưa ra xin ý kiến là Luật HN&GĐ có cần bổ sung quy định về hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính hay không?
Thực tế chưa có cơ chế pháp lý cụ thể để điều chỉnh các hậu quả từ việc chung sống giữa những người cùng giới tính, nhất là khi có tranh chấp.
Hậu quả từ việc chung sống ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông?
Hậu quả ở đây không có nghĩa là xấu. Đó là khi trong thời kỳ “hôn nhân”, họ cùng chung sức tạo ra tài sản chung, đến khi chia tay, nếu có tranh chấp thì sẽ phân xử như thế nào? Hoặc nếu họ nhận nuôi con nuôi, ghi tên cha mẹ ở đây ra sao?
Thực tế, theo pháp luật dân sự quy định, sở hữu chung của họ là sở hữu chung theo phần. Nếu có tranh chấp sẽ chia theo công sức đóng góp của mỗi bên. Nó cũng giống như trường hợp 2 hay nhiều người cùng góp vốn làm ăn với nhau.
Nếu giữa các đồng chủ sở hữu này không giải quyết các tranh chấp đó được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết và Tòa án đã có nguyên tắc giải quyết trong luật.
Nhưng trong các cuộc hôn nhân, thông thường họ đến với nhau không vì tài sản, chỉ có nhu cầu được hạnh phúc, được chung sống?
Nói cấm những người này quan hệ, chung sống với nhau thì pháp luật Việt Nam không cấm. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, liên quan đến quyền riêng tư cá nhân, Bộ luật Dân sự cũng đã có những quy định bảo vệ quyền này.
Cho nên trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do của cá nhân, 2 người đồng tính muốn ăn ở với nhau thì đó là quyền tất nhiên của họ. Như vậy, quyền được chung sống của họ đương nhiên là được chấp nhận vì pháp luật không cấm, chỉ còn về mặt pháp lý là Nhà nước chưa thừa nhận.
Nhiều người vẫn cho rằng chung sống hay tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới là vi phạm pháp luật là không phải. Chẳng có điều nào của Luật HN&GĐ hay luật khác cấm tổ chức lễ cưới của những người đồng giới.
Thế nhưng vừa rồi có một số đám cưới, khi họ đang tổ chức đã bị công an xã, dân quân kéo đến xử phạt. Như vậy có đúng không, thưa ông?
Chẳng có điều luật nào cấm họ không được cưới. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó là quyền rất thiêng liêng của họ, chúng ta phải tôn trọng cái quyền đó. Nếu cơ quan chức năng mà xử lý họ như phạt hành chính là phải xem xét lại. Cụ thể là về nhận thức pháp luật. Rõ ràng họ xử lý chưa đúng quy định của pháp luật, vi phạm quyền tự do cá nhân.
Cá nhân ông có ủng hộ người đồng tính lấy nhau, chung sống với nhau?
Tôi rất ủng hộ nếu như họ đến với nhau trên nguyên tắc tự nguyện, thương yêu nhau một cách thực sự. Người đồng tính có quyền ăn ở chung sống với nhau, không có gì chia rẽ được họ.
Xin cảm ơn ông.