Bộ Xây dựng: “Không thể có chuyện xin lỗi dân”

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: “Bộ Xây dựng ban hành đúng thẩm quyền, hợp lý thì không thể có chuyện xin lỗi”.

Tại cuộc họp báo chính phủ chiều 28/2, phóng viên đề cập đến việc thời gian qua, có rất nhiều hộ dân ở tòa nhà Keangnam (Hà Nội) kiện chủ đầu tư ra tòa vì họ mua phải căn hộ thiếu diện tích. Ra tòa, đại diện chủ đầu tư đưa ra Thông tư 16 của Bộ Xây dựng thể hiện cách tính căn hộ chung cư hoàn toàn khác so với Nghị định trước đó...

Tại phiên điều trần của Bộ Xây dựng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia đều khẳng định Thông tư của Bộ Xây dựng trái luật, để chủ đầu tư hưởng lợi và người dân chịu thiệt.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, chính phủ có chủ trương về vấn đề này lâu rồi. Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Những văn bản trái với pháp luật thì phải sửa chữa. Những văn bản liên quan đến người dân thì phải lắng nghe, tập hợp các ý kiến, sửa chữa ngay trong thời gian sớm nhất để đưa vào cuộc sống.

Tại cuộc họp báo, do có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời cụ thể về vấn đề này.

Bộ Xây dựng: “Không thể có chuyện xin lỗi dân” - 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (Ảnh: Infonet)

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong phiên điều trần mới đây với UBPL của Quốchội về Thông tư 16, một số đại biểu nói thông tư 16 là trái luật. Đặc biệt, nội dung gây tranh cãi là quy định cách tính diện tích sàn căn hộ không đúng thẩm quyền.

“Tôi đại diện Bộ Xây dựng khẳng định việc ban hành Thông tư 16 đúng luật pháp, đúng thẩm quyền”, ông nói.

Thứ trưởng Nam giải thích Luật nhà ở 2005 đến thời này vẫn còn có hiệu lực, trong đó có quy định, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết toàn bộ những vấn đề quy định trong luật mà chưa được chi tiết hóa.

Trong Nghị định 71 hướng dẫn luật, có quy định cụ thể về nội dung, hình thức hợp đồng về nhà ở, trong đó có hợp đồng chung cư.

Chính phủ quy định các bên tham gia hợp đồng phải ghi rõ một số nội dung như diện tích thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, kinh phí bảo trì và cách tính diện tích căn hộ mua bán.

Tại Thông tư hướng dẫn Nghị định(Thông tư 16), Bộ xây dựng có đề cập đến cách tính diện tích sàn.

Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cách tính sàn chung cư, hoặc theo nguyên tắc thông thủy, hoặc theo tim tường để chủ đầu tư và người dân lựa chọn.

Cách thứ 2 là tính diện tích sàn xây dựng, gọi là tim tường, cách này thông thường là diện tích sử dụng căn hộ cộng với 10 – 15%. Đây là cách đang được áp dụng bắt buộc ở Hàn Quốc, Trung Quốc.

Cách thứ 3, tính tổng thể, tính tất diện tích toàn bộ khối nhà, thường bằng diện tích căn hộ cộng 25%, áp dụng ở Úc, Malayxia.

Ông cho biết, có quốc gia bắt buộc tính một trong các cách, nhưng một số nước cũng cho phép lựa chọn 1 trong 3 cách tính này.

“Bộ Xây dựng ban hành đúng thẩm quyền, hợp lý thì không thể có chuyện xin lỗi”, ông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN