Bố mẹ ngủ trưa, con 2 tuổi đút tay vào ổ điện

Trong lúc bố mẹ đang ngủ trưa, bé gái 2 tuổi đã nghịch ổ điện dẫn đến bị bỏng nặng vùng mặt, chân và suýt phải tháo khớp 3 ngón tay.

Bố mẹ ngủ trưa, con 2 tuổi đút tay vào ổ điện - 1

Bé Linh trong vòng tay của ông ngoại tại khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn.

Nằm điều trị tại khoa Bỏng – Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), bé gái Nguyễn Ngọc Linh (SN 2014, quê Phổ Yên, Thái Nguyên) phải băng bó khắp mặt, chân, tay... Chốc chốc, bé lại quấy khóc vì bị những vết bỏng hành hạ.

Ngồi chăm sóc cháu, ông Triệu Khắc Dũng (ông ngoại Linh, quê Vĩnh Phúc) cho biết, Linh đã vào viện được 11 ngày. Do bố mẹ cháu bận đi làm nên ông xuống thay phiên trông cháu mấy hôm.

Ông Dũng kể lại, đầu giờ chiều ngày 29/7, bố mẹ bé Linh đang ngủ trưa. Bé thức dậy và nghịch ổ cắm quạt. Linh rút phích điện ra và thò tay vào ổ cắm. Bị điện giật, bé ngã sấp mặt xuống đất nên bị điện phá ở mặt, tay và chân.

Lúc đó, người chị họ của bé Linh (học lớp 6) ở ngoài sân ngửi thấy mùi khét và tiếng kêu ú ớ trong nhà. Khi chạy vào, người chị biết Linh bị điện giật nên vội vàng sập cầu giao.

Sau đó, cả nhà vội vàng đưa bé Linh xuống Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn cứu chữa. Tại đây, các bác sĩ cho biết, bé bị bỏng rất nặng nên chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn điều trị.

“Lúc đầu, các bác sĩ nói sẽ phải tháo khớp 3 ngón tay: cái, trỏ, giữa của bàn tay phải do phần thịt bị điện phá, hở cả xương, da hoại tử. May mắn là sau các bác sĩ chữa trị được”, ông Dũng chia sẻ.

Hiện bé Linh đã được cấy ghép da vào những chỗ bị bỏng. Những vết thương vẫn đang trong quá trình điều trị vẫn chảy dịch và đang lên da non khiến bé quấy khóc nhiều.

Nằm cùng khoa với bé Linh, anh Lê Huy Long (SN 1990, Thường Tín, Hà Nội) vẫn chưa hết đau đớn sau gần 3 tuần nằm điều trị vì vết bỏng ở sườn trái.

Bố mẹ ngủ trưa, con 2 tuổi đút tay vào ổ điện - 2

Anh Long với những vết bỏng chằng chịt trên người tại khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn.

Anh Long kể, sau giờ làm việc chiều ngày 21/7, anh cùng 3 người bạn tổ chức nướng mực, uống bia tại cơ quan trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ).

Anh Long đứng xem 2 người bạn nướng mực. Lúc cồn trong bát gần hết, ngọn lửa màu trắng khó nhìn, bạn anh Long tưởng cồn đã hết nên mở nắp chai đổ thêm.

Bất ngờ ngọn lửa bùng lên, theo phản xạ, người cầm chai bóp mạnh và rụt tay lại khiến cồn bắn vào người anh Long. Lửa bắt vào áo anh và bốc cháy ngùn ngụt.

“Tôi la hét, lăn xuống đất và vội cởi áo nhưng vẫn bị bỏng khắp từ mặt, tay và phần bụng. Trong đó, nặng nhất là ở sườn bên trái, phần thịt bị chín và bỏng sâu độ 3”, anh Long nói.

Bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn cho hay, hiện khoa đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân trong đó chủ yếu là bị bỏng nhiệt, bỏng điện, không có trường hợp nào bỏng hóa chất.

“Bỏng nhiệt như bỏng cồn, nước sôi… thường gây bỏng nặng và lan rộng còn bỏng điện gây bỏng sâu. Bỏng điện ít xảy ra còn bỏng nhiệt do cồn mỗi năm có một đợt bùng phát, thường vào mùa hè. Nguyên nhân chủ yếu do người dân hay nướng cá uống bia bất cẩn dẫn tới tai nạn”, bác sĩ Thống nói.

Bác sĩ Thống khuyến cáo, để phòng tránh bỏng, các trường học, chính quyền, bệnh viện cần hướng dẫn người dân cách phòng tránh chủ động và cách sơ cứu khi gặp người bị bỏng.

Các gia đình có con nhỏ cần phải coi trẻ cẩn thận. Những tác nhân dễ gây bỏng như ổ điện, phích nước, nồi cơm, canh... phải để ngoài tầm với của trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN