Bộ GTVT lý giải mức phí “khủng” tuyến Pháp Vân–Cầu Giẽ
Ngày 12.5, Bộ GTVT đã lý giải tại sao mức phí áp dụng cho tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) sau khi được nâng cấp cao như các tuyến cao tốc được đầu tư mới hoàn toàn.
Bộ GTVT cho biết, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) đã được đồng ý đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc theo hình thức BOT, được chia thành 2 giai đoạn. Sau khi hoàn thành giai đoạn một sẽ tiến hành thu phí kín như các tuyến đường cao tốc hiện nay.
Mức thu phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được Bộ Tài chính ban hành và sẽ áp dụng trong thời gian tới. Cụ thể, mức phí dao động từ 10.000 – 180.000 đồng/lượt, tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện.
Đoạn tuyến dài nhất (gần 30km), xe dưới 12 chỗ (hoặc xe tải dưới 2 tấn, xe buýt) chịu phí 45.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit chịu mức phí 175.000 đồng. Mức thu vé tháng cao nhất là 5.250.000 đồng/tháng. Tính trung bình, mỗi km các tài xế sẽ phải trả 1.500 đồng.
Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) đã được đồng ý đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc theo hình thức BOT
Trước đó, ngày 27.4 Dân Việt có bài viết "Vì sao tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thu phí ngang cao tốc tỉ đô?" đặt ra vấn đề tại sao tuyến đường được nâng cấp mở rộng nhưng được thu phí bằng với các tuyến đường cao tốc xây dựng mới hoàn toàn.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho rằng mức phí áp dụng là 1.500 đồng/km/PCU (PCU: xe cơ sở tương đương xe con 4 chỗ - PV) được tính toán theo các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của Dự án. Mức thu phí của dự án này tương tự như một số dự án: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai … Mức phí này được tính toán và áp dụng cho cả giai đoạn 2 sau khi hoàn chỉnh 6 làn xe.
Đại diện Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết thêm: "Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT đã lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn của Bộ và xin ý kiến đại diện các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, TP Hà Nội trong quá trình đàm phán Hợp đồng dự án trước khi ban hành chính thức".
Lý giải tại sao mức phí tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cao ngang các tuyến cao tốc được đầu tư mới, đơn vị chủ đầu tư dự án cho rằng dù là nâng cấp, mở rộng nhưng chi phí đầu tư tương đương với xây dựng mới toàn tuyến. Đồng thời, nhà đầu tư phải bỏ chi phí GPMB, trong khi các tuyến cao tốc đầu tư mới Nhà nước vẫn phải bỏ khoản tiền trên.
Trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chấp hành các quy định thu phí BOT được Nhà nước ban hành. Tôi chỉ có điều băn khoăn là mức phí các tài xế bỏ ra phải tương xứng với chất lượng đường. Trước đến nay, mức phí cao như thế chỉ áp dụng cho các tuyến đường cao tốc xây dựng mới”.
Theo nhận định của ông Liên, sau khi tuyến đường đi vào thu phí dù mức phí cao nhưng các xe có lẽ cũng sẽ không chuyển sang đường QL1 cũ để đi vì tuyến đường đã quá tải. Thay vào đó, chi phí vận tải sẽ tính toán lại và cuối cùng người dân, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Sau khi dự án hoàn thành giai đoạn 1, Bộ GTVT dự kiến tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ bắt đầu tiến hành thu phí từ tháng 7.2015 sau khi có sự cho phép của Cơ quan thẩm quyền.
Theo Vinh Hải ([Tên nguồn])