Bộ Công Thương: Năng lực yếu sẽ cho nghỉ việc

Sự kiện: Thời sự

Đại diện Bộ Công Thương cho biết trong đợt tinh giản bộ máy, trường hợp lao động có năng lực, trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ cho nghỉ việc theo Nghị định 108.

Bộ Công Thương: Năng lực yếu sẽ cho nghỉ việc - 1

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trường hợp lao động có năng lực, trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ cho nghỉ việc. Hình minh họa

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết mục tiêu của việc giảm các đầu mối (Cục, Vụ, Viện) của Bộ là để cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.

Tuy nhiên, việc sáp nhập các Vụ, Cục, Viện chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại một số đơn vị. Bộ Công Thương đã dự kiến một số giải pháp để giải quyết đối với số lượng nhân sự dư thừa này, căn cứ vào các tiêu chí như: chức vụ lãnh đạo; ngạch công chức; trình độ đào tạo; kinh nghiệm công tác; độ tuổi...

Đại diện Bộ Công Thương cho biết một số phương án giải quyết nhân sự dôi dư là: bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (áp dụng đối với công chức lãnh đạo các đơn vị); bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán, Tùy viên trong các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; bổ nhiệm, cử giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty; hoặc tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động dôi dư tìm việc làm mới trong các doanh nghiệp nếu họ đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

“Trường hợp năng lực trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ thực hiện giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ”-đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh và cho biết thêm bộ Nội vụ đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 của Bộ Công Thương giảm so với năm 2016 khoảng 1,5%.

Cũng liên quan đến việc sáp nhập các vụ, cục, ngoài vấn đề lao động như đã nêu trên, còn có vấn đề phát sinh về cấp lãnh đạo. Theo đó, vấn đề đáng nói là không chỉ dôi dư Vụ trưởng, Cục trưởng mà số lượng cấp Phó và công chức của những đơn vị sáp nhập này cũng sẽ dôi dư.

Phương án sắp xếp được Bộ Công Thương dự kiến đưa ra là: bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ (hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu. Nếu trước đây là cấp Trưởng mà nay giữ chức vụ cấp Phó sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định); là nguồn bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán tại các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; bổ nhiệm, cử giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty đối với Lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp; hoặc có thể giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

“Chắc chắn không có tình trạng một vụ 2-3 vụ trưởng, cục trưởng trong các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương. Số lượng lãnh đạo đơn vị sẽ thực hiện theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19-6-2015. Số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4”-đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, Tập thể Ban cán sự Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016-2021 vừa tổ chức lấy ý kiến của tất cả cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản, đổi mới bộ máy. Động thái này được thực hiện sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn tổ chức và nhân sự. Theo đó, Bộ Công Thương hiện có 35 đầu mối tổ chức, dự kiến chỉ còn 28 đầu mối.

Kế hoạch này được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mời tất cả cán bộ tham gia ý kiến đóng góp, phản biện. Sau đó, dự kiến được trình lên các bộ, ban, ngành và Chính phủ xin phê duyệt trong tháng 12-2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ph.Nhung (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN