Bí thư xã không biết đất nhà mình mở rộng gấp 4 lần?

Từ 60m2, diện tích miếng đất của vợ nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm tăng lên 240m2 nhưng vị cán bộ này nói không biết, không để ý và cũng... không có nhu cầu về đất đai.

Bí thư xã không biết đất nhà mình mở rộng gấp 4 lần? - 1

Các bị cáo được áp giải tới tòa.

Sáng 8/8, sau khi công bố cáo trạng, TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bắt đầu xét hỏi 14 bị cáo trong vụ sai phạm đất đai xảy ra tại xã Đồng Tâm. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố nhưng không đồng ý về một số tình tiết.

Ngoài các sai phạm về cấp, giao rồi hợp thức trái thẩm quyền cho các hộ dân, các bị cáo cựu cán bộ xã Đồng Tâm được xác định đã chia nhau 10 suất đất vốn là đất giãn dân dù các cán bộ không thuộc đối tượng này.

Cụ thể, năm 1996, tỉnh Hà Tây ký Quyết định số 868, đưa gần 5.500m2 đất cho xã Đồng Tâm để giao cho 49 hộ dân. Tới 2002, xã giao cho 39 hộ và còn lại gần 1.300m2.

Thấy vậy, Nguyễn Văn Sơn – nguyên Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Tiến Triển – nguyên Bí thư xã, Nguyễn Xuân Trường – nguyên cán bộ địa chính đã thống nhất chia số đất còn lại cho 10 cán bộ công tác lâu năm tại xã dưới hình thức bán, giá 100.000 đồng/m2.

Các suất đất này được đứng tên vợ con, người nhà của các cán bộ. Năm 2008, họ dựng lên biên bản họp UBND, HDND, Đảng ủy để hợp thức hóa việc giao đất nhưng ngày giờ biên bản là 10/12/2002.

Tiếp đến, số đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2013, khi công an điều tra vụ việc, một số cán bộ đã viết đơn xin tự nguyện giao nộp đất và giấy chứng nhận.

Lý giải việc này, các bị cáo đều khai nhận đây là đất “ế”, không ai mua vì nằm tại khu vực nghĩa trang. Từ năm 1996 tới 2002, các hộ dân có trong danh sách mua đất của tỉnh Hà Tây vẫn không mua, nhận đất nên họ… mua thay.

Bị cáo Nguyễn Tiến Triển khai trước toà: “Tỉnh đã giao xã làm mà người dân không nhận, anh em nảy ra ý định để các cán bộ mua. Tôi đồng ý và cho đây là sáng kiến tốt”.

Các bị cáo khai thêm, họ được Nguyễn Xuân Trường đưa cho biên bản thống nhất bán đất, nói muốn mua đất thì ký vào; thực tế không hề có cuộc họp nào đồng ý cho các cán bộ mua đất giãn dân.

Bên cạnh đó, các bị cáo Triển, Sơn và Trường còn chia nhau 3 suất đất với diện tích hơn 500m2 mà không nộp tiền sử dụng đất. Triển khai, số đất này có nguồn gốc từ vợ mình, rộng 60m2 nhưng sau quy hoạch tăng lên 240m2.

Chủ tọa phiên tòa hỏi tại sao diện tích tăng lên, tăng lên khi nào thì ông Triển trả lời: “Đó là đất hoang, xã quy hoạch nên đất của vợ tôi mở rộng ra”. Tuy nhiên, ông Triển nói ông không biết diện tích đất tăng lên khi nào bởi không để ý và cũng không có nhu cầu về đất.

Cựu Bí thư xã cho biết thêm, mình được ông cha để lại hơn 2.000m2, đủ chia cho các con cháu. Thậm chí suất đất ông có được một cách trái thẩm quyền theo Quyết định 868 nói trên cũng là cháu ông mua và đứng tên.

Tới 11h30, tòa tạm nghỉ và tiếp tục làm việc vào 13h30 cùng ngày.

Kết luận thanh tra đất Đồng Tâm: Người dân đúng hay sai?

Kết luận thanh tra chỉ ra một số tố cáo đúng của người dân, đó là việc buông lỏng quản lý đất đai tại sân bay để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Ân (Tiền Phong)
"Điểm nóng" Đồng Tâm - Mỹ Đức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN