Bi kịch đằng sau bản giám định ADN "lạ"

Ngày nay khoa học phát triển, người ta có thể phân tích ADN để xác định được huyết thống và cũng để xác minh những mối quan hệ gia đình chưa rõ ràng.

Đằng sau mỗi bản kết quả xét nghiệm là những câu chuyện đời với muôn màu cuộc sống và đầy đủ cung bậc cảm xúc. Trong số đó, có không ít những câu chuyện bất ngờ và ám ảnh khiến bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền không bao giờ quên được.

Bi kịch đằng sau bản giám định ADN "lạ" - 1

Các nhân viên đang phân tích giám định ADN. Ảnh TH

Ca xét nghiệm kì lạ

Bà Nga kể: “Hôm đó là buổi sáng, sau khi hoàn tất mọi thủ tục của một vụ tranh chấp con, phải kiện nhau ra tòa, chúng tôi mời đương sự vào lấy mẫu xét nghiệm. Khi ba người đi vào mặt nặng mày nhẹ, nhìn họ không thể cho đây là một cặp được bởi vì người cha kém mẹ đứa trẻ đến vài chục tuổi, tuy nhiên thế gian này không phải là hiếm. Điều đáng nói ở ca xét nghiệm này là sự bí ẩn về người phụ nữ trong cuộc tên Nhật Lệ mà mãi cho tới gần một năm sau tôi mới giải mã được.

Tôi nhớ, ngay chiều hôm đó, người phụ nữ này đã gọi điện cho tôi. Chị bảo rằng muốn gặp tôi để nói chuyện riêng, tôi cũng nói thẳng: “Nếu chị muốn tâm sự gì thì tôi sẽ tiếp chị tại trung tâm. Còn nếu chị muốn có một kết quả xét nghiệm theo ý muốn của mình thì dù có gặp cũng chẳng giải quyết được gì”. Nghe vậy chị ta đã khóc và nói: “Em khổ tâm lắm chị ơi, chị chiếu cố cho hoàn cảnh của em và cho em gặp riêng tại nhà chị đi”. Tôi đã khước từ lời đề nghị và chị ta lại khóc… Theo dõi kết quả ca xét nghiệm của trường hợp này, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy đứa trẻ không có quan hệ máu mủ gì với người đàn ông đang nhận là cha và cũng không phải con của người phụ nữ nhận là mẹ.

Biết được kết quả bất thường như vậy tôi đã chủ động gọi cho báo cho chị Lệ. Chị này chẳng lấy làm ngạc nhiên, chỉ khóc rất nhiều. Tôi ái ngại hỏi chị không thắc mắc gì về kết quả sao, người phụ nữ không nói gì mà lại khóc. Một lúc sau chị ta cầm tờ tiền mệnh giá 500 nghìn đồng dúi vào tay tôi và nói trong nước mắt: “Nếu không ảnh hưởng đến trung tâm thì chị có thể kết luận “Không phải là bố” thôi còn bỏ dòng “Không phải là mẹ” trong giấy kết quả xét nghiệm đi có được không ạ? Tôi lắc đầu giải thích: “Thế đâu có được, đã lấy mẫu thì phải kết luận quan hệ của chị với cháu bé chứ, chị cất tiền đi”.

Chị Lệ hiểu ra, có vẻ xấu hổ với hành động của mình. Rồi như không thể kìm nén được hơn nữa, chị ta khóc nức lên: “Em thương các con em quá, em có tội… Em đã giết chết chúng rồi!... Em đau đớn quá... ân hận quá chị ơi!”. Rồi chị ta nắm chặt tay tôi và nói như nói với chính mình “Em sẽ trở về trong đó, rồi em sẽ đi xa, rất xa… còn lúc này em không thể nói gì được… Em sẽ gọi cho chị sau. Mong chị đừng cho ai hay kết quả này, chị cứ gửi kết quả cho tòa án”. Sau khi chị Lệ đi rồi, trong tôi có vô vàn câu hỏi nhưng vì chuyện riêng mà người ta không nói nên mình cũng đành chịu. Chỉ có điều tôi cảm nhận, đó là một người phụ nữ tốt và có một bí mật gì đó rất đau lòng. Vì thế tôi cũng không trách chuyện chị ta nhờ tôi sửa kết quả xét nghiệm.

Bi kịch đằng sau bản giám định ADN "lạ" - 2

Bà Nguyễn Thị Nga đang quan sát nhân viên của mình phân tích ADN. Ảnh TH.

Cuộc gọi bất ngờ

Bà Nga kể tiếp: “Gần một năm sau, tôi nhận được một cuộc gọi từ nước ngoài của một người phụ nữ, nghe giọng và xưng tên tôi nhận ra ngay đó là chị Nhật Lệ. Chị bảo rằng đã định gọi cho tôi lâu rồi vì nghĩ rằng nợ tôi một lời giải thích. Nhưng chị muốn thời gian trôi đi để tất cả lùi về quá khứ và bây giờ là lúc chị có thể giãi bày. Chị nói, vì tôi có biết một phần quan trọng của cuộc đời chị nhưng lại là người dưng và hiện đang sống ở nơi rất xa nhau nên chị muốn kể cho tôi nghe hết về bí mật cuộc đời, để giải thích cho những hành động khó hiểu khi đến trung tâm để xét nghiệm. Và hơn thế nữa, chị cũng được tâm sự với một người nào đó những điều đang phải chịu đựng để cho vơi bớt phần nào.

Chị Lệ kể rằng: chị là một người phụ nữ góa chồng, có một cô con gái và hai trai. Chị đã phất lên nhờ thời kỳ thịnh vượng của chứng khoán. Vì thương tình, chị cho một người bạn cũ làm ăn thất bát vay một số tiền khá lớn không lấy lãi và cũng chẳng có giấy tờ gì. Thế rồi người bạn trở mặt, cứ khất lần không chịu trả số tiền đã vay và càng ngày càng tỏ ra thách thức, không đếm xỉa gì đến tình nghĩa. Chị nghĩ có lẽ vì mình mẹ góa con côi nên người ta âm mưu cướp không số tiền đó nên quyết định tìm một người giúp đòi nợ. Qua sự giới thiệu, chị nhờ được một thanh niên có có dính dáng đến “dân xã hội” và số tiền trên nhanh chóng được trả lại.

Chẳng hiểu do lâu ngày vắng đàn ông, do cảm kích mà chị rơi vào vòng tay của gã ma cô này lúc nào không hay. Khi biết mình dính bầu, chị vô cùng lo sợ tìm cách dứt bỏ mối quan hệ với gã ma cô và quyết định đi bỏ cái thai. Không may cho chị là gã ma cô đã đoán trước được ý định của chị và đe dọa: “Bà mà vất bỏ đứa con của tôi, tôi sẽ giết bà và cả các con của bà”. Đã từng chứng kiến “thân thế, sự nghiệp” của hắn nên chị đành phải đồng ý. Kể từ đó, gã ma cô coi chị tình nhân dễ bảo, cứ lúc nào thiếu tình, thiếu tiền là mò đến. Chị không muốn ba đứa con với người chồng trước biết chuyện nên tìm cách che giấu.

Chị phải nói dối các con phải đi công tác xa dài ngày nhưng thực chất tìm một nơi để sinh đứa bé. Chị tìm đến một bản làng xa, làm bạn với một người phụ nữ đang mang bầu cùng tháng với ý định sau này sẽ gửi con lại nhờ người phụ nữ này nuôi hộ. Chị bịa ra một câu chuyện bị chồng ruồng rẫy nên phải bỏ nhà đi để bảo vệ đứa con để mong nhận được sự thương cảm. Sinh xong, chị đợi con cứng cáp rồi gửi lại cho người phụ nữ ở bản làng và cung cấp tiền cho chị ấy nuôi cả hai đứa trẻ. Chị quay về sống với cuộc sống như cũ, chỉ thi thoảng lên thăm đứa con ở bản xa. Gã ma cô biết chuyện nhưng hắn không quan tâm đến đứa con, vẫn chỉ đến khi cần tiền hoặc tình.

Lời nói dối... tử tế

Chị quyết định phải chấm dứt mối quan hệ với gã ma cô kia rồi đón con về và nói dối mọi người là xin thêm một đứa con nuôi. Dù rằng về ruột thịt, hắn là cha của con chị nhưng thực tế thì hắn không xứng đáng và đứa trẻ sẽ chỉ có hại hơn khi có một người cha như vậy. Để thực hiện ý định, chị đã bán nhà thay đổi chỗ ở nhưng ác nghiệt thay, chị vẫn không thoát khỏi bàn tay của gã ma cô. Một lần hắn đến tìm, yêu cầu chị đưa cho hắn một số tiền lớn để cưới vợ thì sẽ ra đi vĩnh viễn. Số tiền hắn đòi quá lớn nên hai người đã lớn tiếng cãi vã. Đúng lúc đó, cô con gái đầu về nhà và tình cờ nghe hết mọi chuyện.

Quá sốc, cô con gái mới lớn vừa khóc vừa chạy ra khỏi nhà khi nhìn thấy mẹ. Một tai nạn khủng khiếp xảy ra trước cửa nhà khiến chị mất đứa con gái đầu lòng. Trong lúc chị đang quá đau buồn và ân hận vì cái chết của đứa con gái thì hai đứa con trai nhỏ vì quá sốc, mất niềm tin vào người mẹ yêu quý nên đã tự vẫn theo chị gái. Trong khoảng thời gian ngắn mất cả ba đứa con khiến chị như bị phát điên. Chị không ăn không ngủ, ngày này qua ngày khác chỉ ngồi khóc rồi lại ngồi nhìn vào chỗ vô định. Chị đã nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát cho chính mình nhưng cuối cùng đã phải nén đau thương để sống vì chị vẫn còn một đứa con. Đó là một đứa con thiệt thòi, chị phải có trách nhiệm với nó và cũng là để tự chuộc lỗi với ba đứa con đã mất.

Cứ tưởng, sau những cái chết thảm thương của các con chị thì gã ma cô sẽ buông tha. Ai ngờ chị vừa đưa con về được mấy hôm thì hắn vẫn xuất hiện, tỏ vẻ tử tế muốn được gặp đứa con rơi. Nhưng chị nhất quyết không cho gặp, mọi thứ đã quá sức chịu đựng và giờ đây chị cũng không còn sợ hắn. Dọa dẫm chán không được, hắn làm đơn ra tòa đòi con. Ra tòa chị vẫn khẳng định chị chẳng có đứa con nào với hắn, vì vậy hắn liền đề nghị tòa đưa đứa trẻ đi xét nghiệm ADN.

Nghe kể đến đây, tôi không kìm được sự ngạc nhiên cắt ngang hỏi bà Nga, tại sao khi xét nghiệm đứa bé không phải con của hắn, cũng không phải con của chị Lệ kia? Nếu là một đứa trẻ lạ tại sao cách cư xử tại tòa và khi đến phòng xét nghiệm có thể tự nhiên đến mức không ai nhận ra? Bà Nga cho biết: “Đó cũng là điều tôi bất ngờ và thắc mắc khi làm xét nghiệm. Sau này chị Lệ mới tiết lộ, đứa trẻ mang đến tòa thực tế là con của người phụ nữ dân tộc. Vì đứa trẻ này cùng tuổi với con chị Lệ, hơn nữa cả chị và người phụ nữ dân tộc đều gọi hai đứa trẻ là con và cả hai đứa trẻ đều gọi cả hai người phụ nữ là mẹ. Chúng còn quá nhỏ chưa hiểu chuyện gì xảy ra và cũng chẳng phân biệt được ai là mẹ đẻ ai là mẹ nuôi, nên chị Lệ đã đưa đứa trẻ con của người phụ nữ bản làng kia đi xét nghiệm ADN thay cho con đẻ của mình”.

Kỳ tới: Khi kết tinh của mối tình đời người lại là... của người khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hiên (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN